Khoản vay nào ngân sách nhà nước phải chi trả thì phải luật hóa và QH phải kiểm soát được

ĐBQH Lê Văn Tân (Hà Nam) 05/05/2020 10:41

Dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) định nghĩa ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định để bảo đảm các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.

Thu ngân sách nhà nước, theo quy định của dự thảo Luật gồm các khoản: thu nội địa, thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu và viện trợ không hoàn lại. Chi ngân sách nhà nước gồm các khoản: chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi dự trữ quốc gia, chi viện trợ, chi bổ sung cuối dự trữ và chi trả nợ. Như vậy, phạm vi chi ngân sách nhà nước có khoản chi trả nợ, gồm trả nợ gốc và lãi cho các khoản mà Nhà nước vay. Trong khi đó, phần thu ngân sách nhà nước chỉ đề cập đến các khoản thuế, phí, lệ phí, không đề cập đến khoản thu vay mà ngân sách nhà nước vẫn phải chi trả nợ.

Về nguyên tắc, các địa phương và doanh nghiệp phải trả nợ cho các khoản được bảo lãnh và vay lại. Nhưng thực tế, một số doanh nghiệp không trả được nợ nên Chính phủ phải trả nợ thay. Khoản vay trong nước như trái phiếu Chính phủ đã được QH kiểm soát. Còn lại các khoản vay của nước ngoài, khoản Chính phủ vay để cho vay lại, khoản Chính phủ bảo lãnh vay chưa được QH kiểm soát ngay từ đầu. Điều đó cho thấy, QH chưa kiểm soát một cách tổng thể toàn bộ các khoản thu của Nhà nước, đó là thu vay, mà vẫn phải chi một cách tổng thể là chi trả nợ vay. Tôi cho rằng, những khoản vay nào mà ngân sách nhà nước phải chi trả thì phải được thể hiện trong Luật và QH phải kiểm soát được. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có điều, khoản quy định rõ trong luật để QH kiểm soát được các khoản vay và các khoản bảo lãnh này.

Mặt khác, QH cần tăng cường giám sát đối với phần thu ngân sách được đưa vào các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Hiện nay, có nhiều khoản thu ngân sách được tách ra để đưa vào các quỹ tài chính này khiến nguồn lực ngân sách bị phân tán. Trong khi đó, các quỹ này lại chủ yếu hoạt động theo điều lệ, không chịu sự kiểm soát của Nhà nước; một số trường hợp còn sử dụng quỹ không đúng mục tiêu, không có hiệu quả. Dự thảo Luật đã đưa ra một số quy định để khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần phải có quy định để thu hẹp dần các quỹ này và hàng năm, Chính phủ phải báo cáo QH về kết quả hoạt động của các quỹ này.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khoản vay nào ngân sách nhà nước phải chi trả thì phải luật hóa và QH phải kiểm soát được
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO