Khoảng cách Sochi
Nguy cơ xảy ra cuộc chiến khí đốt mới giữa Nga - Ukraine đang gia tăng, đặc biệt sau khi Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich tại khu nghỉ mát Sochi (Nga) hôm 11.8 không mang lại kết quả như mong đợi. Sự im lặng của hai bên cho thấy khoảng cách giữa Moscow và Kiev đã lớn hơn và tương lai của mối quan hệ anh em này trở nên mờ mịt.
![]() Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko |
Nguồn: ABCnews |
Việc Tòa án quận Pecher ở Kiev truy tố cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đang dẫn đến sự đổ vỡ hợp đồng mua bán khí đốt Nga - Ukraine hiện nay và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến khí đốt mới. Các chuyên gia nhận định cuộc chiến này có thể nổ ra vào mùa đông. Và Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga sẽ giành chiến thắng bằng cách, chứng minh cho châu Âu thấy sự không đáng tin cậy của việc quá cảnh khí đốt qua Ukraine, đẩy Kiev tới chỗ phải tìm kiếm sự giúp đỡ để xây dựng các đường ống dẫn khí đốt thay thế. Tuy nhiên, những người gần gũi Thủ tướng Ukraine nhận định, kết luận của tòa án về tính bất hợp pháp của hợp đồng mua bán khí đốt có thể sẽ là căn cứ để hai bên xem xét lại hợp đồng này.
Đáng lẽ ra cuộc gặp giữa ông Medvedev và người đồng nhiệm Yanukovich đã được tổ chức cách đây 10 ngày nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hải quân Nga (ngày 5.8). Nhưng do Kiev không đồng ý với các điều kiện phía Nga nêu ra nên thay cho chuyến thăm căn cứ Sevastopol như dự kiến thì Tổng thống Medvedev đã tới căn cứ Baltisk của Hạm đội Baltic thuộc quân chủng Hải quân Nga. Đây đã là một sự chuyển hướng báo hiệu điều chẳng lành. Mặc dù nhu cầu giải quyết hợp đồng mua bán khí đốt của hai bên rất cao, song những bất đồng đã không được giải quyết tại Sochi vì lập trường quan điểm của hai bên quá khác biệt. Mở đầu hội nghị, ông Yanukovich đã bày tỏ hy vọng rằng hợp đồng mua bán khí đốt ký giữa hai nước năm 2009 sẽ được giải quyết mà không cần phải viện đến sự phán xử của tòa án. Còn ông Medvedev thì tỏ ý tiếc vì nhiều vấn đề nổi cộm tồn đọng trong quan hệ song phương. Đặc biệt cho tới nay, Kiev vẫn đứng ngoài quá trình liên kết trong không gian hậu Xô Viết mà Moscow chủ xướng và tham gia tích cực.
Kết thúc cuộc gặp, hai bên không đưa ra được một tuyên bố nào, bởi vì những vấn đề quan trọng như giá mua bán khí đốt và liên quan đến nó là vụ bắt giữ cựu Thủ tướng Timoshenko hoặc triển vọng Ukraine tham gia Liên minh Hải quan (TS) của 3 nước Nga - Belarus - Kazarstan tiếp tục là đề tài gây nhiều tranh cãi. Các nhà quan sát lưu ý, riêng sự vắng mặt của Chủ tịch Hội đồng quản trị Gazprom, ông Aleksey Miller và của Chủ tịch Hội đồng quản trị Naftogaz, ông Evgheny Bakulin cho thấy, ngay từ đầu, hai bên đã không hy vọng sẽ giải quyết ổn thỏa vấn đề song phương nổi cộm nhất hiện nay là giá mua bán khí đốt.
Ngoài việc kêu ca giá khí đốt cao, Chính quyền Ukraine còn không bằng lòng trước việc Nga xúc tiến hai dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua Biển Baltic (Dòng chảy phương Bắc) và qua Biển Đen (Dòng chảy phương Nam), trong khi vẫn phớt lờ đề nghị của Kiev về đầu tư để nâng cấp hệ thống vận chuyển khí đốt quốc gia Ukraine. Chính vì vậy mà Kiev một mặt vẫn xúc tiến đường lối liên kết với Liên minh châu Âu (EU), mặt khác không chấp nhận đề nghị của Nga về thành lập các xí nghiệp liên doanh khí đốt và chuyên chế tạo máy bay vận tải quân sự Antonov, hay tham gia TS và Hiệp ước An ninh tập thể. Về phần mình, Moscow không hài lòng với Kiev sau cuộc tập trận chung giữa Ukraine và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mang tên Sea Breeze hồi tháng 6 vừa qua. Chuyến thăm hải cảng Ukraine của tuần dương hạm mang tên lửa Monterey của Mỹ và cuộc tiếp xúc giữa các quan chức quân sự Ukraine với các đại diện NATO bàn về sự có mặt của căn cứ quân sự nước ngoài ở Biển Đen cũng khiến Moscow phật lòng.
Sau cuộc gặp Sochi, giới quan sát có chung nhận định, kỳ họp Ủy ban liên chính phủ Nga - Ukraine vào tháng 9 tới tại Moscow sẽ ít đạt được kết quả cụ thể. Thực tế, trong khi chuẩn bị cho kỳ họp này, cả Moscow lẫn Kiev đều dự phòng phương án là cuộc chiến khí đốt sẽ tái diễn giữa hai nước. Giới phân tích dự đoán tình trạng căng thẳng giữa Nga và Ukraine chí ít sẽ kéo dài đến giữa năm 2012 sau khi Nga tiến hành bầu cử tổng thống mới và Ukraine bầu cử Quốc hội khóa mới.
Nếu như tòa án kết luận hợp đồng mua bán khí đốt với Moscow được ký trong thời gian bà Tymoshenko làm Thủ tướng, là bất hợp pháp, thì đây sẽ là cơ sở để hai bên xem xét lại bản hợp đồng này. Ít nhất có hai phương án đã được đưa ra. Phương án thứ nhất, Moscow và Kiev sẽ ký một hợp đồng mới có lợi cho cả hai bên. Phương án thứ hai, Nga giữ nguyên quan điểm của mình và không đồng ý nhượng bộ. Tuy nhiên, đối với phía Nga, phương án thứ hai không có lợi. Phương án này có thể làm cho tình hình trở nên gay gắt hơn, đồng thời kích động phía Ukraine đi đến một cuộc xung đột mới. Rõ ràng khoảng cách Sochi đang cần gấp được lấp đầy.