Vấn nạn săn bắt, mua bán chim trời

Khó ngăn chặn nếu xử phạt không nghiêm

- Thứ Ba, 19/01/2021, 06:37 - Chia sẻ
Mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định mức xử phạt đối với việc săn bắt và mua bán các loài động vật hoang dã, trong đó có chim trời, song vi phạm nghiêm trọng vẫn xảy ra. Nguyên nhân là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, sự phối hợp trong việc xử lý còn thiếu chặt chẽ...

Còn đâu những thiên đường chim trời?

Vùng đồng bằng sông Cửu Long từng được coi là thiên đường của chim trời bởi mỗi năm có hàng trăm ngàn chim từ vùng Tây Á di cư sang đây để sinh sống, một số vị trí tại tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp được cho là điểm cuối cùng của chim di cư. Thế nhưng, những năm gần đây, tại các “vựa” chim như vùng Đồng Tháp Mười, Vườn Quốc gia Tràm Chim số lượng các loài chim bay về đây cư ngụ đã giảm hơn rất nhiều so với trước, thậm chí có nơi chim không còn bay về.

Đơn cử tại Vườn Quốc gia Tràm Chim,  Đồng Tháp, trước đây có khoảng 7.000 cò ốc, và hàng chục ngàn chim di cư khác cư ngụ, thì nay các loài này gần như vắng bóng, chỉ còn lác đác một số con, đàn tìm đến. Minh chứng năm 2019 chỉ có 4 con sếu đầu đỏ bay về, trong năm 2020, gần như không thấy đàn nào di cư về. Tương tự TP Cần Thơ, nơi đây vườn chim Bằng Lăng, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, từng được ví là thiên đường chim trời, bởi sự đa dạng phong phú các loài chim di cư bay về cư ngụ, song hiện nay vườn chim số lượng chim, đàn bay về quá ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nạn săn bắt, mua bán chim trời khiến nhiều khu sinh cảnh, vườn quốc gia vắng bóng các loài chim về cư ngụ
Nguồn: ITN

Theo phản ánh của người dân địa phương cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã, sở dĩ như vậy là do trong thời gian dài, tình trạng săn bắt, tiêu thụ động vật hoang dã nói chung và các loài chim trời nói riêng diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Các điểm “nóng” như Thanh Hóa, Long An, Cát Bà… nổi lên gần đây về nạn săn bắt, bẫy, buôn bán chim tự nhiên là ví dụ điển hình. Tại các nơi này, tình trạng người dân bẫy chim, lưới rập khá nhiều, thậm chí tại các khu chợ nông sản ở Long An, việc tồn tại cũng như ngày càng xuất hiện nhiều các sạp buôn bán chim trời là mối đe dọa lớn đối với sự sinh tồn của các loài động vật hoang dã, trong có các loài chim trời.

Khảo sát từ Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cho thấy 93% người dân Việt Nam được lấy phiếu ý kiến đều bày tỏ mong muốn Chính phủ đóng cửa các cửa hàng, chợ buôn bán động vật hoang dã. Với sự bùng phát của đại dịch Covid-19, mối liên hệ giữa các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã đã trở nên "gần" hơn. Hơn nữa, buôn bán động vật hoang dã cũng là mối đe dọa lớn, làm mất đa dạng sinh học trên toàn cầu.

Xử lý vi phạm còn ít

Rà soát các quy định cũng như chế tài xử lý vi phạm có thể thấy, quy định pháp luật của Việt Nam về động vật hoang dã đã khá đầy đủ và đang được từng bước hoàn thiện. Cụ thể, Việt Nam đã có những quy định pháp luật trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và các giống loài động thực vật hoang dã (bao gồm các loài chim trời), hay như Luật Đa dạng sinh học; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Lâm nghiệp; Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 (có 2 tội danh liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã và bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; đồng thời quy định xử lý hình sự cả pháp nhân thương mại nếu phạm các tội này). Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm về cơ bản cũng được chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương quan tâm bằng việc ban hành nhiều kế hoạch liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm.

Tuy vậy, theo nhận định của Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Nguyễn Quốc Hiệu, mặc dù đã có nhiều quy định, cũng như chế tài song vi phạm nghiêm trọng vẫn xảy ra mà số vụ phát hiện, xử lý còn ít. Nguyên nhân là do công tác phối hợp giữa các lực lượng nhằm phát hiện, truy bắt đối tượng có hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời nên số vụ phát hiện, các cuộc kiểm tra, rà soát tại các tỉnh thành, địa phương vẫn còn “bỏ lọt” nhiều đối tượng săn bắt chim trời bất hợp pháp; đặc biệt chế tài xử phạt vẫn chưa đủ tính răn đe.

Bên cạnh đó, việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã cũng không hề đơn giản. Đơn cử, việc chứng minh ý thức chủ quan của người vận chuyển gặp nhiều khó khăn bởi họ phải biết những loài động vật vận chuyển, mua bán là loài nguy cấp, quý, hiếm thì mới xử lý hình sự, còn không biết thì chỉ xem xét xử lý hành chính.

Hơn nữa, việc thu giữ tang vật để trưng cầu giám định trong nhiều vụ việc không thực hiện được mà chỉ thu giữ được sổ sách ghi chép việc mua, bán thì không đủ cơ sở để xử lý. Hay, Nghị định 35/2019/NĐ-CP chỉ áp dụng xử phạt các loài động vật rừng thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB, IIB và động vật rừng thông thường khai thác từ rừng. Trong khi đó, tình trạng người dân săn bắt ở đồng ruộng đang phổ biến nên cơ quan chức năng không thể xử lý động vật hoang dã trong tự nhiên nếu phát hiện ở ngoài rừng...

Rõ ràng, vấn nạn săn bắt chim trời đã và đang diễn ra là do sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật, hám lợi, và do chính thói quen ăn uống sinh hoạt của một số cộng đồng người dân, cũng như sự thiếu kiên quyết của không ít địa phương. Do đó để ngăn chặn nạn săn bắt, mua bán dẫn đến tận diệt chim trời, thiết nghĩ cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan cộng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân nhận thức việc bảo vệ các loài chim di cư và hệ sinh thái tự nhiên, từ đó bỏ thói quen ăn thịt các loài động vật hoang dã, trong đó có chim trời.

Hải Thanh