Cáo bạch tài chính của Công ty Cổ phần One Capital Hospitality (mã chứng khoán: OCH, đơn vị chủ sở hữu của thương hiệu Kem Tràng Tiền) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần đạt 269,1 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận gộp vẫn đạt 83 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình tài chính của công ty lại diễn biến phức tạp hơn khi doanh thu tài chính giảm mạnh 69,4% xuống còn 12,9 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính lại tăng đột biến gấp 5,5 lần, lên tới 53,1 tỷ đồng. Các chi phí khác như chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng có sự biến động nhẹ, lần lượt ghi nhận con số 46 tỷ đồng và 52,4 tỷ đồng.
Kết quả, bán niên 2024, OCH báo lỗ sau thuế 70,1 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 2,2 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó.
Về tình hình tài chính, đến giữa năm 2024, OCH có tổng tài sản hơn 4.047 tỷ đồng, nợ vay tài chính ở mức 1.687,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính của OCH có phải thu về cho vay hơn 40 tỷ đồng.
Trong đó, có khoản Công ty Cổ phần Kem Tràng Tiền cho Công ty Cổ phần Robot Tosy (Robot Tosy) vay theo hợp đồng ngày 16.7.2014. Mục đích là bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh của Robot Tosy. Thời hạn cho vay là 12 tháng (được gia hạn đến 31.12.2016). Lãi suất cho vay là 8,0%/năm. Khoản vay được bảo đảm bằng tín chấp. Đến ngày 30.6.2024, Kem Tràng tiền đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi toàn bộ khoản cho vay và đã dừng tính lãi dự thu về cho vay của Robot Tosy từ sau ngày 31.12.2016.
Dữ liệu về doanh nghiệp cho biết, Robot Tosy đi vào hoạt động từ năm 2004, do các cổ đông sáng lập gồm: ông Hồ Vĩnh Hoàng, bà Hồ Thị Quỳnh Nga và ông Hồ Anh Tuấn. ông Hồ Vĩnh Hoàng là cái tên gắn bó với Tosy từ ngày thành lập cho đến nay với vai trò đại diện pháp luật. Vốn điều lễ của doanh nghiệp hiện tại là 100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ông Hồ Vĩnh Hoàng và bà Hồ Thị Quỳnh Nga cũng là hai cái tên quen thuộc khi có mối quan hệ chị em ruột và có mối liên hệ mật thiết với ông Hà Văn Thắm. Ông Hồ Vĩnh Hoàng, bà Hồ Thị Quỳnh Nga từng được ông Hà Văn Thắm cho đứng tên cổ đông tại Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) và một số công ty liên quan - nơi vị doanh nhân này làm lãnh đạo, có mắc nhiều vi phạm và bị tuyên án chung thân vào cuối tháng 9.2017.
Về hoạt động kinh doanh của Robot Tosy, dù rất “kín tiếng” trên truyền thông nhưng Tosy là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành robot đồ chơi ở Việt Nam, và hiện đang phát triển các loại robot phục vụ cho công nghiệp.
Sau khi vươn ra tầm thế giới với sản phẩm đĩa bay AFO ở thị trường Nhật Bản năm 2010, Tosy tiếp tục thành công với chiến lược sản phẩm tốt - giá rẻ.
Năm 2011, tại hội chợ Đồ chơi quốc tế Hoa Kỳ tổ chức tại TP New York, Công ty cổ phần Robot Tosy của Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 1 triệu sản phẩm đồ chơi đĩa bay Tosy với trị giá hợp đồng gần 3,5 triệu USD.
Năm 2013, Tosy đã chạm mốc xuất khẩu tới 65 quốc gia trên toàn thế giới. Với 3 dòng sản phẩm chủ đạo là đĩa bay AFO, mRobo và DiscoRobo, doanh số thu về từ các thị trường xuất khẩu của Tosy chiếm khoảng 70%.
Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tosy là ông Hồ Vĩnh Hoàng từng được biết đến là đội trưởng đội ĐH Bách khoa Hà Nội giành ngôi vô địch cuộc thi Robocon năm 2003.
Một số dữ liệu tài chính cho thấy tổng tài sản của Robot Tosy tăng liên tiếp trong những năm gần đây và đạt mốc gần 6 triệu USD. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, Tosy cũng ghi nhận thua lỗ vào năm 2021 và 2022 khi lần lượt báo lỗ hơn 900.000 USD và hơn 1 triệu USD. Gần đây nhất vào năm 2023, doanh nghiệp này mới có lãi trở lại ở mức hơn 418.000 USD