“Khoảng tối” trong bức tranh cử tuyển ở Bạc Liêu

08/12/2007 00:00

Chính sách cử tuyển trong giáo dục đã mở ra cơ hội cho hàng ngàn học sinh người dân tộc thiểu số ở các xã 135 được học tập để công hiến tri thức, sức trẻ cho quê hương, đất nước. Tuy nhiên, không ít địa phương do buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến việc thực thi chính sách này không triệt để...

“Khoảng tối” trong bức tranh cử tuyển ở Bạc Liêu ảnh 1

      Mang con bỏ chợ 
      Mặc dù khát khao theo đuổi mộng ước sách đèn nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên em Huỳnh Thanh Tèo (dân tộc Khmer) ở ấp Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Phú Đông, Phước Long  không dám đăng ký thi đại học mà chỉ gửi hồ sơ lên huyện đăng ký xét tuyển vào trường đại học theo hệ cử tuyển. Tèo đã may mắn được Hội đồng xét tuyển tỉnh Bạc Liêu phê duyệt hồ sơ và cử tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Mặc dù trong những năm học đại học, Tèo được hưởng học bổng chính sách gồm 160 ngàn đồng/tháng, song em vẫn phải đi làm thêm ngoài giờ học chính khóa để kiếm thêm tiền trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Học lực vào loại trung bình, lại không biết sắp xếp, phân bố thời gian biểu sao cho khoa học nên học lực của Tèo ngày càng sa sút. Bước vào kỳ thi tốt nghiệp, em đã không đủ điểm dự thi tốt nghiệp. Chán nản, Tèo bỏ trường về quê lấy vợ, bỏ lại sau lưng 4 năm miệt mài đèn sách… 
      Tại tỉnh Bạc Liêu, Huỳnh Thanh Tèo chỉ là một trong hàng trăm sinh viên cử tuyển mặc dù được hưởng nhiều chính sách và sự đãi ngộ của Nhà nước, song, các em lại chưa nhận được sự quan tâm thỏa đáng từ chính quyền địa phương trong quá trình học tập cũng như sau khi ra trường tìm việc. Ông Trần Hiệp Hòa - Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp thuộc Sở GD-ĐT Bạc Liêu thừa nhận: Trong những năm qua, Bạc Liêu mới chỉ quan tâm khâu xét duyệt, cử tuyển học sinh đi học, còn đầu ra thì vẫn đang… bỏ ngỏ. Được biết, từ năm 1999 đến nay, tỉnh đã đưa 162 em học sinh đi học cử tuyển tại hơn chục trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong và ngoài tỉnh, song, số học sinh này sau khi tốt nghiệp đi đâu, về đâu thì không cơ quan nào hay. 
      Chúng tôi đến đến Sở Nội vụ Bạc Liêu để tìm hiểu vấn này và nhân được câu trả lời từ Giám đốc Huỳnh Minh Hội: Không biết! Lý do được đưa ra  là “UBND tỉnh chưa có văn bản nào giao trách nhiệm cho chúng tôi theo dõi, quản lý, bố trí đối tượng này nên Sở áp dụng quy chế xét tuyển chung đối với tất cả mọi đối tượng, kể cả sinh viên cử tuyển”. Còn Ban Tôn giáo - Dân tộc thì cũng cho rằng UBND tỉnh chưa chính thức giao cho chúng tôi theo dõi, quản lý đối tượng sinh viên cử tuyển trong và sau quá trình đào tạo nên Ban không dám…vượt mặt. Một lý do khác là hầu hết các trường sau các khóa đào tạo sinh viên cử tuyển đều không thông báo cho địa phương biết nên khó quản lý. Chỉ duy nhất năm nay, Trường Quân y Quân khu 9 có mời Ban Tôn giáo - Dân tộc tới dự lễ tổng kết năm học và bàn giao 5 sinh viên vừa mới nhận bằng tốt nghiệp. Ban Dân tộc đã liên hệ, bố trí việc làm cho 3 em.  
      “Chủ nợ” chính sách học bổng là ai? 
      Hơn một năm nay, nhiều phụ huynh có con em đang học hệ cử tuyển tại các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học trong và ngoài tỉnh Bạc Liêu rất bức xúc khi họ phải đứng ra lo toàn bộ chi phí học tập, sinh hoạt cho con em. Còn các em sinh viên thì tỏ ra lo lắng, e sợ sẽ phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không còn khả năng chu cấp tiền, gạo. Em Mỹ Hằng, sinh viên năm thứ 2 - Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, quê ở ấp Bà Gồng, thị trấn Ngan Dừa, Hồng Dân tâm sự: “Hai năm về trước, sở dĩ gia đình quyết định cho em theo học đại học là hy vọng một phần vào chính sách trợ cấp học bổng của Nhà nước. Bây giờ, cha em đang bị bại liệt, mẹ lại mắc phải căn bệnh nan y, mà em thì từ 2 năm nay không nhận được đồng học bổng nào nên cuộc sống chật vật lắm! Tình hình này kéo dài, em e rằng, mình sẽ khó có điều kiện theo học tiếp! ”. 
      Theo ông Trần Hiệp Hòa, thì nguyên nhân dẫn đến sự gián đoạn này là do trước đây, quỹ học bổng chính sách được Bộ GD-ĐT chuyển thẳng vào các trường để cấp trực tiếp cho sinh viên cử tuyển. Từ năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định về chế độ cử tuyển đã giao cho các tỉnh tự cân đối ngân sách để cấp học bổng cho con em địa phương mình. Cũng theo ông Hòa, tại cuộc họp xét tuyển học sinh vào các trường chuyên ngành mới đây, UBND tỉnh đã giao cho Ban Dân tộc - Tôn giáo nhiệm vụ thống kê, quản lý và trực tiếp cấp phát học bổng cho sinh viên cử tuyển là con em trong tỉnh. Thế nhưng, khi chúng tôi tìm hiểu thì Phó ban Dân tộc - Tôn giáo Danh Thánh Hiền khẳng định: “Chúng tôi chưa được UBND tỉnh giao thực hiện nhiệm vụ này. Bản thân tôi cũng không có thông tin về việc “đổi chủ” chi trả học bổng chính sách. Mới đây, tôi sang họp bên HĐND tỉnh đã vô tình nhìn thấy văn bản này (Nghị định 134 của Chính phủ quy định về chế độ cử tuyển) nên mượn phô tô ra một bản mang về cơ quan để xem thôi!”( !?) 
      Ngay cả đơn vị liên quan trực tiếp đến việc chi tiêu, cân đối ngân sách là Sở Tài chính Bạc Liêu cũng chưa được biết về việc cấp phát học bổng này. Sở chưa được UB tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn sẽ trích ngân sách từ nguồn nào để cấp phát cho sinh viên cử tuyển, phương thức thực hiện ra sao?…Và trong khi các cơ quan chức năng đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thấy sinh viên cử tuyển vẫn tiếp tục dài cổ chờ học bổng! 
      Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, bà Bùi Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thừa nhận: Trong những năm qua, tỉnh Bạc Liêu cũng chưa thực sự quan tâm sâu sát đến vấn đề đầu ra cũng như cấp phát chế độ chính sách cho các em sinh viên cử tuyển. Nguyên do một phần là đối tượng sinh viên cử tuyển học rải rác, manh mún tại nhiều trường khác nhau nên tỉnh khó theo dõi. Bản thân các em sinh viên sau khi ra trường cũng ít có liên hệ với UBND tỉnh nên tỉnh nắm không sát. Hiện nay, do chỉ tiêu cán bộ biên chế trong các cơ quan hành chính sự nghiệp đang ngày càng thu hẹp lại nên Bạc Liêu chỉ có thể bố trí được đầu ra cho khoảng 30-40% số lượng sinh viên cử tuyển. Về việc tổ chức thực hiện chính sách cho các em thì các sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình mà chủ động thực hiện chứ đâu cứ phải chờ UB tỉnh giao trách nhiệm bằng văn bản mới làm. Tuy vậy, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiến hành rà soát và tháo gỡ những vướng mắc để giải quyết chế độ cho các em.
      Dù biết mọi sự thay đổi về chủ trương, chính sách ít nhiều tạo sự lúng túng cho các cơ quan chức năng thực thi, song, hàng trăm sinh viên cử tuyển Bạc Liêu đang mong chờ tỉnh sớm có biện pháp tạo điều kiện cho họ được học tập và làm việc để đóng góp sức mình cho quê hương, đất nước.

Ngọc Ánh

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Khoảng tối” trong bức tranh cử tuyển ở Bạc Liêu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO