Khó khăn kép trong thực thi Luật Hộ tịch

- Thứ Ba, 13/10/2020, 08:42 - Chia sẻ
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc do quá trình tổ chức thực hiện, việc áp dụng Luật Hộ tịch còn gặp phải những vấn đề nảy sinh từ phong tục, tập quán truyền thống của mỗi vùng, miền, địa phương.

Khi người dân lựa chọn tập quán

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp, hiện tỷ lệ người chết được đăng ký khai tử chỉ chiếm trên 60%. Đặc biệt các huyện miền núi, vùng sâu, vùng sông nước, vùng vạn đò hầu hết gia đình có người thân qua đời không đi đăng ký khai tử, thậm chí có trường hợp chết trên 20 năm mới yêu cầu khai tử.

Tại địa bàn các tỉnh miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc, có tập quán đã ăn sâu vào thói quen, suy nghĩ của người dân. Trong đó, có tập quán ảnh hưởng trực tiếp tới thực thi pháp luật hộ tịch. Theo quy định của Bộ luật Dân sự: Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha, mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ. Như vậy, về nguyên tắc dù xác định họ cho con theo tập quán vẫn phải bảo đảm con theo họ cha hoặc họ mẹ.

Ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp nêu ví dụ, việc xác định họ cho con căn cứ vào giới tính của người đó, như dân tộc Châu Mạ ở Lâm đồng, dùng họ để phân biệt nam, nữ (nam mang họ K’, nữ mang họ Ka). Hoặc, một số dân tộc có họ dành riêng cho con trai và họ dành riêng cho con gái, như người Bana ở Tây Nguyên, Bình Định, Phú Yên thì con trai thường gọi là Yang, con gái thường gọi là Thưr, Thớp, Yung…

Không chỉ tác động đến khai sinh, mà tập quán còn tác động nặng nề đến khai tử. Luật Hộ tịch quy định trách nhiệm đi đăng ký khai tử của cá nhân, tổ chức, cơ quan có liên quan. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp người chết không được “làm thủ tục cuối cùng”. Với quan niệm “chết là hết”, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán là cứ chết thì mang đi chôn, chôn tự do, chôn tại khu vực rừng nhà mình, mà không thực hiện thủ tục khai tử.

Bên cạnh đó, quá trình đăng ký hộ tịch, cán bộ tư pháp - hộ tịch phải xử lý những vấn đề phát sinh ngoài dự tính của pháp luật như tục lệ đổi tên ít nhất 3 lần của dân tộc Thái, ở Quang Phong, Cắm Muộn, huyện Quế Phong, Nghệ An; hoặc phong tục của người Jrai, Bana việc kết hôn dựa vào vóc dáng bên ngoài, không căn cứ theo quy định của pháp luật; việc kết hôn, ly hôn chỉ cần già làng công nhận là đủ không cần đăng ký qua UBND cấp xã.

Phong tục, tập quán ảnh hưởng rất nhiều tới tổ chức triển khai Luật Hộ tịch  

Nguồn: INT

Pháp luật còn thiếu đồng bộ

Thực tế cho thấy, việc ghi thông tin về người mẹ trong Giấy chứng sinh hoàn toàn phụ thuộc vào các thông tin mà người xin cấp Giấy chứng sinh cung cấp. Tuy nhiên, hiện các cơ sở y tế chưa có cơ chế kiểm soát vấn đề này, dẫn đến tình trạng người dân “lách luật” để đăng ký khai sinh cho các trường hợp vi phạm pháp luật như đẻ thuê, mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Ông Nguyễn Công Khanh lý giải, hiện Thông tư số 34/2015/TT-BYT và Thông tư số 27/2019/TT - BYT quy định việc cấp giấy chứng sinh có nhiều quy định tương đối đơn giản, chưa chặt chẽ. Thực tiễn quản lý công tác hộ tịch thời gian qua cho thấy, đã có trường hợp người mẹ khi vào viện sinh con đã mượn giấy tờ của người khác để làm hồ sơ bệnh án, Bệnh viện căn cứ vào thông tin về người mẹ trong hồ sơ bệnh án để cấp Giấy chứng sinh cho trẻ. Hậu quả là, cơ quan đăng ký hộ tịch đã đăng ký khai sinh cho trẻ với thông tin về người mẹ không đúng với thực tế.

Cũng liên quan đến thủ tục đăng ký khai sinh, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với cán bộ công tác hộ tịch - tư pháp là việc xác định thành phần dân tộc, việc đặt tên cho trẻ khi khai sinh. Theo mục 2, khoản 3, Điều 26 Bộ luật Dân sự, tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. Vậy nhưng, thế nào là tên tiếng Việt, thế nào là tên bằng tiếng dân tộc khác của Việt Nam… thì chưa có sự hướng dẫn cụ thể.

Thực tế cho thấy, cán bộ tư pháp - hộ tịch không biết xử lý thế nào đối với các tên như Nguyễn A Na, Dương Thị Li Li Na Na, Nguyễn An Ton… Hay, đối với những dân tộc Sán Chí ở huyện Sơn Dương, dân tộc Thủy ở huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) không nằm trong Danh mục 54 dân tộc được ban hành theo Quyết định số 121/QĐ-TCTK của Tổng cục Thống kê, thì cơ quan đăng ký hộ tịch cũng không biết giải quyết thế nào. Nếu đăng ký thì không đúng với Quyết định số 121/QĐ -TCTK, trong trường hợp từ chối đăng ký thì không bảo đảm quyền lợi của trẻ em, không bảo đảm quy định của Luật Hộ tịch.

Điều đáng nói, không hiếm sự khó khăn, vướng mắc là do cơ quan có thẩm quyền chậm ban hành văn bản hướng dẫn. Cụ thể, theo quy định tại Nghị định số 123/2015, Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng thông tư quy định về trình tự, thủ tục cấp và biểu mẫu Giấy báo tử. Tuy nhiên, đến nay văn bản này vẫn chưa được ban hành, vì thế địa phương gặp rất nhiều lúng túng.

Phạm Hải