Dự và chủ trì hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.
Khoa học, công nghệ là động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Trong năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chung tay ủng hộ và chia sẻ, hợp tác của các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023 với nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, trong nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Trong công nghiệp, giao thông, xây dựng, đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều sản phẩm công nghiệp với tỉ lệ nội địa hóa cao, giá trị kinh tế lớn, từng bước tiếp thu, làm chủ các công nghệ cao của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, các kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ các khâu từ thiết kế đến thi công các công trình phức tạp như cầu Mỹ Thuận 2 và nhiều công trình hạ tầng quy mô lớn khác, tiết kiệm lượng lớn kinh phí cho ngân sách nhà nước.
Trong lĩnh vực khoa học y-dược, ghép tạng tiếp tục được ghi nhận là điểm sáng từ việc đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ; đã thực hiện thành công ca ghép đa tạng gồm tim và thận từ người hiến đa tạng chết não; phối hợp ghép tạng xuyên Việt; nghiên cứu thành công quy trình sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị bệnh nhân nhược cơ và lupus ban đỏ hệ thống... là những thành tựu đáng ghi nhận của các nhà khoa học....
Trong lĩnh vực công nghệ cao, Bộ KHCN đã phối hợp với các bộ, ngành giải quyết các vấn đề quan trọng cho việc tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt gần 50% tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu. Đồng thời, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KHCN về phát triển các công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0 Việt Nam có lợi thế như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, internet kết nối vạn vật, robot tiên tiến, in 3D, công nghệ thực tế ảo...
Trong năm 2023, thị trường khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm xúc tiến cùng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, các chợ công nghệ, sàn giao dịch, ngày hội khởi nghiệp sáng tạo, chương trình kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia, vùng, địa phương và quốc tế...
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển về quy mô và hình thức hoạt động, được đánh giá là một trong những hệ sinh thái năng động nhất châu Á và đứng thứ 58 thế giới. TP. Hà Nội lần đầu tiên lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Đầu tư cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giữ được mức phát triển tốt so với các nước khu vực ASEAN (với 56 dự án, tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023). Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn và mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn được các cấp, các ngành quan tâm, chú trọng. Một số chủ trương quan trọng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đã được cấp có thẩm quyền ban hành. Các luật chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được và xác định các tồn tại, bất cập để đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn…
Cũng trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và chính thức triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Đây là công cụ đo lường năng lực và kết quả đổi mới sáng tạo của từng địa phương trên cả nước, góp phần cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia.
Tuy nhiên, để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành đột phá chiến lược và động lực chính cho phát triển kinh tế- xã hội, đưa nước ta nhanh chóng trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác định: Tiếp tục đổi mới tư duy, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp lớn về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; Đổi mới cơ chế quản lý khoa học và công nghệ; Nâng cao tiềm lực và trình độ khoa học và công nghệ; Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Ưu tiên công nghệ trọng điểm, công nghệ lõi, công nghệ cao
Năm 2024, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trong đó tập trung: Hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV (tháng 5.2024); Hoàn thiện 2 hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa) để đăng ký vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025 của Quốc hội Khóa XV; Xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)...
Cùng đó, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các Chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trung hạn đến năm 2025 và dài hạn đến năm 2030. Ưu tiên phát triển công nghệ trọng điểm, công nghệ lõi, công nghệ cao...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận xây dựng chủ trương đường lối của Đảng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy khoa học - Công nghệ và đổi mới sáng tạo; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ ngành nông nghiệp; Phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và khu vực…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh: Cần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đột phá trong tư duy hoạch định chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời những luật có liên quan, nhất là Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Trong đó, tập trung vào xây dựng một số chính sách, cụ thể: Xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động khoa học công nghệ; Gắn kết giữa giáo dục đào tạo đại học với các hoạt động khoa học công nghệ; Nâng cao hiệu quả hoạt động, đơn giản hóa tối đa thủ tục thanh, quyết toán, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí, tiêu cực; thúc đẩy triển khai cơ chế thí điểm, thử nghiệm và đặc thù đối với các loại hình, mô hình kinh tế mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Phát biểu tại hội nghị, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết: Hiện Luật Thủ đô 2012 xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương để trình Quốc hội sửa đổi với những nội dung quan trọng về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển khu công nghệ cao. Theo đó, Luật được trình Quốc hội sửa đổi gồm một số nội dung về cơ chế đặc thù phát triển khoa học và công nghệ của Thủ đô; quy định về các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm; chế độ ưu đãi đối với một số hoạt động, đối tượng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; đề xuất mở rộng đối tượng được áp dụng hình thức khoán kinh phí so với Luật Khoa học và Công nghệ; thu nhập của chuyên gia, nhà khoa học từ việc chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm của Thủ đô, vùng Thủ đô là thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng: Khoa học công nghệ vốn không phải lợi thế của Việt Nam, bởi chưa có đủ nguồn lực và cơ chế đủ mạnh để phát triển, thậm chí cơ chế là rào cản phát triển. Tuy nhiên, "những vướng mắc cũng là động lực để phát triển" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý: Ngành khoa học và công nghệ cần có trách nhiệm “không làm giãn khoa học Việt Nam so với thế giới”. Giai đoạn 2030-2045 đặt ra nhiều nhiệm vụ nặng nề, ngành khoa học công nghệ phải trở thành giải pháp để đi tắt đón đầu, là cách dễ nhất để tiếp cận những điều khác. Theo đó, cần siết chặt thể chế và quản lý mặt trận khoa học, tạo hành lang cho việc phát triển. Bên cạnh đó, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý trên nền tảng khuyến khích mọi người cùng làm. Đặc biệt, cần coi nhà khoa học là đối tượng chính, quan tâm và tạo cảm hứng cho các nhà khoa học, có chính sách đủ chi phí nghiên cứu.