Tạo luật chơi cho thị trường tín chỉ carbon

- Thứ Bảy, 20/07/2024, 09:43 - Chia sẻ

Nước ta có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon. Tuy nhiên, thị trường tín chỉ carbon là cuộc chơi mới, cần Nhà nước tạo ra sân chơi, luật chơi, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành và có phân kỳ thí điểm. Đặc biệt, cần xây dựng các chính sách hấp dẫn để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia thị trường này.

Thị trường nhiều tiềm năng

Việt Nam được biết đến là nước có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon, đặc biệt là từ rừng, nông nghiệp và năng lượng. Với tổng diện tích rừng khoảng 14,7 triệu ha, độ che phủ rừng 42%, ước tính mỗi năm rừng Việt Nam hấp thụ trung bình gần 70 triệu tấn carbon (CO2). Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng có tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm, đặc biệt là trong canh tác lúa.

Tạo luật chơi cho thị trường tín chỉ carbon -0
Xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia thị trường carbon

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với một tấn CO2 hoặc một tấn CO2 quy đổi tương đương. Theo các chuyên gia, thị trường tín chỉ carbon thế giới sôi động trong vài năm trở lại đây. Ở Việt Nam, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện đã có giao dịch nhưng thị trường tín chỉ carbon bắt buộc đang có dấu hiệu chậm chân.

Đơn cử, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thị trường mua bán tín chỉ carbon cả tự nguyện và bắt buộc nhưng do chưa đủ thông tin và chưa có hạn ngạch phát thải khí nhà kính cụ thể nên các doanh nghiệp chưa biết mình thuộc diện phải mua hay được bán tín chỉ carbon. Đa phần đối tượng quan tâm đến thị trường tín chỉ carbon là các tổ chức, cá nhân muốn tham gia thị trường và các đơn vị môi giới. Còn với những doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, có nhu cầu tạo ra tín chỉ carbon, do thiếu thông tin hoặc trong nước chưa có thị trường nên việc quan tâm mới chỉ dừng ở mức tìm hiểu.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng Đề án thành lập thị trường carbon. Theo đó, hàng hóa thị trường gồm hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon. Chủ thể tham gia giao dịch hạn ngạch là các cơ sở phát thải khí nhà kính được phân bổ hạn ngạch. Chủ thể tham gia giao dịch tín chỉ carbon gồm là tổ chức thực hiện chương trình, dự án tạo tín chỉ carbon trong nước hoặc thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế; tổ chức và cá nhân đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư, kinh doanh tín chỉ carbon; tổ chức hỗ trợ giao dịch.

Các giao dịch trên thị trường carbon được thực hiện trên sàn giao dịch theo phương thức tập trung trên nền tảng trực tuyến. Dự kiến, lộ trình triển khai thị trường carbon gồm 2 giai đoạn: giai đoạn thí điểm (năm 2025 - 2027); giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2028 và giai đoạn sau năm 2030.

Cần chính sách khuyến khích

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù chưa có sự thống nhất trên phạm vi toàn cầu về trao đổi hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon xuyên biên giới, nhưng 82 quốc gia/vùng lãnh thổ đã ký thỏa thuận về trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon. Tại Việt Nam, thời gian qua có khoảng 150 chương trình, dự án được cấp 40,2 triệu tín chỉ carbon và thực hiện theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon quốc tế để trao đổi trên thị trường carbon thế giới.

Dự kiến, trong tháng 7.2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện, trình Thủ tướng ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2022/NĐ-CP  quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Dự kiến, giai đoạn thí điểm, các cơ sở được phân bổ hạn ngạch thuộc lĩnh vực phát thải lớn như nhiệt điện, sắt, thép, xi măng (tổng số khoảng 100 cơ sở) nằm trong danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính. Nghị định mới sẽ có thêm quy định về kiểm kê, thẩm định, phân bổ hạn ngạch phát thải, tổ chức thị trường carbon, hoạt động trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế. 

Tại cuộc họp về Đề án thành lập thị trường carbon mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng, xây dựng thị trường carbon là “cuộc chơi mới” mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào hoạt động giảm phát thải, tăng hấp thụ khí carbon sẽ được chi trả từ tiền bán hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon. Đây là chi phí lợi nhuận cho từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Do đó, Nhà nước phải tạo sân chơi, luật chơi, phân công nhiệm vụ cho từng bộ, ngành và có phân kỳ thí điểm.

Để thúc đẩy thị trường tín chỉ carbon, GS. TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần tuyên truyền sâu rộng tầm quan trọng của việc giảm phát thải khí nhà kính và thị trường carbon. Giao các trường đại học, Học viện Nông nghiệp xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức, cung cấp các kiến thức cơ bản về thị trường carbon cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, giảng dạy cho sinh viên đại học, học sinh phổ thông. Tập huấn thực hành ứng dụng các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp giảm phát thải khí nhà kính và giao dịch trên thị trường carbon. 

Đặc biệt, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, cần nghiên cứu sâu sắc tác động của quy định thị trường carbon của một số quốc gia đến xuất khẩu nông sản của nước ta khi quy định này được áp dụng từ tháng 1.2026, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học, xây dựng các chính sách hấp dẫn, cụ thể, thiết thực để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia thị trường carbon trên cơ sở tham khảo bài học của các quốc gia EU, Hà Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Trong thời gian chờ hoàn thiện khung pháp lý, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp phải chuẩn bị ngay từ bây giờ để tạo ra tín chỉ carbon, sẵn sàng tham gia giao dịch, tìm kiếm lợi nhuận. Muốn vậy, ngoài thời gian, doanh nghiệp phải có tầm nhìn về vấn đề bền vững, sẵn sàng đầu tư vào công nghệ sạch, chuẩn bị tâm thế cho sự chuyển dịch trong hệ thống chuỗi cung ứng xanh và bền vững.

Vũ Quang
#