Khoa học và Phật giáo: Cuộc gặp gỡ tại Tâm

01/09/2012 09:43

Thượng tuần tháng 6 vừa qua, NHÀ VẬT LÝ THIÊN VĂN TRỊNH XUÂN THUẬN đã ghé Làng Mai - miền tây nam nước Pháp - thuyết trình về khoa học và Phật giáo. Bài thuyết trình của ông, tựa là Science and Buddhism: A Meeting of the Mind (Khoa học và Phật giáo: Cuộc gặp gỡ tại Tâm), đối chiếu giữa quan điểm Phật giáo về vũ trụ và nhân sinh với hiểu biết khoa học để nêu ra những tương đồng giữa hai bên. Xin lược giới thiệu bài tường thuật của nhà nghiên cứu Đỗ Quý Toàn, đăng trên RFI.

Là một nhà chuyên khảo về vũ trụ học, Gs Trịnh Xuân Thuận cho biết, Vật lý học đã nhận thấy một số điểm tương đồng giữa Phật giáo và khoa học. Những điểm hội tụ mà ông nhìn ra là tính tương quan và tùy thuộc vào nhau của mọi hiện tượng vật lý; tính trống rỗng của vạn pháp; và tính vô thường. Nhiều khám phá trong khoa học một thế kỷ gần đây đã đưa tới những cách nhìn giống như quan điểm của đạo Phật từ nhiều ngàn năm qua, như tính bất khả phân của mọi vật; mối liên quan không thể tránh giữa chủ thể quan sát và đối tượng được khảo sát (tương tức, tương nhập)…

Tương Tức

Một điểm được nêu lên đầu tiên là tính chất tương tức, tương lập của “vạn pháp”, tức là sự liên quan chằng chịt giữa mọi hiện tượng vật lý và tâm lý, theo lối nhìn của Phật giáo. Trong khoa học, Gs Trịnh Xuân Thuận nhắc đến một hiện tượng được nêu lên trong một bài do Boris Podolsky viết, in năm 1935 ký tên Einstein - Podolsky - Rosen (EPR), để thách thức Vật lý học Lượng tử. Vấn đề được nêu lên liên hệ tới hiện tượng vật lý trong phạm vi cực nhỏ bên trong các nguyên tử, gọi là những “hạt dính líu” (entangled particles).

Nhiều nguyên tử bị kích thích phát ra hai hạt photon đi về hai phía khác nhau. Những photon này có đặc tính nếu một cái bị kích thích để xoay thì cái thứ hai cũng xoay theo một chiều thẳng góc với cái thứ nhất, dù ở cách xa hàng ngàn dặm cũng vậy. Một cách giải thích hiện tượng này theo Cơ học Lượng tử, coi như hai hạt photon đã thông tin được với nhau, sẽ trái nghịch với Thuyết Tương đối của Einstein vì không có thông tin nào có thể đi nhanh hơn tốc độ ánh sáng. Do đó, Einstein kết luận Cơ học Lượng tử không giải thích được đầy đủ các hiện tượng vật lý và đề nghị một lối giải thích khác. Các cuộc nghiên cứu và thí nghiệm sau này cho thấy lối giải thích của EPR cũng không đứng vững; thí dụ, thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 về những cặp photon cho thấy Einstein không đúng. Hiệu ứng “hạt dính líu” đã được dùng trong kỹ thuật thông tin và trong máy vi tính dựa trên hiện tượng này, khi kích thích một photon có thể gây phản ứng của một photon khác dù cách nhau vạn dặm, giúp cho máy vi tính lượng tử chạy nhanh hơn các máy vi tính bình thường.

Khám phá “mọi hiện tượng dính líu với nhau” như trên tương đồng với quan niệm Phật giáo trong các kinh điển Đại thừa, như kinh Hoa Nghiêm đã diễn tả tính tương tức, tương nhập của vạn pháp. Theo Phật giáo thì mỗi sự vật, hiện tượng đều do các “nhân duyên” khác tạo thành, tất cả mọi vật, mọi hiện tượng là nhân duyên của nhau. Hệ luận của quan niệm này là tính tương lập của “vạn pháp”, không có cái gì tự làm nguyên nhân duy nhất của chính nó. Một hệ luận khác là thực tại trong vũ trụ có tính toàn thể không thể phân chia được. Vật lý học hiện đại cũng tiến tới một quan điểm tương tự. Như Gs Trịnh Xuân Thuận nói một cách văn vẻ: Vũ trụ Vật lý học hiện đại cho thấy tất cả chúng ta chỉ là những hạt bụi của các vì sao; chúng ta có cùng một lịch sử trong vũ trụ giống như các loài hoa cỏ, các sinh vật khác. Trong thời gian và không gian, tất cả chúng ta tương lập với nhau. Thông điệp chính yếu của khoa học, đặc biệt của cơ học lượng tử, là có một thực tại sâu xa hơn những gì mà giác quan của chúng ta nhận thấy, một thực tại ẩn tàng.

Khoa học đã gặp Phật giáo trong lối nhìn này; nhưng sử dụng các khảo hướng khác nhau. Khoa học dùng “ngôn ngữ” toán học và dùng thí nghiệm thực tế để kiểm chứng. Phật giáo dùng trực giác và kinh nghiệm tâm linh. Nếu không có khoa học thì Phật giáo vẫn tồn tại; mà nếu không có Phật giáo thì khoa học vẫn phát triển. Người ta không cần phải ràng buộc cả hai lại bằng bất cứ giá nào. Điều chúng ta muốn hiểu là thấy được tính tương đồng nhất quán của hai bên. Cả hai đều nói về một đối tượng là thực tại, và mỗi bên đều có tính chất nhất quán trong phạm vi của mình; thế nào cũng có thể so sánh để thấy những điểm hội tụ giữa khoa học và Phật giáo.

Gs Trịnh Xuân Thuận cũng phân biệt: mục đích của Phật giáo có tính chất trị liệu: làm sao để sống tốt đẹp hơn, mục tiêu sau cùng là giác ngộ. Trong khi đó, khoa học nhằm tìm hiểu thế giới, khám phá các định luật chi phối cả vũ trụ, những luật coi là bất biến trong vũ trụ, khiến người ta thấy vũ trụ có một thứ trật tự, một hòa điệu và vẻ đẹp trong vũ trụ; chứ không phải chỉ là một mớ hỗn độn.

Einstein cũng như nhiều nhà khoa học khác, trong đó có những người khám phá cơ học lượng tử, đều nói rằng Phật giáo là một tôn giáo có khả năng phù hợp nhất với hiểu biết khoa học. Thí dụ, trong khoa học người ta biết ánh sáng vừa là những hạt nhân, vừa là sóng. Làm sao một thứ có thể là hai dạng hoàn toàn khác nhau như vậy? Trong truyền thống tư tưởng Tây phương, lối nhìn này không thể nào hiểu được. Nhưng Phật giáo có thể chấp nhận lối nhìn đó; bởi vì theo Phật giáo thì mọi vật đều không có tự tánh, cho nên có thể là một cái này mà cũng là cái khác hẳn.

Tính Không

Vật lý học hiện đại cũng chia sẻ với Phật giáo trong cách nhìn thấy tính chất trống rỗng của vạn vật, gọi là Tính Không. Vật chất do các nguyên tử tạo thành, mà trong các nguyên tử có thể nói là trống rỗng, với những hạt vận chuyển. Thuyết Cơ học Lượng tử cho biết: những hạt này, căn bản của mọi vật chất, có hai đặc tính; một là hạt và hai là sóng. Trước khi đem các dụng cụ để quan sát, mỗi hạt chỉ có thể được mô tả bằng một xác suất. Điều duy nhất mà chúng ta có thể biết và nói về một hạt là nó có một xác suất sẽ hiện ra ở một chỗ này hay chỗ khác. Khi chúng ta dùng khí cụ để đo lường, sẽ thấy mỗi hạt có một vị trí và một tốc độ, nhưng bị giới hạn bởi Nguyên lý Bất định của Heisenberg: Không thể thấy cả hai đặc tính đó cùng một lúc một cách chắc chắn. Trong phạm vi nghiên cứu nhỏ bên trong các nguyên tử, hành động của người quan sát sẽ ảnh hưởng ngay đến vật được quan sát.

Khoa học hiện đại còn chưa biết thật sự vật chất trong vũ trụ này nó thế nào, chúng ta chỉ biết được khoảng 4% về vũ trụ, còn 96% không hề biết gì cả. Những gì chúng ta nhìn thấy trên các giải ngân hà sáng trong bầu trời chỉ là nửa phần trăm của vũ trụ. Tất cả còn là một “giai điệu huyền bí”. Các nhà vật lý học đã nói đến giả thuyết có một “năng lượng tối” gây ra sự thành hình của vũ trụ, trong đó một phần là vật chất có trọng lực rất mạnh nhưng không phát ra một “ánh sáng” nào có thể trông thấy được, mà người ta gọi là “vật chất tối.” Chúng ta chưa biết gì về vật chất đen (hay tối) cũng như năng lượng đen (hay tối); chỉ biết là nếu không có chúng thì khó giải thích sự phát sinh và tồn tại của vũ trụ.

Các nhà khoa học chưa biết đâu là biên giới nơi vũ trụ lớn gặp vũ trụ vi tiểu trong đó các hạt và sóng lượng tử do nguyên lý bất định ngự trị, mà ra đến vũ trụ vĩ đại thì nguyên lý đó không còn hiệu lực. Mỗi ngày các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục đẩy biên giới của thế giới lượng tử ra xa hơn, mở ra những chân trời mới.

Gs Trịnh Xuân Thuận nhắc lại: tất cả vật chất như trong chính cơ thể chúng ta đều bắt đầu được tạo nên từ khi các vì sao phát sinh trong vũ trụ. Từ gần 4 tỷ năm trước, những hạt bụi tinh cầu đó đã biến chuyển tạo ra những nguyên tố đầu tiên của sự sống, rồi tiến hóa dần đến loài người. Tổ tiên của tất cả chúng ta và các sinh vật khác là các vì sao; lịch sử vũ trụ cũng chính là tiểu sử của chúng ta. Tất cả bắt đầu trước đây 14 tỷ năm, dần dần đưa tới sự xuất hiện của loài người và ý thức. Tìm hiểu vũ trụ chính là đi tìm lại gia phả của chúng ta; quan sát các thiên hà cũng là nhìn vào chính bản thân mình.

Chúng ta có thể quan sát được hàng trăm tỷ thiên hà như giải Ngân hà, mỗi thiên hà chứa hàng trăm tỷ các vì sao giống như mặt trời. Nếu mỗi vì sao đó có chừng mươi hành tinh giống như Trái đất; thì chúng ta thấy ngay là không thể nghĩ rằng Trái đất nơi ta sống là hành tinh duy nhất có sự sống. Chắc phải có cuộc sống với trí thông minh ở ngoài trái đất, họ cũng đang quan sát vũ trụ như chúng ta. Einstein phải lấy làm ngạc nhiên tại sao con người lại có khả năng tìm hiểu cả vũ trụ; ông coi đó là “một điều khó hiểu nhất”!

Vô Thường

Một quan niệm căn bản trong truyền thống Phật giáo là tính Vô Thường (impermanence) của vạn pháp, mọi sự vật, mọi hiện tượng. Trước đây, khoa học Tây phương đã bị ràng buộc trong nhiều thế kỷ với khái niệm từ thời cổ Hy Lạp về tính bất biến của các hiện tượng thiên văn; vì Aristote nói rằng cái gì thuộc về loài người thì thay đổi, phù du; còn thế giới các thần linh, như các vì sao trên bầu trời thì vĩnh cửu và không bao giờ thay đổi, bởi vì các vị thần linh đều hoàn hảo tuyệt đối. Vì vậy, vào ngày 4.7.1054, ban đêm trên bầu trời xuất hiện một thiên thể hoàn toàn mới sáng rực như Kim Tinh (Vénus), ngay cả ban ngày mắt thường cũng nhìn thấy, và kéo dài hàng mấy tuần lễ liền; nhưng các nhà thiên văn tài giỏi ở  Âu châu thời đó không hề ghi nhận họ thấy “ngôi sao” mới này trong niên biểu thiên văn học đương thời. Bởi vì theo quan niệm của họ thì bầu trời của các vị thần linh là bất biến. Thiên thể trên, có nguồn gốc là phần còn lại của một vụ nổ sao mà ngày nay chúng ta gọi là “Tinh vân Cua”.

Trong thời gian đó ở Trung Hoa người ta đã ghi nhận sự xuất hiện của “ngôi sao” này, và họ đặt tên là “Sao khách.” Di tích khảo cổ cho thấy người Maya ở Mỹ châu cũng ghi nhận hiện tượng thiên văn này. Các nhà khoa học Âu châu thời Trung Cổ tin tưởng ở lý thuyết vũ trụ bất biến của Aristote hơn là tin vào chính mắt của họ. Mãi đến thời Copernic, năm 1543, mới thuyết phục được các nhà khoa học là vũ trụ có tính vô thường.

Vũ trụ luôn biến chuyển, không bao giờ ngưng. Các vì sao cũng sinh ra, tàn lụi, rồi chết đi như tất cả chúng ta, nhưng cuộc đời của một vì sao dài tính bằng hàng tỷ năm chứ không ngắn như đời chúng ta. Phật giáo theo quan điểm vô thường. Như chúng ta nghĩ đang “ngồi yên” trong thiền đường này thì thực ra chúng ta đang vận chuyển theo Trái đất chung quanh Mặt trời với vận tốc 30km/giây đồng hồ; mà Mặt trời cũng đang vận chuyển 220km/giây quanh trung tâm của Ngân hà; và chính thiên hà này cũng đang tự quay với tốc độ 90km/giây ở nơi chúng ta đang sống. Tất cả đều vận chuyển, tất cả đều thay đổi, đó cũng là quan niệm Vô thường trong Phật giáo.

Tôn giáo của tương lai

Gs Trịnh Xuân Thuận nhận xét, khoa học chỉ là một cửa sổ để chúng ta nhìn thế giới. Muốn hiểu biết thực tại chúng ta phải nhìn qua nhiều cửa khác. Phật giáo phân biệt hai loại sự thật, tục đế là những sự thật tương đối, chân đế là sự thật tuyệt đối. Khoa học vẫn cố tìm đến sự thật tuyệt đối nhưng chưa tới được. Mỗi lần nhà khoa học giải đáp được một câu hỏi thì hàng ngàn câu hỏi khác hiện lên. Nếu dùng kinh nghiệm tâm linh đạt tới “giác ngộ”, chúng ta có hy vọng nhìn thấy sự thật. Nếu không, vẫn là một “giai điệu huyền bí”. Khoa học không thôi không thể mô tả đầy đủ sự thật; khoa học không quá tự cao như vậy. Kinh nghiệm tâm linh là con đường khác bổ túc cho khoa học. Dù theo hai hệ thống lý luận khác nhau, Phật giáo và khoa học vũ trụ đã gặp gỡ trên nhiều điểm. Những nguyên lý Phật giáo như tính tương lập của mọi sự vật, tất cả đều liên hệ với nhau và có duyên nhân quả với nhau, về tính không và tính vô thường của vạn pháp, đều tương đồng với kết luận của các nhà nghiên cứu khoa học vũ trụ.

Tính tương lập của mọi vật trong vũ trụ giúp chúng ta suy nghĩ để thấy hạnh phúc của mỗi người tùy thuộc vào mọi người khác và cả vạn vật chung quanh. Từ đó, chúng ta phát khởi lòng từ bi và ý thức phải bảo vệ các sinh vật cũng như những vật vô sinh trong môi trường sống. Mỗi người không thể hạnh phúc nếu người chung quanh không hạnh phúc. Đó là điều mà các tôn giáo dạy chúng ta.

Cuối bài thuyết trình, Gs Trịnh Xuân Thuận đã đọc cho thính chúng nghe một câu của Albert Einstein nói về tôn giáo thường được trích dẫn: tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Phải là một tôn giáo dựa trên thực chứng và từ bỏ tính cách giáo điều. Nếu có một tôn giáo đáp ứng được nhu cầu khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo.

 Gs Trịnh Xuân Thuận là tác giả nhiều cuốn sách được phổ biến rộng khắp thế giới về đề tài vũ trụ học. Ông cũng viết chung với Matthieu Ricard, một tăng sỹ người Pháp tu theo truyền thống Tây Tạng, cuốn L’Infini dans la paume de la main (Vũ trụ trong lòng bàn tay), về tương quan giữa khoa học và đạo Phật. Thượng tuần tháng 6 vừa qua, Gs Trịnh Xuân Thuận đã đến Paris nhận Giải thưởng Prix Mondial Cino Del Duca do giới Hàn lâm Pháp trao tặng.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khoa học và Phật giáo: Cuộc gặp gỡ tại Tâm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO