Khó cũng vẫn phải làm

- Thứ Năm, 14/01/2021, 08:15 - Chia sẻ
Vụ lúa Đông Xuân năm 2016 - 2017 ở đồng bằng sông Cửu Long được giá. Đây là niềm vui của nông dân bởi việc này có thể bù trừ cho năng suất bị giảm nhưng lại là nỗi lo của các doanh nghiệp vì giá lúa nguyên liệu tăng nhanh trong khi giá xuất khẩu gạo tăng chậm. Và còn một cái khó lớn hơn nữa đó là doanh nghiệp khó thu mua dù nhiều hộ đã ký kết hợp bao tiêu nhưng vẫn cố tình "lật kèo"...

Đây là thực tế đáng lo ngại và không chỉ riêng vụ Đông Xuân năm 2016 - 2017 mới có. Tại Hội nghị triển khai kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và tổng kết, đánh giá mô hình sản xuất lúa ST24, ST25 trong vùng sản xuất lúa trên đất tôm phía Bắc Quốc lộ 1A diễn ra mới đây, một lần nữa vấn đề này lại được đề cập tới. Đó là trong khi người trồng lúa vui mừng vì vừa được mùa, vừa được giá thì doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa lại nơm nớp lo không mua được lúa. Lý do là bởi giá lúa trên thị trường cao hơn giá cam kết bao tiêu từ 1 - 2.000 đồng/kg. Để giải quyết vấn đề này, đã có doanh nghiệp thỏa thuận lại giá với nông dân nhưng cái khó phần lớn vẫn thuộc về doanh nghiệp.

Tạo chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu quyết định sự thành công của sản phẩm nông nghiệp trong tương lai. Thế nhưng thực tế, mối liên kết này còn rất lỏng lẻo, chưa có nhiều "chất kết dính". Như nhận định của đại diện Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì trường hợp nông dân “lật kèo” phá vỡ hợp đồng ký kết khi giá nông sản lên cao là khá phổ biến. Nông dân không bán nông sản cho doanh nghiệp có thỏa thuận mà bán cho hệ thống tư thương. Nhưng cũng có những vụ “đổ vỡ” xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp. Đó là nhiều trường hợp doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng đến kỳ thu hoạch lại không thu mua.

Vậy để có thể tạo và giữ được "chất kết dính" giữa nông dân và doanh nghiệp cần phải làm gì? Có lẽ điều đầu tiên cần phải giải quyết đó là phân định rõ lợi ích và trách nhiệm của các bên. Điều này nói thì dễ nhưng thực hiện không đơn giản, mà những gì đã và đang diễn ra với mặt hàng lúa gạo là ví dụ điển hình. Vấn đề nữa là phải hướng đến sản xuất hàng hóa với quy mô lớn. Hiện nay, quy mô sản xuất nông nghiệp ở hầu hết các địa phương đều nhỏ lẻ, dẫn tới hợp đồng liên kết của người dân và doanh nghiệp không được bảo đảm bởi hai khả năng có thể xảy ra: Thứ nhất, nông dân không cung cấp đủ sản lượng. Thứ hai, chất lượng cũng không đạt, không đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu.

Một vấn đề nữa đó là định hướng quy hoạch của vùng nguyên liệu lớn cũng thiếu ổn định. Mỗi tỉnh có định hướng quy hoạch riêng nên nếu nhìn tổng thể, thậm chí quy hoạch còn mâu thuẫn nhau ví như tình trạng tỉnh này đang sản xuất một sản phẩm nông sản cung đủ cầu, nhưng địa phương khác thấy hiệu quả nên chuyển đổi sản xuất cùng sản phẩm, dẫn tới dư thừa sản lượng, việc tiêu thụ cũng vì thế sẽ khó khăn hơn rất nhiều, thậm chí có khi phải đổ bỏ.

Bởi vậy, dù tạo chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là khó nhưng cũng phải làm nếu muốn có nền nông nghiệp phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước.

Khánh Ninh