Vở kịch Chén thuốc độc của Vũ Đình Long tất nhiên mở màn cho tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Việt Nam (1921 - 2021). Vở kịch là cột cây số 1 trên chặng đường lịch sử kịch nói Việt Nam. Dựng lại vở kịch 100 tuổi là “ôn lại chuyện cũ” đối với các nghệ sĩ kịch nói mà hầu hết chỉ mới nghe tên vở kịch chứ chưa đọc văn bản của nó.
Đấy cũng là lý do khiến người xem đến Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 21.10.2021 với kỳ vọng được sống lại không khí lần đầu tiên có kịch nói trên sân khấu Việt Nam. Tuy nhiên, mong muốn của người xem dường như không trùng khớp với chủ trương của ê kíp tái dựng vở.
Vở Chén thuốc độc nếu được tái dựng một cách trung thành thì sẽ như thế nào?
Trước hết, kịch bản gốc cần được tôn trọng, cho dù vở kịch đôi chỗ còn sơ lược về chi tiết và một vài nhân vật còn hơi mỏng. Người xem hôm nay cần phải thấy được đứa con đầu lòng của kịch nói Việt Nam đã ra đời trong một hình hài nguyên sơ ra sao.
Khi viết vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam, ông Vũ Đình Long, một người Tây học, tỏ quyết tâm chứng minh với người Pháp rằng Việt Nam cũng làm được kịch nói, không phải chỉ là kịch hát truyền thống, chèo tuồng cải lương. Bằng vở kịch này, ông kiên quyết ly khai với kịch hát và có tham vọng tạo ra thói quen thưởng thức kịch nói cho công chúng người Việt.
Trên tinh thần đó, vở kịch đầu tiên chịu nhiều ảnh hưởng của sân khấu kịch phương Tây, cụ thể là kịch Pháp. Từ cách dàn dựng các lớp lang, thiết kế trang trí sân khấu cho đến phong cách biểu diễn… ở buổi đầu đều phải học từ những vở kịch diễn trong cộng đồng người Pháp ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Tại một lễ kỷ niệm, xem lại vở kịch xưa, người ta cần một sự phục dựng không khí cổ xưa ban sơ như vậy.
Nhưng đạo diễn có vẻ đã phân vân giữa việc phục dựng hay làm mới, cuối cùng chọn cách “hòa giải”. Vừa phục dựng vừa cập nhật. Không dám tin rằng cách phục dựng nguyên bản sẽ đủ hấp dẫn cho nên đạo diễn vẫn sử dụng những mảng trò để thu hút người xem hôm nay. Đấy cũng là cách tư duy quen thuộc của các đạo diễn gần đây khi dựng lại các vở kịch kinh điển.
Chính vì chủ định gây hấp dẫn và sinh động với công chúng hôm nay mà đạo diễn bỏ quên vấn đề lịch sử: Vũ Đình Long đang chứng tỏ sân khấu Việt Nam không cần hát múa mà làm kịch nói vẫn ra kịch nói. Cảnh hầu đồng phải là kiểu hầu đồng của kịch nói chứ không phải của chầu văn. Có thể sử dụng âm nhạc tiết chế, chỉ dăm ba câu hát hầu đồng vừa đủ tạo không khí, nhưng dứt khoát tránh hát múa quá nhiều như đạo diễn Bùi Như Lai đã làm. Vui mắt nhưng xa rời tinh thần của vở kịch đầu tiên.
Kịch bản của Vũ Đình Long (1896 - 1960) đã không còn nguyên vẹn. Hai hồi đầu được viết thêm, chủ ý bồi đắp cho tính cách nhân vật thầy Thông và một số nhân vật khác dày dặn hơn. Vở kịch vì thế đã trở thành kịch phóng tác mà không được thông tin sòng phẳng, nhiều người xem vẫn tưởng đang xem một vở nguyên gốc. Phần viết thêm này lê thê và thiếu chi tiết gây ấn tượng, ráp nối không khớp vào vở kịch, chỉ có tác dụng kéo dài thời gian vở diễn mà ít thông tin và ít cảm xúc.
Vũ Đình Long viết một cái kết có hậu: khi thầy Thông có nguy cơ bị đi tù vì vỡ nợ, gia sản bị tịch biên, thì một cái thư chuyển tiền của người em trai đi làm ăn xa gửi về đến đúng lúc. Cái kết có hậu là đúng với xu thế giải trí của người Việt ở đầu thế kỷ XX. Nếu ê kíp làm kịch thấy nó ngẫu nhiên và ngây thơ thì có thể đổi nhẹ sang một cái kết khác, nhưng tránh để anh bạn thầy Thông đứng ra rao giảng lộ liễu như thế.
Thiết kế mỹ thuật pha trộn giữa tả thực và tượng trưng ước lệ, trong khi nếu tôn trọng không khí lịch sử của vở diễn, nên chọn cách trang trí tả thực theo phong cách kịch Pháp đầu thế kỷ XX. Diễn xuất cũng thế, trừ một điểm sáng là Lê Khanh trong vai cụ Thông, còn các diễn viên khác sử dụng cách diễn kịch trong nhà ngoài phố lẫn với phim truyền hình là không phù hợp. Vở kịch 100 năm tuổi vẫn đòi hỏi lối diễn của một thời, động tác và đài từ đều phải trang trọng nhấn nhá theo kiểu kịch bán cổ điển.
Dịp kỷ niệm vở Chén thuốc độc ra đời, người xem cần chiêm ngưỡng một tác phẩm phục chế hơn là một vở kịch được phóng tác cập nhật.
------
* Chén thuốc độc, kịch của Vũ Đình Long, khai mạc tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 - 2021). Đạo diễn: Bùi Như Lai, biên tập: Đỗ Trí Hùng, họa sĩ: Hoàng Phong. Các diễn viên của Trung tâm Sân khấu và Phát triển.