Nguyên nhân chính gây ung thư phổi
Nguyên tố phóng xạ radon (Rn) gồm các đồng vị phóng xạ Rn-222, Rn-220 và Rn-119, sinh ra trong quá trình phân rã của các hạt nhân uranium và thorium có trong đất đá. Trong đó, độ nguy hiểm phóng xạ của khí Rn-222 là lớn nhất, do chu kỳ bán rã của nó là 3,8 ngày, đủ thời gian để di chuyển từ nơi xuất hiện đến lúc vào phổi và tồn tại khá lâu trong cơ thể con người. Rn-220 và Rn-119 có chu kỳ bán rã ngắn hơn, chỉ 55 giây và 4 giây, do đó độ nguy hiểm cũng ít hơn. Rn thoát ra từ trong đất đá vào trong không khí và nó phân rã thành các hạt tích điện. Khi chúng ta hít thở, các hạt tích điện do phân rã của Rn sẽ vào trong phổi và làm tổn hại cấu trúc DNA, có khả năng gây bệnh ung thư phổi.
Ở ngoài trời, Rn bị pha loãng rất nhanh đến nồng độ rất thấp, trung bình 5 - 15 Bq/m3, nói chung không có vấn đề lớn phải quan tâm. Tuy nhiên, nồng độ Rn trong nhà thường cao hơn, nhất là ở những khu vực thông gió kém như trong các hầm mỏ, hang động và các nhà máy xử lý nước. Đặc biệt, trong các tòa nhà như nhà ở, trường học, công sở, mức Rn thường thay đổi từ 10 đến trên 10.000 Bq/m3. Như vậy, những người sống và làm việc trong các tòa nhà này sẽ chịu mức chiếu xạ Rn rất cao mà không hề biết.
Rn là nguyên nhân chính gây ung thư phổi, chiếm từ 3 - 14% số ca ung thư phổi của một nước tùy thuộc vào nồng độ Rn trung bình của quốc gia và tỷ lệ người dân hút thuốc. Rn là mối nguy hiểm nghiêm trọng. Mỗi năm, Rn gây ra 10.000 ca tử vong vì ung thư phổi ở Mỹ và 20.000 ca tử vong vì ung thư phổi ở Cộng đồng châu Âu, tức 9% tổng số người chết vì ung thư phổi và 2% tổng số chết vì ung thư nói chung. Theo WHO, nếu sống trong nhà có nồng độ Rn 100 Bq/m3 thì sẽ có xác suất ung thư phổi cao hơn 16% so với bình thường.
Các nghiên cứu của châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc đã chỉ ra rằng, thậm chí nồng độ thấp của Rn phổ biến trong các khu dân cư cũng có những rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, góp phần làm tăng ung thư trên toàn thế giới. Ngoài ung thư phổi, cho đến nay, không ghi nhận có các ung thư hay các ảnh hưởng sức khỏe khác do hít phải Rn.
Cách nào ngăn ngừa khí radon?
Đối với mọi người, chiếu xạ Rn lớn nhất chính là trong nhà ở của mình vì thời gian sống trong nhà là nhiều nhất, mặc dù ở nơi làm việc chúng ta cũng bị chiếu xạ Rn. Nồng độ Rn trong tòa nhà phụ thuộc vào các yếu tố gồm: địa chất của khu vực xây dựng có hàm lượng uran trong đất đá; vật liệu xây dựng có chứa uran và thori; cách thức mà Rn thoát từ đất đá đi vào tòa nhà; việc thoát Rn từ vật liệu xây dựng vào trong tòa nhà; tốc độ thông gió của tòa nhà.
Mức Rn thường cao ở tầng hầm, hầm chứa và các khu vực sinh sống tiếp xúc với nền đất. Nồng độ Rn thay đổi rất đáng kể giữa các tòa nhà cạnh nhau cũng như trong cùng một tòa nhà từ ngày này sang ngày khác và từ giờ này sang giờ khác. Vì vậy, để đánh giá nồng độ Rn trung bình hàng năm trong tòa nhà cần phải tiến hành đo ít nhất trong 3 tháng.
Có nhiều biện pháp ngăn ngừa Rn trong các tòa nhà mới xây và làm giảm Rn trong các tòa nhà đã có. Việc ngăn ngừa Rn cần được xem xét trong các công trình xây mới, đặc biệt ở những khu vực có thể có nhiều Rn. Nhiều nước ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đã có quy chuẩn xây dựng quốc gia để ngăn ngừa Rn trong các tòa nhà xây mới.
Một số biện pháp giảm nồng độ Rn trong các tòa nhà đã xây dựng trước đây như: tăng cường quạt thông gió cho tầng hầm; lắp đặt hệ thống thu gom Rn cho tầng hầm; ngăn ngừa không để cho Rn lan tỏa từ tầng hầm vào phòng ngủ; làm kín sàn và tường để không cho Rn thoát ra; tăng cường hệ thống thông gió cho cả tòa nhà. Các biện pháp này có thể làm giảm nồng độ Rn trong nhà trên 50%.
Cơ quan quản lý cần làm gì?
Việt Nam quan tâm đến vấn đề Rn từ những năm đầu thập niên 1990 và có một số cơ quan đã tổ chức nghiên cứu như Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Liên đoàn Vật lý địa chất… Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa giải quyết triệt để vấn đề Rn trong nhà ở để đưa ra các khuyến cáo nhằm bảo vệ người dân khỏi các tác hại của Rn. Nguyên nhân bởi số địa phương được nghiên cứu còn hạn chế. Số nhà ở được đo nồng độ Rn cũng quá ít, như Hà Nội chỉ có 40 nhà ở được đo. Trong khi, tại các nước thì số nhà ở và quy mô dân số trong các khu nhà ở được đo Rn phải chiếm tỷ lệ nhất định bảo đảm tính thống kê; chẳng hạn, tại Áo là 0,3 - 0,5% số nhà ở và 35% dân số của đất nước.
Mặc dù số nhà ở được khảo sát ở nước ta hạn chế như vậy, nhưng vẫn phát hiện nhiều nhà ở có nồng độ Rn trong không khí cao trên 100 Bq/m3.
Về quản lý, chúng ta mới chỉ có một số tiêu chuẩn về Rn như TCVN 7889:2008 về các mức nồng độ khí Radon tự nhiên trong nhà; TCVN 10759-7:2016, ISO 11665-7:2012: Đo hoạt độ phóng xạ trong môi trường - Rn222; TCVN 12260-1:2018, ISO 13164-1:2013: Chất lượng nước - Rn222; TCVN 13521:2022 Thông số chất lượng không khí trong nhà ở và nhà công cộng… Tuy nhiên, tiêu chuẩn thực chất chỉ mang tính chất khuyến nghị, khuyến cáo, tự nguyện áp dụng, chứ không phải quy chuẩn được cơ quan nhà nước ban hành, bắt buộc phải áp dụng.
Hiện, người dân vẫn chưa được bảo vệ chống tác hại của chiếu xạ tự nhiên Rn trong nhà ở của mình. Chúng ta cũng không thể biết nhà mình đang ở có an toàn với chiếu xạ tự nhiên của Rn hay không. Điều này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền (Bộ Y tế và Cơ quan pháp quy hạt nhân) cần thực hiện hai nhiệm vụ sau càng sớm càng tốt.
Thứ nhất, tổ chức khảo sát đầy đủ ở phạm vi quốc gia bảo đảm tính thống kê về nồng độ Rn trong nhà ở của cư dân để hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về vấn đề này, từ đó sẽ có các chính sách thích hợp để giảm liều chiếu xạ tự nhiên Rn cho dân chúng.
Thứ hai, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến Rn, trong đó có mức tham chiếu quốc gia về nồng độ Rn trong nhà ở thấp nhất có thể đạt được một cách hợp lý, để bảo đảm an toàn cho người dân. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, mức tham chiếu quốc gia nồng độ Rn trong nhà ở là 75 Bq/m3.