Khó quản lý nên xóa?

- Thứ Ba, 28/07/2020, 09:55 - Chia sẻ
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú đề nghị, xóa đăng ký thường trú nếu trên 12 tháng liên tục công dân không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, phải hết sức cân nhắc quy định này; tự do cư trú là quyền hiến định của công dân, không nên vì khó quản lý mà xóa đăng ký thường trú của công dân.

Ảnh hưởng đến quyền công dân

Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã bổ sung quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp “Vắng mặt tại nơi thường trú từ trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú; trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài”. Theo Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, việc bổ sung quy định này sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký, quản lý cư trú; giúp Cơ quan đăng ký, quản lý cư trú nắm bắt tình hình cư trú của dân cư trên địa bàn quản lý được chính xác, chặt chẽ hơn.

Ảnh minh họa xóa đăng ký thường trú

Quy định này cũng chỉ áp dụng đối với người không khai báo, nếu công dân có khai báo thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú. Việc xóa đăng ký thường trú trong trường hợp này không có nghĩa là xóa toàn bộ thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú mà tất cả thông tin của công dân trong 2 cơ sở dữ liệu này vẫn được lưu trữ, quản lý, khai thác, sử dụng như bình thường. Đối với trường thông tin về nơi thường trú của công dân trên 2 cơ sở dữ liệu sẽ thể hiện tình trạng công dân vắng mặt tại nơi thường trú.

Tại cuộc làm việc giữa Ủy ban Pháp luật với UBND TP Hà Nội mới đây về kết quả thực hiện pháp luật cư trú trên địa bàn, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho rằng, quy định này không hẳn là mới. Trước đây, Nghị định 51 ngày 10.5.1997 của Chính phủ đã quy định người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký thường trú quá 6 tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong sổ hộ khẩu. Khi trở lại phải xin đăng ký lại hộ khẩu thường trú theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp (người đi tù) bị xóa đăng ký thường trú sau khi quay về thì nhà đã bán, bố mẹ hoặc thân nhân đã chết hoặc do mâu thuẫn trong gia đình nên không đăng ký thường trú được. Như vậy, đã có những trường hợp bị ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 

Bên cạnh đó, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cũng cho biết, sẽ có những trường hợp bất khả kháng khi vắng mặt khỏi nơi cư trú không đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc không khai báo tạm vắng như bị tai nạn, bệnh tật… Nếu đúng quy định thì sẽ làm thủ tục xóa đăng ký thường trú, dĩ nhiên không tránh khỏi ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Quy định này có tác động đến mọi người nên cần phải cân nhắc rất cụ thể, lãnh đạo Công an TP Hà Nội kiến nghị.

Chỉ xóa trong trường hợp thật cần thiết

Có cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Hà nêu rõ, quyền tự do cư trú là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp. Xóa đăng ký thường trú mà người đó vẫn tồn tại thì làm sao xóa được? Nếu xóa đăng ký thường trú mà đẩy người dân đến tình trạng không nơi nào quản lý, trong khi họ vẫn hiện hữu thì biện pháp này có thật sự tốt hay không? Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, “không thể quản lý khó quá thì xóa. Người ta không ở địa bàn này thì cũng phải ở địa bàn khác, vậy ở địa bàn ấy, chúng ta có quản lý chặt hay không?”.

Nêu thực tế, TP Hà Nội hiện đang có 144.000 trường hợp đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng thực tế lại đang ở các tỉnh khác hoặc đi nước ngoài, lãnh đạo Công an TP Hà Nội nêu rõ, 144.000 trường hợp này nếu xóa đăng ký thường trú thì sẽ rất bất cập, khó khăn cho công dân khi quay trở lại Hà Nội để sinh sống hoặc làm bất cứ thủ tục gì có liên quan đến hộ khẩu.

Hiện nay nhiều quy định pháp luật có liên quan còn đang sử dụng nơi thường trú của công dân như một tiêu chí làm cơ sở để xác lập quan hệ giữa công dân với cơ quan nhà nước và giữa công dân với nhau. Việc xóa đăng ký thường trú có thể tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hơn nữa, cần làm rõ và có giải pháp xử lý đồng bộ về giá trị pháp lý của các giấy tờ cá nhân có liên quan đến nơi thường trú khi xóa đăng ký thường trú.

Do đó, một số thành viên Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, chỉ nên quy định xóa đăng ký thường trú của công dân trong trường hợp thật cần thiết nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu bảo đảm quyền công dân và công tác quản lý Nhà nước.

Anh Thảo