Khó khăn trong truyền dạy âm nhạc truyền thống

Ngọc Hà 21/03/2015 08:33

Trước thực trạng âm nhạc truyền thống đang ngày càng thưa vắng người nghe, mất dần bản sắc, việc bồi dưỡng vốn hiểu biết về âm nhạc truyền thống dân tộc là rất cần thiết nhằm bảo tồn di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc.

Việc truyền dạy âm nhạc dân tộc truyền thống hiện nay gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều địa phương, những làn điệu dân ca đã được tạo dựng và gìn giữ từ bao thế hệ cha ông giờ chỉ còn được kế thừa ở những nghệ nhân lớn tuổi. Mặc dù nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, vẫn có thái độ trân trọng di sản âm nhạc dân gian truyền thống của quê hương nhưng không có khả năng diễn xướng những giai điệu đó một cách chính xác và đúng phong cách.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Hơn nữa, các hình thức sinh hoạt nghệ thuật âm nhạc dân tộc cổ thường gắn với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên tương xứng. Vì vậy, người nghe khó thuộc và cảm thụ được vẻ đẹp những bài hát ví về các loài cá nếu như họ không làm nghề chài lưới, hoặc không hiểu hết ý nghĩa của những lời ca từ các tích cổ. Việc giữ gìn và phát triển âm nhạc truyền thống trong bối cảnh giao lưu và hội nhập như hiện nay lại càng không đơn giản, nhất là khi thị hiếu thưởng thức cũng như cách thể hiện nghệ thuật đã có nhiều thay đổi.

Trước thực trạng đó, sáng kiến truyền dạy, chuyển giao những chương trình, tiết mục âm nhạc truyền thống chọn lọc tới các đơn vị, doanh nghiệp du lịch của Viện Âm nhạc được xem là điểm sáng trong năm qua. Việc phục dựng âm nhạc truyền thống, mở lớp truyền dạy cho các doanh nghiệp du lịch vừa giúp bảo tồn và phát huy di sản âm nhạc dân tộc, kịp thời đẩy lùi nguy cơ mai một, thất truyền; đồng thời, làm phong phú các sản phẩm du lịch. Nhờ vậy, di sản âm nhạc dân tộc có điều kiện lan tỏa ngày càng rộng rãi, ăn sâu, bám rễ vào đời sống cộng đồng, xã hội một cách bền vững.

Năm 2014, Viện Âm nhạc đã truyền dạy âm nhạc truyền thống cho một số doanh nghiệp du lịch tại Quảng Ninh và Ninh Bình. Tuy nhiên, khi tiến hành truyền dạy tại các địa phương, Viện gặp rất nhiều khó khăn. Theo Pgs.Ts Nguyễn Bình Định, Viện trưởng Viện Âm nhạc, không phải đơn vị du lịch nào cũng đủ điều kiện về nhân lực, thời gian, kinh phí và cơ sở vật chất để tiếp nhận được việc truyền dạy và biết cách đưa các di sản âm nhạc dân tộc để phục vụ du lịch. Rất nhiều di sản âm nhạc truyền thống có giá trị Viện Âm nhạc mong muốn được truyền dạy và chuyển giao nhưng các địa phương và các đơn vị du lịch không có kinh phí để thực hiện. Do đó, Viện Âm nhạc đã cân nhắc truyền dạy, chuyển giao những tiết mục cần ít sự đầu tư, dễ học, dễ hiểu như dân ca, quan họ, ca trù… và những nhạc cụ đơn giản. Hy vọng, qua việc bồi dưỡng vốn hiểu biết về âm nhạc truyền thống dân tộc này, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch có khả năng tự duy trì hoạt động biểu diễn, đưa vào các tour du lịch để quảng bá, tuyên truyền phục vụ xúc tiến du lịch trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khó khăn trong truyền dạy âm nhạc truyền thống
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO