Khoảng trống Trung Đông
Thế cài răng lược tại Trung Đông khi lợi ích giữa các quốc gia trong khu vực chồng lấn nhau, cùng sự xuất hiện của các lực lượng thánh chiến, thỏa thuận hạt nhân Iran đang khiến sự ganh đua tại điểm nóng này trở nên khốc liệt hơn. Trung Đông mới đang xuất hiện những khoảng trống quyền lực nguy hiểm, đó là nhận định của cựu Bộ trưởng Ngoại giao Đức Joschka Fischer trong bài bình luận trên tờ Daily Star mới đây.
Không giống với Trung Đông cũ, trong đó số phận được định đoạt bởi các cường quốc phương Tây, Trung Đông mới không có thế lực bá chủ bên ngoài can thiệp ổn định tình hình và cũng không có cường quốc thống trị nào trong khu vực, tạo ra thế giằng co và các đường đua nguy hiểm. Thực tế là Mỹ không còn sẵn sàng hoặc không còn khả năng đóng vai nhạc trưởng tại khu vực chảo lửa này.
Sau hai cuộc chiến ở Iraq và sự thất bại của chủ nghĩa bảo hộ mới mà qua đó Mỹ muốn dùng vũ lực áp đặt một trật tự quốc tế mới, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có sự điều chỉnh trong chiến lược và muốn xua tan ngờ vực của người Hồi giáo đối với Mỹ, đồng thời tập trung vào khu vực châu Á. Nhưng hiện nay, Mỹ, với vai trò cảnh sát khu vực, dường như đã bỏ qua cam kết của mình. Mỹ đã bỏ mặc Ảrập Xêút, bỏ rơi đồng minh Hosni Mubarak ở Ai Cập trong cuộc nổi dậy năm 2011 và từ chối đề nghị của các đồng minh châu Âu đánh bom Syria tháng 9.2013 khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đối với dân thường Syria. Mỹ ngày nay chỉ muốn đóng vai trò hòa giải, nhằm tránh một cuộc đối đầu giữa Ảrập Xêút theo phái Sunni và Iran theo phái Shi’ite.
Việc Mỹ lui về hậu trường tại Trung Đông tạo ra khoảng trống và mở đường cho cuộc chiến giành quyền lực giữa hai đối thủ lớn nêu trên. Cuộc đấu giành quyền thống trị giữa các nước này đang diễn ra trên các chiến trường ủy nhiệm tại Lebanon, Iraq, Syria và giờ là Yemen. Sự nổi dậy của lực lượng Houthi ở Yemen là nấc thang mới trong cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn. Không chỉ diễn ra ở phía Nam bán đảo Ảrập, ngay sát biên giới của Ảrập Xêút, chiến dịch can thiệp trực tiếp của liên minh Ảrập tại Yemen đã thổi bùng sự đối đầu chiến lược giữa Riyadh và Tehran. Đây cũng là việc bất đắc dĩ bởi lẽ nếu không tấn công quân nổi loạn Houthi, chắc chắn Ảrập Xêút sẽ mất hết uy tín trong khu vực ảnh hưởng của mình. Tuy nhiên, việc dẫn đầu liên minh 8 quốc gia Ảrập chống lại Iran có thể dẫn đến kịch bản tồi tệ nhất: nguy cơ về một cuộc chiến lâu dài, có tính chất huynh đệ tương tàn và gây bất ổn toàn khu vực.
Yếu tố tôn giáo và dân tộc đóng vai trò lớn trong cuộc đối đầu này. Sự chia rẽ giữa hai dòng Hồi giáo Shi’ite và Sunni được phản ánh rõ trong các đặc điểm địa-chính trị khu vực. Lợi ích địa-chính trị, chủ nghĩa bè phái tôn giáo và sắc tộc đang tạo thành một thứ kết hợp nguy hiểm ở Trung Đông mới. Lịch sử đã cho thấy, sự can thiệp quân sự từ bên ngoài không thể giải quyết hay kiềm chế các cuộc xung đột này. Do vậy, các cường quốc khu vực sẽ phải tự dàn xếp với nhau, nhưng đây là điều nói dễ hơn làm. Trung Đông mới sẽ phải trải qua một giai đoạn bạo lực kéo dài không thể đoán trước, thậm chí có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột toàn cầu. Hậu quả dễ thấy nhất là các thảm họa nhân đạo giống như những gì đang xảy ra tại Syria. Thậm chí, ngay cả khi tránh được nguy cơ xung đột lây lan ra ngoài khu vực, bất ổn ở Trung Đông có khả năng gây hậu quả lớn cho kinh tế toàn cầu, do đây là vựa dầu của thế giới. Trên thực tế, giá dầu mỏ thế giới đang được định đoạt bởi các nước tại bán đảo Ảrập cũng như các nước vùng Vịnh liền kề và điều này sẽ không sớm thay đổi.
Dưới góc độ an ninh quốc tế, cuộc đối đầu kéo dài nhằm giành vị thế thống trị khu vực sẽ làm tăng mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, do hai bên đều đang sử dụng các nhóm cực đoan. Nguy hiểm hơn là các nước chủ chốt trong cuộc xung đột này đang tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân. Một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại khu vực bất ổn thường trực này sẽ là ác mộng của thế giới. Do vậy, không phải ngẫu nhiên khi cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ, đang cố gắng đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran, trong bối cảnh các cường quốc khu vực can dự vào cuộc đối đầu quân sự trực tiếp tại Yemen. Thỏa thuận khung vừa đạt được tại Thụy Sĩ nhằm đặt chương trình hạt nhân Iran dưới sự giám sát quốc tế, qua đó ngăn chặn nguy cơ đối với sự ổn định của khu vực và toàn cầu. Tuy nhiên, sự can thiệp quân sự của Iran tại Syria, Lebanon, Iraq và Yemen kéo theo những rủi ro rất lớn, thể hiện qua việc các nước Ảrập vừa quyết định thành lập một lực lượng quân sự chung trong một động thái rõ rằng là nhằm chống lại Tehran.
Trung Đông mới không cần đến chạy đua vũ khí hạt nhân, hận thù tôn giáo cũng như chính sách đối ngoại dựa vào can thiệp quân sự. Thay vào đó, khu vực này cần ngồi lại với nhau và thương lượng, phát triển hệ thống an ninh tập thể phục vụ cho lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan. Nếu thiếu ngoại giao và sự sẵn sàng làm việc nhằm hướng tới hiểu biết lẫn nhau, Trung Đông mới vẫn sẽ là thùng thuốc súng của thế giới. Rất có thể, Mỹ đang muốn áp dụng chiến lược mới là đứng sau giật dây hay lãnh đạo từ phía sau đối với các cuộc đối đầu giữa hai giáo phái Sunni và Shi’ite trong ván bài Trung Đông.