Khởi động con đường gốm sứ ven sông Hồng
Sau gần một năm làm việc, các họa sỹ thuộc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã hoàn thành đoạn tranh gốm sứ đầu tiên dài gần 100m, trên bức tường bêtông kè đê sông Hồng, khu vực cửa khẩu An Dương, ngã ba của cung đường Yên Phụ, Thanh Niên và Nghi Tàm.


Trên diện tích khoảng 66m2, ba chiếc cột bêtông tại cửa khẩu cao 2m và chu vi 6m được trang trí bằng những viên gạch có họa tiết Đông Sơn khắc chìm và phủ men xanh ngọc, xanh ánh vàng nhiều sắc độ. Phần tranh trên tường được trang trí các họa tiết con thuyền cùng những hình ảnh quen thuộc của nền văn hóa thời kỳ này như chim hạc, ngôi sao mặt trời, cư dân Lạc Việt đội mũ lông chim. Đây là đoạn tranh đầu tiên trong bức tường gốm hoành tráng sẽ hình thành dọc theo con đê ven sông Hồng vào mùa thu năm 2010, do họa sỹ - nhà báo Nguyễn Thu Thủy cùng các họa sỹ trong nước và quốc tế dành tặng Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Chất liệu gốm được sử dụng rất đa dạng, ngoài gốm Bát Tràng, Phù Lãng, Chu Đậu, Đông Triều của Bắc Bộ, cùng gốm Đồng Nai, Lái Thiêu, gốm Chăm của miền Nam, còn có các loại gốm từ nhiều nước khác nhau trên thế giới.


Con đường Gốm sứ ven sông Hồng được đánh giá là công trình nghệ thuật độc đáo và mang tính khả thi cao không chỉ bởi mục đích tôn vinh chất liệu gốm của dân tộc mà còn bởi ý tưởng làm đẹp Thủ đô, thu hút du khách - qua bức tranh gốm hoành tráng dọc đê sông Hồng. Với ý tưởng này, trên con đê bêtông xám tối và bị vạch xóa lem nhem, các họa sỹ sẽ trang trí, biến thành một bức tường bằng chất liệu gốm truyền thống và hiện đại, phong phú về đề tài, có tính bền vững với thời gian. Bức tranh tường dài 6.000m, cao 0,95m, dọc các đường Âu Cơ, Nghi Tàm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, các cột trụ cầu vượt nút giao thông cầu Chương Dương, chân cầu Long Biên, đài phun nước tại ngã ba đường vào khách sạn Thắng Lợi, khách sạn Sofitel Plaza, chợ Long Biên. Bức tranh tường độc đáo này sẽ được thể hiện thành 6 đoạn chính theo chủ đề và nhóm tác giả: Tái hiện lịch sử hoa văn việc phục dựng lại hoạ tiết cổ, hoa văn đẹp trong di sản nghệ thuật VN qua các thời kỳ Phùng Nguyên - Đông Sơn - Thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn. Đặc biệt tại nút cầu vượt Chương Dương với những hàng cột và mảng tường lớn cao 5,4m sẽ là điểm nhấn với hình tượng rồng thời Lý và hàng chữ “Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm”.


Bức tranh tường gốm chỉ mang tính trang trí, ước lệ, không có nhân vật hay phong cảnh cầu kỳ, phức tạp mà chủ yếu là những họa tiết nhỏ, màu sắc hài hòa, mềm mại và tinh tế với tỷ lệ cân đối, vừa phải. Bức tranh tường sẽ có một vẻ đẹp trang nhã, vừa có tính tiếp nối truyền thống, vừa hiện đại, góp phần nâng cao thẩm mỹ và niềm tự hào dân tộc. Ngoài chất liệu gốm Việt, con đường còn có gốm Ai Cập, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Mexico, Mỹ. Khi hoàn thành, bức tranh gốm sẽ lập 2 kỷ lục: Bức tranh tường gốm dài nhất thế giới và Bức tường gốm có nhiều nghệ sỹ quốc tế tham gia sáng tạo nhất.
Hồng Nga