“Khoán trắng” cho cán bộ tư pháp - hộ tịch

- Thứ Ba, 25/08/2020, 06:44 - Chia sẻ
Các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật cần bảo đảm tính khả thi, gọn nhẹ; dễ hiểu, dễ áp dụng; nhất là giải quyết được tình trạng “khoán trắng” cho cán bộ tư pháp - hộ tịch là những yêu cầu khi xây dựng Dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Tổng hợp kết quả hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho thấy, quyết định này đã góp phần thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực và mục tiêu quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp cận thông tin, hòa giải ở cơ sở, thi hành pháp luật, thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Tuy nhiên, phán ảnh của nhiều địa phương cho thấy, còn nhiều hạn chế trong công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm, chưa lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát đối với công tác này, thường “khoán trắng” cho công chức tư pháp - hộ tịch mà chưa có sự phân công cụ thể, rõ ràng cho các công chức, bộ phận khác của UBND, MTTQ trong việc trực tiếp theo dõi, phối hợp với công chức tư pháp - hộ tịch để đánh giá các tiêu chí.

Đặc biệt, công tác tự đánh giá các tiêu chí của một số đơn vị cấp xã còn hình thức, hời hợt, thiếu chiều sâu, thiếu tài liệu kiểm chứng, hồ sơ, biểu mẫu chưa đầy đủ, chưa đúng với quy định tại Thông tư số 07/2017/TT-BTP. Thời điểm đánh giá, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn  đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của một số đơn vị cấp huyện muộn so với quy định; công tác niêm yết, công bố danh sách xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa đúng với Quyết định số 619... Trong khi đó, một số quy định trong quyết định bộc lộ bất cập, vướng mắc, không phù hợp với thực tế; việc tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa chú trọng đến giải pháp, biện pháp thúc đẩy thực hiện các tiêu chí và nhiệm vụ sau đánh giá…

Trên cơ sở tổng kết các kết quả đạt được, cũng như nhận diện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, Bộ Tư pháp đã xây dựng Dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung này là hướng tới tiếp tục thực hiện nhiệm vụ và tạo chuyển biến rõ nét hơn trong xây dựng và tiếp cận pháp luật; lồng góp tiêu chuẩn này vào các mục tiêu phát triển xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Góp ý vào Dự thảo này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, các tiêu chí phải gắn với chức năng, thẩm quyền của chính quyền cấp xã; đồng thời phải phân rõ vai trò cụ thể của bộ, ngành địa phương; cán bộ tư pháp - hộ tịch cũng như tổ chức đoàn thể trong công tác xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật. Muốn vậy, cần rà soát kỹ nội dung để xây dựng các tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật bảo đảm tính khả thi đồng bộ, gọn nhẹ; dễ hiểu, dễ áp dụng, tránh khoán trắng cho cán bộ tư pháp - hộ tịch tự làm, tự chấm.  

Ngoài ra, từ thực tế triển khai xây dựng chuẩn tiếp cận pháp luật cho thấy, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục công khai kết quả đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng, coi đó là một tiêu chuẩn để xem xét đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Nếu làm được điều đó, thì đây sẽ tạo động lực cho những người thực hiện công tác này.

Nguyễn Minh