Khó cạnh tranh bằng lao động giá rẻ
Lao động giá rẻ lâu nay vẫn được xem là một lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh cho rằng, lợi thế này sẽ ngày càng ít có ý nghĩa với các nhà đầu tư. Cần phải nỗ lực rất lớn để nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong làm việc của người lao động thì mới có thể tiếp tục cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
- Nhân công giá rẻ lâu nay vẫn được xem là một lợi thế cạnh tranh của nền kinh tế nước ta. Trong thời điểm hiện nay, nên nhìn nhận lợi thế này như thế nào, thưa ông?
- Lực lượng lao động nước ta có nhiều thế mạnh so với lao động các nước khác: cơ cấu dân số vàng; người lao động thông minh, khéo tay, cần cù và giá lao động rẻ. Tuy nhiên, hiện nay, giá lao động rẻ không còn ý nghĩa lớn như trước đây, vì việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ đòi hỏi người lao động phải được đào tạo bài bản hơn, có trình độ chuyên môn cao hơn. Giá lao động rẻ sẽ ngày càng ít ý nghĩa trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong điều kiện các nước khác như Bangladesh, ấn Độ, Trung Quốc cũng có nguồn lao động dồi dào và có đặc điểm gần giống với lao động nước ta thì để có thể phát huy được thế mạnh trong hội nhập kinh tế quốc tế, bắt buộc thị trường lao động nước ta phải vận hành linh hoạt và hiệu quả hơn; phải nâng cao chất lượng, năng suất và kỷ luật lao động. Cần phải nỗ lực rất lớn để nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ của người lao động thì mới có thể tiếp tục cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
- Tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra khá trầm trọng và kéo dài trong suốt những tháng đầu năm nay cho thấy thị trường lao động và bản thân người lao động đang đặt ra những yêu cầu về chất lượng lao động, chế độ đãi ngộ xứng đáng... thưa ông?
- Tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài trong những tháng đầu năm nay đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng đó là sự thiếu hụt giả tạo. Nguồn lao động phổ thông không hề khan hiếm nhưng người lao động không chấp nhận được mức lương, không được bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và các phương tiện xã hội cần thiết để ổn định cuộc sống lâu dài nên đã không làm việc cho các doanh nghiệp nữa. Tuy nhiên, các ngành nghề kỹ thuật cao đòi hỏi nhân lực có trình độ, chuyên môn cao như công nghệ thông tin, lao động trình độ quản lý bậc trung hoặc bậc cao... hiện đang thiếu một cách gay gắt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các Công ty nước ngoài, nhất là các công ty công nghệ cao phải cân nhắc xem có nên đầu tư ở nước ta hay không.
- Cũng có ý kiến cho rằng, tình trạng thiếu hụt lao động thời gian qua là do thị trường lao động điều tiết chưa tốt?
- Thiếu hụt lao động một phần do thị trường lao động nước ta hiện nay hoạt động chưa thực sự có hiệu quả. Người lao động chưa biết rõ nơi nào có nhu cầu và khả năng tiếp nhận lao động cũng như các điều kiện làm việc, mức lương và chế độ đãi ngộ cụ thể như thế nào. Bên cạnh đó, như tôi đã nói, mức lương và chế độ đãi ngộ với người lao động chưa tương xứng, chưa bảo đảm điều kiện sống ổn định. Còn với các ngành nghề khan hiếm lao động thực sự thì đó là khâu yếu của giáo dục, đào tạo. Hiện cũng có những lao động được đào tạo, được cấp chứng chỉ nghề nghiệp nhưng thực chất, trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc lại chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn.
Điểm yếu của thị trường lao động nước ta còn là do chất lượng thông tin cho thị trường lao động chưa đầy đủ. Cả người lao động và người sử dụng lao động đều chưa được cung cấp đầy đủ thông tin và chưa có sự gặp gỡ nhau để tìm được tiếng nói chung. Công tác quản lý, giám sát đối với thị trường lao động có tổ chức (doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân...) tương đối nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, khu vực kinh tế phi hình thức (hộ kinh tế cá thể) thì vẫn đang bị thả nổi; công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo đảm quyền lợi của người lao động như tiền lương tối thiểu, BHXH, BHYT... chưa được thực hiện đầy đủ.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện đang là đòi hỏi cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Theo ông, để làm được điều này cần tập trung vào những vấn đề gì?
- Cần lưu ý rằng, năng suất lao động của nước ta tăng rất chậm. Trong 25 năm qua, năng suất lao động bình quân trong xã hội của chúng ta tăng 300%. Trong khi đó, năng suất lao động của Hàn Quốc đã tăng tới 3.000% nhờ kịp thời chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao trình độ lao động, vận dụng khoa học công nghệ. Để chất lượng nguồn nhân lực của nước ta tiệm cận với chất lượng nguồn nhân lực của thế giới, về lâu dài, cần coi trọng vấn đề sức khỏe, chất lượng dân số, bảo đảm cân đối giữa nam và nữ; phải bảo đảm nguồn lao động được chăm sóc y tế để có sức khỏe tối thiểu đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Chúng ta không chỉ giáo dục kiến thức, mà phải giáo dục trí sáng tạo, nhân cách, ý thức làm việc, tinh thần học tập, có năng lực vượt khó, thích nghi với hoàn cảnh, rút ra được bài học kinh nghiệm... Việc này không chỉ đòi hỏi nỗ lực của cơ quan nhà nước mà đòi hỏi sự nỗ lực từ cả phía người lao động.
- Xin cám ơn ông!