Khó xử với mạng xã hội
Xứ sở của Vạn Lý Trường Thành đã bắt tay thực hiện kế hoạch cứng rắn nhằm đưa tất cả loại mạng xã hội vào khuôn khổ. Song đây là công cuộc không đơn giản.
Gần như ngay lập tức, các dự án mạng xã hội quốc doanh “cây nhà lá vườn” như Sina Weibo, được xem là phiên bản tiếng Hoa của Twitter, đã được tạo điều kiện tối đa để phát triển không phanh, với lượng người dùng trong nước hiện nay đã lên đến con số khoảng 400 triệu. Con số này là rất ấn tượng, nếu biết số lượng người sử dụng Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay, cũng chỉ đang ngót nghét ở mức 500 triệu trên phạm vi toàn thế giới. Và dĩ nhiên, Facebook cũng như Twitter đều không được phép hiện diện tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tờ Telegraph trích lời đại diện của chính phủ Trung Quốc, về tầm quan trọng của việc củng cố các văn bản hướng dẫn và định hướng các dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, cũng như các công cụ tán gẫu qua Internet, tất cả nhằm phục vụ mục đích “giữ trật tự trị an của các loại thông tin được phát tán, lưu hành”. Cũng theo chính sách siết chặt Internet mới, những ai gieo rắc “tin đồn thất thiệt” sẽ bị phạt nặng.
![]() Weibo hiện là mạng xã hội thống trị tại Trung Quốc |
Hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc đã rất cố gắng để bắt kịp với sự bùng nổ các trang web các loại. “Thế giới lúc nào cũng bảo Trung Quốc áp đặt lệnh kiểm soát khắt khe đối với Internet, song thực chất việc này không đơn giản chút nào. Trung Quốc đang phải đối mặt với cái gọi là cơn khủng hoảng quản lý Internet”, bộ trưởng Bộ Tuyên truyền Liu Yunshan phân trần khi được tờ Telegraph phỏng vấn.
Cái cách mà người ta đã dùng Internet để tạo ra một loạt biến động chính trị chưa từng có tại Trung Đông hẳn đã tác động rất lớn đến tâm lý giới cầm quyền Trung Quốc về việc quản lý công cụ thông tin đặc biệt này. Gần đây nhất, hoạt động Chiếm lấy phố Wall (Occupy Wall Street) diễn ra tại Mỹ và một số quốc gia phương Tây càng làm cho Trung Quốc đau đầu hơn.
Nhiều trang web như Sina Weibo, vốn được ra mắt vào tháng 8.2009, ngay sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm lên Twitter, đã nhanh chóng trở thành công cụ chính thống để giới trẻ và cư dân mạng nước này liên lạc và trao đổi thông tin với nhau.
Gần đây nhất, chính phủ Trung Quốc đã khá vất vả trước làn sóng giận dữ được khuếch đại từ công luận trên thế giới mạng, sau tai nạn thảm khốc xảy đến cho hệ thống đường sắt cao tốc ở Ôn Châu, vốn làm 40 người thiệt mạng. Khi đó, đã có đến hơn 10 triệu lượt người bình luận trên mạng xã hội Sina Weibo, hầu hết mang nội dung bày tỏ sự bức xúc và chỉ trích cách cơ quan chức năng đối phó với thảm họa.
Gần như ngay lập tức, Sina đã phải thuê gấp 1.000 nhân viên chỉ để theo dõi dòng nội dung của những thông điệp được gửi lên dịch vụ này, cũng như đình chỉ hoạt động tài khoản của những ai tỏ ra “mạnh mồm” quá mức cho phép về vụ việc.
Nhiều học giả Trung Quốc đã bình luận rằng chính phủ đang trong tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc lựa chọn cách thức thi hành chính sách kiểm soát nội dung trên những dịch vụ quốc doanh như Sina Weibo - đây là ý kiến của ông Zhan Jiang, cựu giảng viên ngành truyền thông và tin tức quốc tế tại Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh.
Việc bắt người dùng mạng Sina Weibo từ nay phải sử dụng tên tuổi thật để đăng ký tài khoản sẽ dẫn đến một đợt suy giảm đột ngột lượng người dùng dịch vụ này. Hơn nữa, ngay trong giới lãnh đạo Trung Quốc cũng có rất nhiều người tin rằng việc tạo điều kiện cho những mạng xã hội như Weibo hoạt động sẽ có nhiều mặt tích cực hơn là tiêu cực. “Nói riêng về phương diện kỹ thuật, thì cũng rất khó để kiểm duyệt từ ngữ trên Weibo. Chặn một đường dẫn đến một trang web bất kỳ thì dễ, song để quét mọi nội dung bình luận nhằm kiểm duyệt một vài từ ngữ nhất định lại gần như bất khả thi”, Yin Hong, giảng viên tại khoa truyền thông và báo chí, Đại học Thanh Hoa, cho hay.
Hơn nữa, chính những mạng xã hội mới có thể giúp giới lãnh đạo cấp cao tiếp cận với tâm tư và tình cảm của người dân. Bởi nếu trước đó, Bắc Kinh chỉ có thể nắm được tình hình dân chúng thông qua các báo cáo từ cấp dưới gửi lên, thì giờ đây họ có thể trực tiếp làm điều này bằng cách chỉ việc nhìn vào những gì được người ta viết trên mạng xã hội.