Khởi đầu mới với nhiều kỳ vọng

- Thứ Hai, 13/09/2021, 06:43 - Chia sẻ
"Chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại châu Âu là một khởi đầu mới với rất nhiều kỳ vọng về thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai bên. Đặc biệt, các cuộc gặp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cộng đồng doanh nghiệp giúp doanh nghiệp châu Âu hiểu hơn về Việt Nam để xác định nhu cầu và quyết định đầu tư", Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) NGUYỄN HẢI MINH chia sẻ.

Giúp doanh nghiệp châu Âu hiểu hơn về Việt Nam

- Theo ông, chuyến thăm làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại châu Âu có ý nghĩa như thế nào đối với quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU)?

­- Từ góc độ của doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng chuyến công du đầu tiên của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam trong nhiệm kỳ này là một khởi đầu mới với rất nhiều kỳ vọng về thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai bên.

Về thương mại, hai bên đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) và có hiệu lực từ ngày 1.8.2020. Trong bối cảnh dịch Covid - 19, thương mại hai bên vẫn duy trì khả quan bất chấp hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến một số doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam đã chuyển dịch một phần chuỗi cung ứng sang quốc gia khác.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái (khi chưa có EVFTA). Hiện, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Việt Nam cũng nằm trong nhóm đầu các quốc gia xuất khẩu vào EU, với nhiều mặt hàng có thế mạnh và tạo dựng được tên tuổi. Do đó, có nhiều cơ sở để tin tưởng quan hệ thương mại hai bên sẽ vẫn tích cực.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Áo, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp của Bỉ, Phần Lan. Đây là tín hiệu rất tích cực, giúp các doanh nghiệp châu Âu hiểu hơn về Việt Nam, nâng tầm hình ảnh của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư châu Âu, giúp họ xác định nhu cầu và quyết định đầu tư thời gian tới.

- Chuyến thăm làm việc của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam tại châu Âu cũng tạo ra kỳ vọng các nước thành viên EU sớm hoàn tất việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA). Quan điểm của ông thế nào?

­­- Thực tế, về vấn đề bảo hộ đầu tư, Việt Nam và một số quốc gia thành viên EU đã ký kết thỏa thuận song phương. EVIPA khi được thông qua sẽ chuẩn hóa lại các điều khoản về bảo hộ đầu tư. Nói cách khác, EVIPA sẽ tăng tính thuyết phục để các tập đoàn lớn của châu Âu đầu tư vào Việt Nam.

Hiện, mới có một số nước thành viên EU phê chuẩn EVIPA. Do vậy, chuyến công du của lãnh đạo Quốc hội Việt Nam lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nước còn lại của EU phê chuẩn Hiệp định.

Mặc dù số vốn đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam chưa phải là lớn nhất nhưng là nguồn đầu tư chất lượng cao, bảo vệ môi trường, quan trọng nhất là mang tính dẫn dắt chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi EVIPA được hoàn tất phê chuẩn chắc chắn sẽ tạo biến chuyển đáng kể trong làn sóng đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn thông qua tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu do doanh nghiệp châu Âu dẫn dắt.

Sớm đưa doanh nghiệp hoạt động trở lại

Ngành sản xuất ô tô, đặc biệt là ô tô điện đang là ngành hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu - Ảnh: Báo Công thương
Ngành sản xuất ô tô, đặc biệt là ô tô điện đang là ngành hấp dẫn đối với các doanh nghiệp châu Âu
Ảnh: Báo Công thương

- Theo ông, Việt Nam cần làm gì để cụ thể hóa các cơ hội từ chuyến thăm này?

- Mục tiêu hàng đầu của Việt Nam là cần tạo sân chơi thuận lợi hơn cho doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam, từ đó mở ra tương lai tích cực hơn cho các nhà đầu tư tiềm năng của châu Âu.

Mấu chốt hiện nay vẫn là phòng, chống dịch Covid-19. Nhằm hạn chế hệ quả tiêu cực của giãn cách xã hội làm đứt gãy chuỗi cung ứng, EuroCham đã đưa ra nhiều đề xuất, như: tiêm vaccine diện rộng; bảo đảm hàng hóa lưu thông tự do; rút ngắn thời gian cho chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia đã được tiêm vaccine trở lại Việt Nam làm việc; đưa nhà máy và công ty hoạt động trở lại càng sớm càng tốt… Một số giải pháp đã được giải quyết song tới đây, Chính phủ cần tiếp tục xem xét, đưa ra giải pháp thuận lợi hơn.

Về lâu dài, chính sách của Việt Nam cần tạo chuyển biến đột phá ở 3 trụ cột: chất lượng nhân lực, cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần (logistics) và cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, Việt Nam có thể thiết kế chính sách ưu đãi tạo điều kiện thêm nhằm khuyến khích hơn nữa việc các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

- Về phía EuroCham sẽ làm gì để thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế thương mại với Việt Nam, thưa ông?

- Từ trước tới nay, EuroCham luôn hỗ trợ doanh nghiệp thành viên hoạt động ở Việt Nam được thuận lợi nhất, kiến nghị chính sách, nâng tầm tiêu chuẩn cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua xuất bản Sách trắng hàng năm; đồng thời thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và EU bằng việc vận động thông qua, phê chuẩn EVFTA. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục những hoạt động này, trong đó tích cực phối hợp cùng các quốc gia thành viên EU để đẩy nhanh quá trình phê chuẩn EVIPA ở mỗi nước.

- Xin cảm ơn ông!

Vũ Thủy thực hiện