
Các nhà nghiên cứu cho rằng xu hướng trên cho thấy những thành tựu lớn gần đây của phái yếu như nữ ngoại trưởng đầu tiên, nữ dẫn chương trình bản tin tối đầu tiên, nữ Hiệu trưởng Princeton đầu tiên và sắp tới Nữ Phát ngôn viên đầu tiên của Nhà Trắng, đều không phản ánh được những gì đang diễn ra. Một thập kỷ trước, có thể tượng tượng vào một ngày nào đó, nam nữ cùng bằng cấp có thể được hưởng mức lương gần như nhau. Ngày nay, điều đó thật khó có thể mường tượng.
Năm ngoái, sau khi phân tích các số liệu của Sở Lao động, Viện Chính sách Kinh tế cho biết một phụ nữ có bằng đại học nằm trong độ tuổi 36-45 kiếm được 74,7 xu còn nam giới cùng một nhóm kiếm được 1 USD. Trong khi một thập kỷ trước người phụ nữ đó kiếm được 75,7 xu. Năm trước 5% phụ nữ lương cao nhất làm việc 50 giờ/ tuần kiếm được khoảng $90.0000/ năm. Trong khi đó 5% nam giới có lương cao nhất sẽ kiếm được $115.000 với cùng số giờ làm việc, chênh lệch tới 28%.
Lý do cho sự chững lại này rất phức tạp và dường như bao gồm cả yếu tố phân biệt đối xử và sự lựa chọn của phụ nữ. Theo Sở Lao động, gần đây số phụ nữ ở nhà trông con đã tăng lên và tăng cao nhất lại nằm ở số các bà mẹ có bằng cấp cao, những người có khả năng kiếm được nhiều tiền nhất nếu đi làm. Tốc độ phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực lương cao dường như cũng chậm đi.
Có ít nhất hai cách giải thích xu hướng này. Một là phụ nữ đối mặt với gánh nặng chăm sóc gia đình bắt buộc phải chọn những công việc được trả ít tiền hơn - hoặc nếu làm bà nội trợ thì không được trả gì cả. Theo quan điểm này, nếu Chính phủ mở rộng hơn chương trình chăm sóc trẻ ban ngày như ở những nước khác, hoặc nam giới dành thêm thời gian chăm sóc gia đình thì phụ nữ sẽ có nhiều cơ hội để theo đuổi bất kỳ công việc nào mà họ muốn. Quan điểm kia lại cho rằng phụ nữ coi tiền bạc ít được ưu tiên hơn so với đàn ông. Nhiều người thích có cơ hội chăm sóc con cái, cha mẹ và thích làm những công việc ví dụ như trong các lĩnh vực ngành phi lợi nhuận để có nhiều cơ hội ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Theo các nhà kinh tế, cả hai quan điểm đều có cái đúng.
Dù vậy, nhiều phụ nữ vâén cho biết họ sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại các định kiến trong phân biệt thu nhập dù ở hình thức tế nhị nào đi chăng nữa. Quả thực, khoảng cách lương giữa phụ nữ và nam giới cùng bằng cấp trong cùng một nghề nghiệp hầu như không nhúc nhích kể từ 1990.
Ngày nay, sự phân biệt đối xử là từ người thuê lao động. Họ làm cho phụ nữ tin rằng mình được đối xử bình đẳng với tất cả mọi người nhưng thực tế vẫn tạo ra một tấm vách kính nào đó ngăn phái yếu vươn tới những công việc tốt nhất trong công ty.
“Tôi không nghĩ ai lại có thể nói tôi không làm việc tốt bằng đàn ông”, Christine Kwapnoski, quản lý cửa hàng bánh, 42 tuổi ở Sam's Club, bắc Northern California, với thu nhập năm nay là $63.000 bao gồm cả tiền ngoài giờ, nói. Thế nhưng Kwapnoski vẫn thấy mình bị trả thấp hơn nam giới ở vị trí tương tự rất nhiều nên đã tham gia vụ kiện chống lại Wal-Mart Stores vốn là công ty sở hữu Sam's Club. Vụ kiện này là một trong một loạt các vụ kiện gần đây về bình đẳng giới ở các công ty lớn gồm Boeing, Costco, Merrill Lynch và Morgan Stanley.
Ở Wal-Mart, tỷ lệ phụ nữ ở từng cấp quản lý đang thu nhỏ lại. Họ chiếm khoảng 75% các vị trí trưởng phòng nhưng chỉ chiếm 20% vị trí quản lý cửa hàng với mức lương hơn $100.000. Tuy vậy, luật sư của Wal- Mart cho rằng thật không logic nếu giả định các con số trên là kết quả của sự phân biệt đối xử. Con người có những mối quan tâm khác nhau, ưu tiên khác nhau, sự nghiệp khác nhau và cả mức độ ham muốn đi vào lĩnh vực quản lý khác nhau. Các công ty bị kiện khác cũng có những lập luận tương tự.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng những nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm phân biệt đối xử đã làm cho khỏang cách chững lại. Trong những năm 1960 và 70, Luật VII và Luật IX cấm phân biệt đối xử tại nơi làm việc và trường học đã giúp thu hẹp khoảng cách trong những năm sau đó , nhưng trong một hai thập kỷ gần đây lại không có nỗ lực nào tương tự. Khoảng cách lớn nhất là ở nhóm những người lương cao. Ngày nay, trong các lĩnh vực lương cao như thị trường chứng khoán, công nghệ…, chủ yếu đàn ông là người đảm nhiệm công việc.
Phương Minh