Tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp
Thực tế cho thấy, tình hình mất an toàn thông tin số ở Việt Nam ngày càng có diễn biến phức tạp, xuất hiện nguy cơ đe dọa nghiêm trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm công nghệ cao đang gặp khó khăn cả từ nguyên nhân khách quan đó là sự phối hợp quốc tế và nguyên nhân chủ quan là các quy định của pháp luật.
Nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, nước ta đã triển khai chương trình Chính phủ điện tử ở cả Trung ương và địa phương, cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước như tra cứu thông tin, đăng ký và cấp phép của cơ quan thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, hộ chiếu, chứng minh thư... Thương mại điện tử cũng đang phát triển với tốc độ rất cao. Việc kết nối mạng máy tính toàn cầu, tạo điều kiện cho hacker có thể tấn công từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Trước tình hình này, việc bảo đảm an ninh, an toàn mạng đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Thực tiễn trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, số lượng hacker trong và ngoài nước đều gia tăng nhanh chóng cả về mức độ hành vi và số lượng các vụ vi phạm. Tội phạm công nghệ cao đang diễn biến phức tạp và có dấu hiệu quốc tế rõ rệt. Tình trạng phát tán thông tin gây phương hại đến uy tín của Đảng, Nhà nước, trộm cắp thông tin bí mật quốc gia, tấn công hạ tầng thông tin quốc gia như tình trạng lừa đảo qua mạng, phát tán virus, cá độ bóng đá qua mạng... ngày càng phát triển. Các lực lượng chức năng cũng chỉ ra rằng, các đối tượng phạm tội trong và ngoài nước đã thể hiện sự tinh vi khi sử dụng công nghệ mới để tấn công và tránh bị phát hiện như sử dụng phần mềm che dấu nguồn gốc truy cập, dịch vụ internet miễn phí của nước thứ 3, sử dụng lỗ hổng bảo mật từ nội bộ, truy cập không dây...
Đặc điểm của loại tội phạm này là thủ phạm có thể ngồi một chỗ và tấn công vào bất kỳ nơi nào trên thế giới. Dấu vết tội phạm để lại rất khó xác định, thời gian gây án thường ngắn... Do vậy, để xác định được đối tượng phạm tội thì các lực lượng chức năng buộc phải có sự phối hợp với cảnh sát các nước để bảo đảm công tác điều tra.
Khó khăn trong công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm công nghệ cao
Thực tế trong công tác điều tra, truy tố và xét xử loại tội phạm này các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải một số những khó khăn. Vì ngay cả việc xác định người bị hại cũng đã rất khó. Người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ thông qua mạng. Đối tượng phạm tội thường sử dụng internet với thủ đoạn tinh vi nên phạm vi ảnh hưởng là rất lớn. Bản thân người bị hại không biết phải báo cáo cho cơ quan cảnh sát ở đâu thụ lý, không tự nguyện làm đơn tố cáo...
Với những vụ gian lận thẻ tín dụng, người bị hại là công dân nước ngoài, nên việc lấy lời khai của người bị hại ở khắp nơi trên thế giới không thể thực hiện. Trong quá trình điều tra, gặp khó khăn về các khoản chi phí phát sinh. Quá trình giải quyết vụ án, các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, về cơ chế phối hợp, về nguồn nhân lực cũng như về trình độ của cán bộ thực thi pháp luật. Trong khi đó, luật pháp của các nước lại có quy định khác nhau về hành vi phạm tội và mức hình phạt về loại tội phạm này.
Bên cạnh đó, việc xác định hậu quả và thiệt hại do tội phạm gây ra cũng là vấn đề hết sức khó khăn. Thực tế cho thấy, thiệt hại do những hành vi này gây ra hầu hết không thể xác định được bằng cân, đong, đo, đếm. Vì vậy, không thể làm rõ hậu quả như thế nào thì được coi là nghiêm trọng... Chính điều này đã gây lúng túng cho quá trình giải quyết vụ án. Việc thu thập và đánh giá chứng cứ cũng gặp những khó khăn, vì thực tế khi thực hiện hành vi phạm tội, thủ phạm thường che dấu nhân thân và chỉ để lại dấu vết ảo trên mạng như nickname, email, tài khoản ảo và thường không đưa cho bị hại chứng cứ cũng như hợp đồng hay phiếu thu tiền như những kiểu giao dịch khác. Việc thống nhất nhận thức về chứng cứ cũng rất khó khăn, dữ liệu thu được trong máy tính của đối tượng thường được các cơ quan tư pháp cho rằng chưa có tính thuyết phục vì không có sự ký nhận của hai bên. Chính điều này, đã gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án...
Một khó khăn khác nữa khi tiến hành giải quyết vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao chính là đối tượng vi phạm thường phạm tội có tổ chức và có yếu tố nước ngoài. Trong đó, có sự phân định cho nhau nhiệm vụ từng công đoạn của các đối tượng phạm tội hết sức chặt chẽ tạo nên một đường dây khép kín, triển khai kế hoạch phạm tội một cách nhanh chóng và bài bản. Các hacker thường sử dụng các dịch vụ internet miễn phí của nước ngoài như email, chat của Yahoo, Gmail... Vì đây là những dịch vụ không phải trả tiền và khai báo những thông tin thật nên đối tượng vi phạm đã lợi dụng sơ hở này để thực hiện hành vi phạm tội, để trục lợi hoặc phục vụ mục đích cá nhân. Vì vậy, việc xác định thủ phạm cũng là một thách thức lớn đối với cơ quan điều tra.
Có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về tình tiết tăng nặng của hành vi sử dụng thông tin trộm cắp được để phá hoại an ninh quốc gia, hạ tầng thông tin quốc gia... Cần quy định rõ hành vi xâm nhập xuất phát từ nước ngoài vào Việt Nam và cả những hành vi vi phạm từ Việt Nam tấn công vào cơ sở dữ liệu ở nước ngoài đều bị xử lý theo Bộ luật Hình sự Việt Nam. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý để phối hợp với các nước trong điều tra tội phạm công nghệ cao cũng như nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống loại hình tội phạm này.