Khoảng trống chế tài

- Thứ Hai, 02/11/2020, 06:30 - Chia sẻ

Chiều nay 2.11, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Tội phạm ma túy hiện ngày càng diễn biến phức tạp, thủ đoạn tinh vi, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình trật tự an ninh xã hội, việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, để bảo đảm luật đi vào cuộc sống thì một số quy định của dự thảo Luật cần bổ sung để bảo đảm tính khả thi.

Thực tế cho thấy, người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm gần đây ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, thì đến tháng 12.2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 60%, xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Số người nghiện có hồ sơ quản lý chỉ là một phần của “tảng băng chìm”, bởi vẫn còn những đối tượng nghiện hút chưa được thống kê, quản lý. Những đối tượng này chỉ bị phát hiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, hoặc gây ra những vụ thảm án. Không ít trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp đã gây nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự.

Vụ án hai kẻ nghiện ma túy giết nữ sinh Học viện Ngân hàng để cướp tài sản nhằm thỏa mãn cơn nghiện xảy ra mới đây tại Hà Nội là vụ án đau lòng. Nhiều vụ thảm án khác đã xảy ra, không ít trường hợp, bị cáo chỉ vì không kiểm soát được hành vi của mình do bị “ngáo đá” đã tước đoạt tính mạng của chính người thân của mình. Điều này cho thấy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro an toàn tính mạng cho người dân sống trên địa bàn có đối tượng nghiện ma túy nhưng chưa được đưa đi cai nghiện tập trung.

Gây nguy hiểm cho cộng đồng, xã hội là vậy, nhưng hành vi sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định hiện hành chỉ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng. Mức phạt này quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quản lý chặt chẽ người nghiện ma túy và "có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy".

Để nâng cao hiệu quả quản lý người sử dụng ma túy, dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) lần này đã quy định trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình, cơ quan, tổ chức. Theo đó, khoản 1, điều 25 dự thảo Luật quy định trách nhiệm người sử dụng trái phép chất ma túy tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Công an cấp xã nơi cư trú.

Đây là một quy định rất khó khả thi. Bởi thực tế cho thấy, hầu hết mọi người có tâm lý che giấu, e ngại việc khai báo việc sử dụng ma túy của mình. Thậm chí, có những đối tượng sử dụng trái phép khi bị người thân trong gia đình hay bị các lực lượng chức năng phát hiện tìm mọi cách chạy trốn, phản kháng để chạy trốn, tẩu thoát. Theo đó, để quản lý được người sử dụng trái phép chất ma túy thì ngoài việc quy định trách nhiệm của từng chủ thể liên quan thì có chế tài đối với việc không thực hiện trách nhiệm của từng chủ thể này là rất cần thiết.

Tiếc rằng, dự thảo Luật lại đang để trống chế tài đối với việc không thực hiện trách nhiệm của các chủ thể này. Khoảng trống chế tài này nếu không được quy định bổ sung sẽ dẫn đến tình trạng các chủ thể này thích thì thực hiện, không thích thì thôi, tạo nên sự tùy nghi trong thực hiện trách nhiệm. Và điều này rất khó để khẳng định rằng, việc quản lý người sử dụng trái phép ma túy mang lại hiệu quả trên thực tiễn.

Rõ ràng, nâng cao hiệu quả quản lý người sử dụng trái phép ma túy cũng như giảm thiểu những vụ thảm án từ ma túy, đòi hỏi sự nỗ lực “vượt qua chính mình” của người sử dụng ma túy. Cùng với đó là sự quan tâm sát sao của gia đình, cộng đồng. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Điều này chỉ thực hiện được khi trách nhiệm, chế tài đối với từng chủ thể phải được quy định cụ thể trong Luật. Chừng nào quy định trách nhiệm còn chung chung, không có chế tài kèm theo thì chừng đó quy định rất khó bảo đảm tính khả thi.

Lê Hùng