Khó hoàn thành cả hai mục tiêu

- Chủ Nhật, 08/11/2020, 07:01 - Chia sẻ

“Ai cũng biết tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên là cần thiết nhưng chúng ta không thể để trường lớp thiếu giáo viên được” - đó là lưu ý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020. Tuy vậy, để thực hiện thành công cả 2 mục tiêu vừa tinh giản biên chế, vừa không thiếu giáo viên đối với ngành giáo dục quả thực không dễ dàng.

Thực tế, hiện cả nước vẫn thừa thiếu cục bộ, trong khi nghịch lý là còn hàng chục nghìn giáo viên dạy hợp đồng từ 10 - 15 năm không có biên chế hoặc bị sa thải. Chủ trương tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ đang vướng mắc trong thực thi bởi những sai trái trong tuyển dụng ở các địa phương và sự thiếu giám sát của các cơ quan quản lý ngành dọc. Hàng loạt vụ sa thải giáo viên hợp đồng, đẩy hàng trăm nhà giáo vào cảnh thất nghiệp xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua được Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải là do công tác quy hoạch, dự báo của các địa phương không hiệu quả, tuyển dụng không đúng số lượng, cơ cấu đội ngũ dẫn đến việc thừa thiếu cục bộ. Đáng nói, hệ lụy của tình trạng này không biết đến khi nào mới gỡ rối được.

Trong ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, ĐBQH Cao Thị Giang (Quảng Bình) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nơi thừa, nơi thiếu, chưa tính kỹ đến đặc thù của ngành giáo dục. Trước đó, tại phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, ĐBQH Quách Thế Tản (Hòa Bình) cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế 10% chưa phù hợp với đặc thù ngành giáo dục, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu kỹ vấn đề này và báo cáo Chính phủ để có định hướng phù hợp.

Trả lời chất vấn của một số đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận “đây là vấn đề nan giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, biên chế của giáo viên nếu so với định mức thì ở nông thôn và miền núi thì thừa 95.366 giáo viên. Nhưng ở thành phố lớn hoặc nơi tập trung các khu công nghiệp thì lại thiếu 71.441 giáo viên. “Ở nông thôn thì số học sinh lên lớp quá ít, nhưng ở thành phố thì quá nhiều, dẫn đến thừa thiếu cục bộ”.

Bộ Nội vụ đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là nơi nào thừa thì cắt, nơi nào thiếu thì bổ sung. Nếu tính theo phương án này thì ưu điểm là chúng ta giải quyết được tình trạng thừa, thiếu và không tăng biên chế. Nhược điểm của phương án này thì rất khó thực hiện tinh giản biên chế 23.892 người ngay trong năm học 2020-2021. Về phương án 2 là, chỉ bổ sung biên chế nơi thiếu so với định mức biên chế bổ sung bằng cách giải quyết sự chênh lệch giữa biên chế được duyệt và số biên chế còn lại. Như vậy năm 2021 này cần bổ sung 34.207 biên chế. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng: “Đây là con số quá lớn nếu giải quyết theo nhu cầu của địa phương”.

Thực tế trên cho thấy, việc quy định cắt giảm biên chế đang tạo nên sức ép đối với ngành giáo dục. Đặc biệt là khi nhiều tỉnh thành vấn đề thừa - thiếu giáo viên cục bộ vẫn loay hoay chưa có cách làm phù hợp khiến quá trình thực hiện tinh giản biên chế trong ngành giáo dục đã khó lại càng khó khăn hơn, đã rối lại càng rối thêm. Số lượng giáo viên mầm non, tiểu học thiếu rất nhiều do 3 năm gần đây không tăng biên chế, thậm chí là phải cắt giảm biên chế 10% mỗi năm trong khi trường lớp tăng, học sinh tăng mạnh theo từng năm.

Hai mục tiêu trên chưa thể thực hiện, nhưng gánh nặng thừa - thiếu giáo viên thì đã thấy rõ khi những thầy cô trong biên chế buộc phải dạy tăng tiết so với quy định. Đó là cách ứng phó duy nhất được nhiều trường lựa chọn.

Chi An