Khoảng lặng
Mỹ và Pháp đã ấn định thời hạn ngày 2.9 để lật đổ nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi, với việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẵn sàng giáng một đòn quyết định nếu ông Gadhafi vẫn không từ chức một cách hòa bình. Từ nay tới thời điểm đó, tại Libya sẽ có một khoảng lặng để các giải pháp chính trị thông qua thương lượng được xem xét như một cứu cánh cuối cùng, cho người dân Tripoli và cho cả NATO.
Có tin cho biết NATO đang chuẩn bị cuộc xâm lược bằng bộ binh để tiến hành “cú đánh kết liễu”, một nỗ lực quân sự tổng lực nhằm tiêu diệt hoặc lật đổ ông Gadhafi. Hơn bao giờ hết, NATO đang muốn chấm dứt cuộc chiến Libya trong vòng 2 tháng tới để cuộc xung đột này sẽ kết thúc đúng vào thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gặp nhau tại hội nghị hòa bình quan trọng về Trung Đông vào ngày 2.9. Cuộc chiến tại Libya cần phải được giải quyết để làm gương cho những gì mà Trung Đông cần học tập, về hiệu quả của đàm phán chính trị dưới vai trò trung gian hòa giải của Mỹ và phương Tây. Theo kế hoạch, cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo Israel và Palestine nên diễn ra ngay sau khi cuộc chiến Libya kết thúc, lý tưởng nhất là bằng một thỏa thuận bốn bên giữa Mỹ, Pháp, ông Gaddafi và phiến quân Libya, hoặc nếu các bên không đạt được thỏa thuận thì bằng chiến dịch quân sự quyết định của NATO, mà Mỹ cũng sẽ tham gia. Thỏa thuận 4 bên được đề xuất sẽ dựa trên sự ra đi của ông Gadhafi và việc thành lập một chính quyền chuyển tiếp chia sẻ quyền lực tại Tripoli giữa chính phủ hiện nay và các thủ lĩnh phiến quân.
Các Tổng thống Mỹ và Pháp hy vọng giành được uy tín ở trong nước và Trung Đông bằng hai đột phá ngoại giao tại Trung Đông và một thắng lợi tại Libya. Để hoàn thành mục tiêu này, các cuộc thương thuyết với các bên liên quan đang được tiến hành. Đó cũng là lý do khiến Pháp thay đổi quan điểm trong vấn đề Libya, đề xuất rằng vũ lực không phải là giải pháp và những người trung thành với nhà lãnh đạo Gaddafi cùng lực lượng nổi dậy nên tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp. Nếu NATO nhận được những đảm bảo rằng ông Gaddafi muốn thương thuyết, họ sẽ không cần tổ chức một cuộc xâm lược Libya bằng bộ binh. Tuy nhiên, quyết tâm bám giữ quyền lực của ông Gadhafi và sự kháng cự của những người trung thành với ông là dấu hiệu cho thấy thời gian biểu nhằm kết thúc cuộc chiến Libya của NATO sẽ không thể chính xác, cuộc chiến có thể kéo dài nhiều tháng sau đó. Hồi đầu tuần này, một quan chức cao cấp Nga đã nói rằng ông Gaddafi đã ngỏ ý từ bỏ quyền lực tại Libya với điều kiện con trai ông này sẽ được phép tham gia chạy đua trong một cuộc bầu cử sau đó. Song trước đây đã có nhiều tin đồn tương tự về những kế hoạch từ chức hoặc ra đi của ông Gadhafi và những tin đồn đó đều là vô căn cứ.
Ngày 13.7, phe nổi dậy tại Libya đến Brussels (Bỉ) để tổ chức hội đàm với NATO. Người phụ trách Ủy ban quá độ quốc gia Libya sẽ trình bày đường lối quá độ sang chính quyền dân chủ tại quốc gia Bắc Phi này. Điều đó cho thấy việc bố trí cũng như sắp đặt chế độ chính trị trong tương lai của Lybia đang dần trở thành chương trình quan trọng, sánh ngang với tình hình chiến sự. Hiện Lybia đang đứng trước hai lối thoát, chấp nhận ly khai hoặc nhanh chóng hoàn thành việc chuyển giao quyền lực, khôi phục sự thống nhất đất nước. Lybia vốn là một liên bang được thành lập bởi quyết nghị thống nhất của ba khu vực năm 1949. Khi tình hình bạo động xảy ra, có học giải phương Tây đã kiến nghị nên tách Lybia thành hai phần khác nhau, tuy nhiên “một quốc gia - một đất nước Lybia” hiện vẫn đang là nhận thức chung của cả hai bên đối lập trong cuộc nội chiến.
Trong bối cảnh đó, bình tĩnh giải quyết và tìm kiếm phương thức kết thúc nội chiến, khôi phục thống nhất tại Lybia trở thành sự lựa chọn thực tế của các bên. Đối với Tripoli, Chính quyền Gadhafi phải quyết định lựa chọn giữa việc bám trụ đến cùng hay rút lui để bảo toàn lực lượng. Trong khi đó, các lực lượng tại Benghazi lại cần đạt được nhận thức chung đối với việc xử lý ông Gadhafi cùng người thân như thế nào để tránh gây thù hận bộ tộc, kéo dài tình trạng nội chiến. Theo phe đối lập, ông Gadhafi có thể từ bỏ quyền lực và ra lệnh cho quân đội rời khỏi vị trí chiến đấu để đổi lấy sự an toàn cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, quan điểm này ngay lập tức bị phủ nhận bởi chính nội bộ Benghazi và người phát ngôn của Chính phủ Lybia cũng bác bỏ thông tin cho rằng ông Gadhafi muốn đánh đổi quyền lực lấy sự an toàn.
Nội chiến Lybia là một cuộc chiến đặc biệt, nếu không xử lý tốt sẽ giống như chiến tranh tại Afghanistan, gây tổn hại cho các bên tham gia. Suy cho cùng, đàm phán chính trị vẫn là lối thoát duy nhất giải quyết ổn thỏa cuộc xung đột ở chiến trường Bắc Phi này.