Khó hiểu và dễ hiểu

Huỳnh Vũ 17/10/2012 08:28

Sau nhiều tháng thương lượng, ban lãnh đạo Scotland đã chốt được thời điểm sẽ tiến hành trưng cầu ý dân về nền độc lập của mình – dự kiến vào mùa Thu năm 2014. Giới quan sát quốc tế nhìn nhận đây là một động thái khó hiểu mà cũng dễ hiểu của chính quyền Edinburgh.

Theo thỏa thuận được ký kết giữa Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ hiến Scotland Alex Salmond ngày 15.10, Scotland sẽ được phép tổ chức trưng cầu dân ý về việc có tách khỏi Vương quốc Anh để trở thành một quốc gia độc lập hay không.

Nếu đa số người dân Scotland tán thành việc tách vùng này trong cuộc trưng cầu ý dân 2 năm tới, thì Vương quốc Anh sau 300 năm tồn tại sẽ chỉ còn lại England, Xứ Wales và Bắc Ireland. Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò dư luận công bố hồi tuần trước, chỉ có 28% số người ở Scotland được hỏi ủng hộ tách khu vực này khỏi Vương quốc Anh, trong khi tỷ lệ phản đối là 53%. Với một tỷ lệ ủng hộ khiêm tốn như vậy, giới quan sát đặt câu hỏi việc tách Scotland khỏi Vương quốc Anh liệu có cần thiết và là ý nguyện chung của người dân hay chỉ là ý muốn của một cá nhân (Thủ hiến Salmond) nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm thiểu số (đảng Dân tộc Scotland cầm quyền)?

Nguồn: Telegraph
Nguồn: Telegraph
Với người dân Scotland, sự chia tách này là hết sức khiên cưỡng. Trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ, tất cả các nền kinh tế thành viên đều bị ảnh hưởng, trong đó có Vương quốc Anh. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa hạ dự báo tăng trưởng của Anh xuống âm 0,4% so với mức dự báo 0,2% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 7. Là một thành viên trong Liên hiệp Anh, Scotland ít nhiều không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ tình hình chung. Song, đáng nói là nếu chia tách vào thời điểm này, không đồng nghĩa với Edinburgh sẽ mạnh hơn lên. Tách khỏi Vương quốc Anh, Scotland sẽ mất luôn khoản hỗ trợ 30 tỷ bảng (tương đương 48 tỷ USD) từ chính quyền trung ương cũng như các cơ hội khác. Một số nhà phân tích đánh giá, Scotland sẽ khó giữ mức xếp hạng tín dụng AAA nếu tách khỏi Liên hiệp Anh.

Thứ hai, việc chia tách này chỉ mang tính hình thức bởi hiện nay, chính quyền Scotland vận hành tương đối độc lập với Vương quốc Anh khi có lá cờ riêng, hệ thống luật pháp, các đội tuyển thể dục thể thao riêng cũng như người dân có thẻ căn cước riêng. Người dân Scotland vẫn được hưởng những quyền riêng của họ, vì vậy, chẳng có lý do để phải tách khỏi Anh.

Thứ ba, Anh là một cường quốc, một nền kinh tế lớn của châu Âu và là một trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợåp Quốc, cơ quan có sức mạnh tối cao trong các vấn đề của thế giới. Tách khỏi Anh, Scotland phải gây dựng từ đầu và không thể dễ dàng trở thành một quốc gia có vị trí trên bản đồ thế giới.

Rời bỏ Vương quốc Anh, Scotland sẽ mất nhiều hơn được, và cái được ở đây là chỉ là một tên gọi độc lập, hoàn toàn chỉ mang tính hình thức.

Vậy có khó hiểu hay không khi ban lãnh đạo Scotland nhất quyết thúc đẩy ý tưởng trưng cầu dân ý? Mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn khi xem xét ai sẽ là người được lợi nếu thủ hiến Scotland Salmond sẽ trở thành Thủ tướng một đất nước với địa vị pháp lý ngang bằng với các nguyên thủ thế giới. Trong lời kêu gọi trưng cầu dân ý, chính khách này tuyên bố một nền độc lập cho 5 triệu dân Scotland sẽ cho phép Edinburgh hoạch định các chính sách đối ngoại, kinh tế và quốc phòng riêng, có một bản hiến pháp riêng, thay vì phụ thuộc vào chính quyền trung ương và quyền hạn chỉ bó hẹp trong các lĩnh vực tư pháp, giáo dục và y tế như hiện nay. Song, đặt cạnh những lý do trên, có lẽ lý do đó chưa thực sự thuyết phục để người dân Scotland thấy được rằng chia tách là cần thiết. Một quyết định khó hiểu nếu xét trên khía cạnh lợi ích dân tộc nhưng sẽ dễ hiểu nếu nhìn vào lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khó hiểu và dễ hiểu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO