Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 27.11, ý kiến các đại biểu tham dự đều thống nhất quan điểm, nếu mô hình kinh tế truyền thống chỉ quan tâm đến việc khai thác tài nguyên, sản xuất và loại bỏ sau tiêu thụ, dẫn đến việc tạo ra một lượng phế thải khổng lồ, kinh tế tuần hoàn chú trọng việc quản lý và tái tạo tài nguyên theo một vòng khép kín nhằm tránh tạo ra phế thải.
Do đó, việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ giúp các quốc gia đạt mục tiêu kinh tế - xã hội, môi trường, mà còn để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về mặt chủ trương, PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Nguyên Viện trưởng Viện Tài nguyên, môi trường và Phát triển cộng đồng, cho rằng, phải làm sao biến câu chuyện kinh tế tuần hoàn thành một ngành hấp dẫn đối với xã hội, với doanh nghiệp, hấp dẫn với người dân… để tất cả cùng tham gia với trách nhiệm cao nhất.
“Ví dụ, chúng ta nói rất nhiều về chuyện làm sao phân loại rác đầu nguồn nhưng chúng ta dường như chưa tính đến chuyện đầu ra. Thử hỏi, sau khi đơn vị tái chế xong xuôi mà không có đầu ra, Nhà nước không mua thì tiêu thụ cho ai!?
Cho nên, phải làm thế nào để mô hình kinh tế tuần hoàn trở thành mô hình hấp dẫn nhất, không chỉ với nhà nước mà còn với doanh nghiệp, với người dân. Tức là phải rất cụ thể, nếu không sẽ rất khó thực hiện được Luật Bảo vệ môi trường.
"Tôi xin nhấn mạnh lại quan điểm, cần trao trách nhiệm cho người đứng đầu, ví dụ coi chỉ tiêu tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường của tỉnh, thành, huyện… theo quy định của luật, của Quốc hội, Chính phủ, nếu không thực hiện được, để môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân thì người đứng đầu phải chịu kỷ luật”, PGS.TS Bùi Thị An nói.
Trở lại câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp và người dân tham gia, thì PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, vẫn nằm ở cơ chế làm sao hấp dẫn họ, cơ chế chính sách đó làm sao để họ thấy được có thể tồn tại và phát triển được doanh nghiệp của mình trên cơ sở xử lý rác thải và thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Cụ thể hơn, đó là đầu vào, đầu ra, rồi thuế, tín dụng xanh như thế nào và địa phương hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đầu ra của họ đến đâu… Bản thân mỗi doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này cũng khác nhau về năng lực, kinh nghiệm quản trị, công nghệ… và bản thân đặc thù địa phương cũng rất khác nhau.
Còn đối với người dân, để thay đổi được thói quen cũng không phải dễ dàng. Kinh nghiệm nhìn từ câu chuyện mũ bảo hiểm, lúc đầu khó, nhưng hiện nay ai cũng tự giác thực hiện mỗi khi tham gia giao thông. Cứ phải dần dần, phải giáo dục nhưng đi kèm chế tài để phạt những đối tượng cố tình chống đối.
Về vấn đề cụ thể hóa trong công tác tổ chức thực hiện và trao trách nhiệm cho những người được thực hiện, trước mắt, tôi cho rằng, Chính phủ nên giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường. Thời gian tới, cơ quan có trách nhiệm cần thống kê chính xác lượng rác thải sinh hoạt ở từng địa phương, chỉ rõ tồn tại để báo cáo chính xác tới Chính phủ, từ đó mới có bức tranh tổng thể về vấn đề này.
PGS.TS Bùi Thị An đề nghị, trong chỉ đạo từ Chính phủ cho từng đơn vị, từng địa phương và trao trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn nói chung, xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng phải thật chi tiết, cụ thể thì chúng ta mới hiện thực hoá được chủ trương chung.