Khó triển khai trên thực tế

- Thứ Năm, 05/11/2020, 06:30 - Chia sẻ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) về lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, để đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa trong nước, Dự thảo đã có quy định về việc áp dụng ưu đãi cho các nhà đầu tư khi lựa chọn nhà thầu và sử dụng hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước.

Khoản 1, Điều 4 Dự thảo quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư như sau: Nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án được chấp thuận được hưởng mức ưu đãi 5% khi đánh giá hồ sơ dự thầu; Nhà đầu tư cam kết sử dụng hàng hóa, vật tư, vật liệu, thiết bị trong nước có giá trị chiếm tỷ lệ từ 25% tổng mức đầu tư của dự án trở lên khi tham gia lựa chọn nhà đầu tư quốc tế theo quy định tại Khoản 2, Điều 31, Luật PPP sẽ hưởng mức ưu đãi 3% khi đánh giá hồ sơ dự thầu; Nhà đầu tư cam kết sử dụng nhà thầu trong nước để thực hiện phần công việc của dự án có giá trị chiếm tỷ lệ từ 25% tổng mức đầu tư của dự án trở lên khi tham gia lựa chọn nhà đầu tư quốc tế theo quy định tại Khoản 2, Điều 31, Luật PPP sẽ được hưởng mức ưu đãi 2% khi đánh giá hồ sơ dự thầu.

Với quy định trên, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ giúp đẩy mạnh việc sản xuất và tiêu dùng vật tư, hàng hóa, trang thiết bị sản xuất trong nước, góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, giúp giảm tình trạng nhập siêu và tạo điều kiện cho các ngành sản xuất trong nước phát triển, sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong nước nâng cao sức cạnh tranh trước áp lực về hội nhập khi thực thi các cam kết quốc tế. Đặc biệt, sẽ giúp các nhà thầu trong nước có cơ hội tiếp cận đến các dự án có quy mô lớn.

Tuy nhiên, để được hưởng các ưu đãi theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 4 của Dự thảo, các nhà đầu tư phải chứng minh được hàng hóa sẽ sử dụng có chi phí sản xuất trong nước chiếm tỷ lệ từ 75% trở lên trong giá hàng hóa, vật liệu, thiết bị. Vấn đề đặt ra, tại thời điểm đấu thầu, chủ đầu tư rất khó đưa ra được các bằng chứng để chứng minh 75% chi phí sản xuất sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam. Bởi lẽ, tại thời điểm đấu thầu, chủ đầu tư chưa thể xác định được nhà cung cấp và nếu có thể xác định được nhà cung cấp, nhà thầu cũng không thể bảo đảm khi sản phẩm được giao, các nhà sản xuất vẫn giữ nguyên cơ cấu chi phí.

Đáng chú ý, Dự thảo không nêu rõ các biện pháp áp dụng khi nhà đầu tư trúng thầu nhờ áp dụng các ưu đãi khi tham gia đấu thầu nhưng không thực hiện đúng cam kết trong quá trình thực hiện. Do đó, có thể dẫn đến tình trạng các nhà thầu có thể khai gian dối để được hưởng các ưu đãi của Nhà nước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công và chất lượng của công trình sau này. Bên cạnh đó, nếu các nhà đầu tư có lý do chính đáng cho việc không sử dụng hàng hóa trong nước thì sẽ giải quyết như thế nào để bảo đảm quyền lợi của các bên.

Ngoài ra, liên quan đến hàng hóa, vật tư, trang thiết bị trong nước, hiện có bảo đảm nguồn cung, tiêu chuẩn, yêu cầu đặt ra hay không? Bởi lẽ, chất lượng hàng hóa đóng vai trò quan trọng đến tiến độ, chất lượng công trình. Việc không bảo đảm được về nguồn cung và chất lượng có thể dẫn đến tình trạng không những không rút ngắn được thời gian mà còn kéo dài thời gian thực hiện dự án gây tổn thất về mặt kinh tế.

Chính vì lẽ đó, nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế này rất khó triển khai trên thực tế. Bởi, hiện còn có nhiều băn khoăn về năng lực của các nhà thầu Việt Nam và khó bảo đảm nguồn cung cũng như việc các nhà đầu tư sẽ sử dụng hàng hóa, vật tư, trang thiết bị trong nước như đã cam kết.

Nguyễn Ngân