Khơi dậy động lực để doanh nghiệp vượt khó

- Thứ Bảy, 25/09/2021, 15:46 - Chia sẻ
Không doanh nghiệp nào bị bỏ lại phía sau, tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Khẳng định của ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tại Hội nghị Đối thoại doanh nghiệp dành cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, trong đó có các doanh nghiệp không còn là câu chuyện của riêng Đà Nẵng. Ở nhiều tỉnh thành khác, nhất là những địa phương phải trải qua nhiều đợt giãn cách xã hội mới thấm hết được những thiệt hại nặng nề này. Ở những địa phương phát triển mạnh về du lịch, thì thời gian gần đây, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch rơi vào tình trạng ngủ yên vì phải tạm dừng hoạt động. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng trong tình trạng tương tự. Một số lĩnh vực kinh doanh khác cũng gần như bị tê liệt.  

Trong khi đó, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp được coi là may mắn hơn khi được phép hoạt động do bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch. Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cũng chỉ hoạt động mang tính cầm cự để không bị mất đơn hàng, không bị mất uy tín đối với đối tác chỉ vì những hợp động đã được ký kết. Để được phép hoạt động, doanh nghiệp đã phải “cõng” rất nhiều chi phí phát sinh. Đó là kinh phí chi để xét nghiệm định kỳ cho người lao động tham gia sản xuất khi thực hiện theo yêu cầu “3 tại chỗ”; chi phí ăn ở cho người lao động… Đó là những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối diện, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đó cũng là lý do không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng “ốm yếu” vào lúc này.

35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc do ảnh hưởng bởi COVID-19. (Ảnh minh họa/TTXVN)
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Ảnh minh họa/TTXVN

“Sức khỏe” của doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng trong việc khôi phục nền kinh tế. Do đó, để doanh nghiệp vượt khó, ngoài sức mạnh nội lực của doanh nghiệp, rất cần sức mạnh ngoại lực từ các chính sách hỗ trợ, đòn bảy cho doanh nghiệp.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19, nhất là trong đợt bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, cần phải có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch Covid -19 đã được ban hành. Ngay tại Phiên họp thứ Ba vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Theo đó, giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 31.12.2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, bao gồm: vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; hoạt động xuất bản; hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tua du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tua du lịch; hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí. Miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020…

Đặc biệt, chiều qua, 24.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp bất thường để cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19. Và ngay trong ngày, sau phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết nêu rõ: người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1.10.2021 được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng, từ ngày 1.10.2021 đến hết ngày 30.9.2022.

Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ để hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp. Phần việc của Chính phủ rất lớn và không thể chậm trễ; căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả.

Chính sách hỗ trợ đến sớm, đến đúng đối tượng như liều thuốc kích thích huyết mạch kinh tế; khơi dậy động lực để doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn đại dịch.

Lê Hùng