Khó khăn trong việc cho trẻ làm quen tiếng Anh

Phương Anh 02/12/2017 08:02

Theo các chuyên gia, hiện nay tại nhiều trường mầm non tư thục ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã cho trẻ làm quen với tiếng Anh, tuy nhiên những tài liệu, học liệu được sử dụng lại hầu như chưa qua thẩm định. Chưa kể, trang thiết bị thiếu, đội ngũ giáo viên chưa chuẩn đã gây ra không ít khó khăn trong việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh.

Cho trẻ làm quen tiếng Anh

Đánh giá về kết quả 3 triển khai cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả bước đầu cho thấy, trẻ mạnh dạn tự tin hơn, nghe nói tiếng Anh tốt hơn; nhận thức, nhu cầu của phụ huynh ngày càng ủng hộ việc cho trẻ làm quen tiếng Anh. Đặc biệt, việc triển khai cho trẻ làm quen tiếng Anh được thực hiện không chỉ tại các thành phố lớn mà lan rộng tới các tỉnh miền núi, giáp biên giới. Đơn cử như Lào Cai, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai cho biết, dù là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng sau 3 năm thí điểm cho trẻ làm quen tiếng Anh, đến nay đã có 6/9 huyện, thành phố với 41 trường cho trẻ làm quen tiếng Anh, tăng 13 trường so với năm 2016. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 100% trẻ 5 tuổi ở thành phố và thị trấn được làm quen tiếng Anh.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bá Minh, tính đến năm học 2016 - 2017, cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh, với 192.149 trẻ tham gia. Một số tỉnh, thành phố có nhiều trẻ làm quen tiếng Anh như TP Hồ Chí Minh trên 96 nghìn, chiếm hơn 58 % tổng số trẻ đến trường, Hà Nội gần 30 nghìn, Đà Nẵng hơn 13 nghìn, Vĩnh Phúc hơn 7 nghìn… Các cơ sở giáo dục mầm non cũng bắt đầu cho trẻ làm quen tiếng Anh từ mẫu giáo 3-4 tuổi, tuy nhiên độ tuổi trẻ làm quen tiếng Anh nhiều nhất hiện nay là 4 - 6 tuổi. Nội dung cho trẻ làm quen tiếng Anh là những chủ đề gần gũi với trẻ như làm quen bảng chữ cái, những bài hát trẻ thơ vui nhộn, con số, từ ngữ về bản thân, thế giới động vật, thực vật…

Đội ngũ giáo viên chưa chuẩn

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Bá Minh cho hay, điều đáng nói là chương trình tài liệu, học liệu cho trẻ làm quen tiếng Anh  lại chưa được quản lý, thẩm định hết, điển hình như tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - nơi có trẻ làm quen tiếng Anh nhiều nhất. Hiện tại, TP Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định và cho phép sử dụng 4 tài liệu; Hà Nội có 14 trung tâm ngoại ngữ và 10 hệ thống trường mầm non tư thục được Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt tài liệu. Còn lại nhiều trường mầm non tư thục nhỏ lẻ thực hiện nhiều tài liệu, học liệu khác nhau nhưng chưa được thẩm định. Chưa kể, việc đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể; chưa có chương trình khung cho trẻ làm quen tiếng Anh, phòng học, trang thiết bị thiếu… đã gây ra không ít khó khăn trong việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên chưa chuẩn. Cụ thể, hiện cả nước có 2.944 giáo viên tham gia cho trẻ làm quen tiếng Anh. Trong đó, có 1.582 giáo viên có trình độ đại học, 614 trình độ cao đẳng; giáo viên có chứng chỉ B1 là 748 người; giáo viên người nước ngoài là 422; giáo viên mầm non có trình độ tiếng Anh ở mức độ khiêm tốn 390 người.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Đặng Lộc Thọ cho biết, trường được giao đào tạo giáo viên mầm non dạy ngoại ngữ cho trẻ từ năm 2006, mỗi năm chỉ có khoảng từ 25-30 em tốt nghiệp. Sau 10 năm, những lứa sinh viên ra trường được xã hội đón nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, không thể đáp ứng được hết nhu cầu. Theo ông Thọ, thực tế chất lượng giáo viên tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục mầm non hiện nay có 2 hạn chế lớn nhất là giáo viên mầm non có trình độ tiếng Anh lại hạn chế về phát âm; ngược lại đội ngũ trình độ đạt chuẩn tiếng Anh lại không có nghiệp vụ sư phạm nên gặp khó khăn khi tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ bằng tiếng Anh.

Trong khi đó, cũng theo ông Minh, do chưa có quy định cụ thể về việc ký hợp đồng, tuyển dụng giáo viên cho trẻ làm quen tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non nên đã gây khó khăn trong việc giữ chân giáo viên; còn đội ngũ giáo viên nước ngoài trực tiếp giảng dạy hầu hết lại chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm mầm non; trình độ ngoại ngữ của giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu quy định; ngay cả đội ngũ cán bộ quản lý cấp trường và phòng còn hạn chế về năng lực ngoại ngữ nên khó khăn khi kiểm tra giám sát, chất lượng…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khó khăn trong việc cho trẻ làm quen tiếng Anh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO