Áp dụng nguyên tắc “thực sao, ảo vậy”
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, điện toán đám mây mở ra cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra những rủi ro, thách thức lớn về quản trị và an toàn dữ liệu. Hiện nay, khoảng 60% dữ liệu thế giới được lưu trữ trên điện toán đám mây. Chi tiêu của người dùng mới trên thế giới chi cho cho các dịch vụ điện toán đám mây công cộng ước tính gần 600 tỷ USD trong năm 2023. Tuy nhiên, cùng với đó chi phí trung bình phục vụ tấn công, vi phạm làm lộ lọt dữ liệu ở mức cao là khoảng 5 triệu USD. Song song với đó, trí tuệ nhân tạo gần đây trở thành lĩnh vực mũi nhọn của các nước lớn trên thế giới, được các tập đoàn công nghệ hàng đầu tìm kiếm, cạnh tranh để dẫn dắt cuộc ganh đua công nghệ toàn cầu.
Hiện nay, để huấn luyện các mô hình trí tuệ nhân tạo cần khối lượng dữ liệu khổng lồ được thu thập và phân tích. Tuy nhiên, khi dữ liệu được sử dụng không đúng cách hoặc sử dụng vào mục đích xấu, lạm dụng sẽ đe dọa đến quyền riêng tư của mỗi cá nhân, quyền sở hữu tài sản của mỗi doanh nghiệp, an ninh quốc phòng của quốc gia. Ông Dũng nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây luôn mang đến những cơ hội và rủi ro đi kèm. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần phải nắm bắt thời cơ để tìm ra những giải pháp để chủ động ứng phó. Bên cạnh đó, dữ liệu là tài sản của mỗi cá nhân, vì vậy việc bảo vệ dữ liệu trước hết là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức. Song song đó, các Bộ, ngành cần có trách nhiệm thực hiện tăng cường thực thi công tác quản lý nhà nước trên môi trường mạng theo nguyên tắc “trên môi trường thực ra sao, trên môi trường số như vậy”; có như vậy mới tạo ra được không gian mạng trong sạch. An toàn thông tin mạng là phải tổng thể, quan trọng là phải nâng cao kĩ năng, nhận thức cho tất cả cán bộ, tổ chức.
“An toàn thông tin cần Make in Vietnam, là ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp và dịch vụ của doanh nghiệp an toàn thông tin Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh Việt Nam có chuyên gia giỏi, có đầy đủ sản phẩm, giải pháp đáp ứng tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, phù hợp với nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam” ông Dũng cho biết thêm.
45% tổ chức, doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ nền tảng trí tuệ nhân tạo
Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tầm nhìn đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng với mục tiêu phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã và đang được triển khai thực hiện quyết liệt với sự phối hợp của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) Nguyễn Thành Hưng Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ ban hành đã khẳng định vai trò quan trọng của dữ liệu trong đời sống, kinh tế - xã hội. Đồng thời, năm nay cũng đánh dấu sự bùng nổ của công nghệ Cloud và AI. Sự bùng nổ của các công nghệ này làm dấy lên những lo ngại và thách thức lớn hơn bao giờ hết cho sự đảm bảo an toàn thông tin của cá nhân, tổ chức, trong đó đặc biệt là an toàn dữ liệu.
“Năm 2023, Hiệp hội đã tiến hành khảo sát gần 200 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam về công tác bảo đảm an toàn thông tin. Bên cạnh những vấn đề còn tồn tại như thiếu hụt nguồn nhân lực, kinh phí bảo đảm an toàn công tác thông tin, các kết quả thu được có sự tiến bộ theo chiều hướng tích cực so với năm trước. Bên cạnh những kết quả đạt được, khảo sát cũng cho thấy, có 26% tổ chức, doanh nghiệp cho rằng các nền tảng điện toán đám mây chưa an toàn và chưa đáng tin cậy, gần 35% chưa có ý định lắp ứng dụng dịch điện toán đám mây, 45% tổ chức, doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ nền tảng trí tuệ nhân tạo. Đây cũng là một số vấn đề liên quan trực tiếp đến chủ đề hôm nay cần được quan tâm chú ý”, ông Hưng nhấn mạnh.
Một điểm nhấn quan trọng của Hội thảo là Lễ khai trương “Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ” của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây được xem là nền tảng, là bước ngoặt quan trọng trong hoạt động chuyển đổi số về quản lý và tổ chức thực thi công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng nói chung, bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ nói riêng; từng bước chuyển đổi toàn diện công tác quản lý bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. Nền tảng cung cấp một công cụ quản lý đồng bộ, tập trung công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin từ Trung ương đến địa phương. Mỗi bộ, ngành, địa phương sẽ sử dụng nền tảng để quản lý tổng thể công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin thuộc phạm vi của cơ quan, địa phương.
Cũng tại Hội thảo đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam và Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các đội đạt giải Nhất, Nhì trong Cuộc thi Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2023. Cuộc thi năm nay có sự tham dự của cả 10 nước ASEAN với hơn 200 đội thi. Đặc biệt, các đội thi đạt giải cao của Việt Nam từ Cuộc thi này được cử tham gia nhiều cuộc thi quốc tế và đạt được những kết quả ấn tượng.
Hội thảo diễn ra với 1 phiên toàn thể, 1 phiên chuyên đề vào buổi sáng và 2 phiên chuyên đề vào buổi chiều với sự tham gia của hơn 30 diễn giả là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.