Khó bảo quản tài liệu lưu trữ truyền thống
Tài liệu lưu trữ của Việt Nam đa dạng và phong phú về loại hình, kích thước, chủng loại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chiến tranh kéo dài, trình độ kỹ thuật bảo quản hạn chế… nhiều tài liệu bị hư hại và công tác bảo quản tài liệu lưu trữ hiện nay gặp nhiều khó khăn.
![]() Nguồn: sonoivu.haiduong.gov.vn |
Do sự tàn phá của chiến tranh kéo dài, đặc biệt, đất nước nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, trong khi điều kiện kho tàng, phương tiện bảo quản thiếu thốn… nên nhiều tài liệu bị hư hỏng. Theo bà Nguyễn Thị Hà, tài liệu giấy trước năm 1945 có khoảng 90,87% đang có nguy cơ hư hỏng, trong đó 15,6% bị hư hỏng nặng (chủ yếu bị rách, dính bết, nấm mốc, mún). Một số tài liệu mộc bản cũng trong tình trạng bị mủn, mục nát, vỡ, sứt sẹo, chữ mòn... Tài liệu sau năm 1945 chủ yếu có các hiện tượng bị lão hóa, ố vàng (độ axit cao chiếm 80%), mục, giòn, dễ gãy vụn, chữ bị bay màu, mất chữ do mực ăn mòn, tự thủng theo nét vẽ, nét chữ, tài liệu bị mối ăn, nấm mốc... Tài liệu sau năm 1975 đến nay chủ yếu là hiện tượng độ axit của giấy cao, một số tài liệu photo và tài liệu in bay màu, nhìn chung tình trạng khối tài liệu này còn tương đối tốt. Các loại hình tài liệu phim, ảnh, ghi âm có từ năm 1945 - 1975 đang có nguy cơ bị hủy hoại. Nhiều cuộn phim điện ảnh bị nấm mốc, chua, nhiều tài liệu ghi âm bị quăn, xoắn bong bột từ, méo tiếng. Tài liệu ảnh quý cũng bị nấm mốc, ố, dính, bết, mờ...
Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã quan tâm hơn đến công tác bảo quản tài liệu, nhiều kho tàng được nâng cấp và xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Các kho lưu trữ này đều có hệ thống điều hòa không khí bảo đảm môi trường bảo quản ổn định suốt ngày đêm, có máy hút ẩm, hệ thống chống đột nhập, hệ thống báo cháy và chữa cháy. Trong kho được trang bị hệ thống giá compac tiện lợi cho việc bảo quản và khai thác tài liệu. Các loại cặp, hộp, bìa loại free axit từng bước được thay thế cho các loại bìa, hộp có độ axit cao. Hiện nay, các trung tâm lưu trữ quốc gia đều có bộ phận tu bổ phục chế tài liệu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo quản an toàn khối tài liệu quý hiếm đang xuống cấp.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hà khẳng định: để bảo quản lâu dài và an toàn tài liệu giấy, ngoài việc quan tâm đến các yếu tố bên ngoài tác động như môi trường, con người... thì việc sử dụng mang tính bắt buộc các loại giấy, mực có độ bền cao cho tài liệu lưu trữ trong hệ thống hành chính đang là vấn đề cấp thiết. Phương án phục chế những tài liệu có nguy cơ hỏng nặng, giải pháp bảo quản đối với các loại tài liệu giấy và các loại mực viết trên nó nhằm hạn chế sự bay màu của mực, tìm cách phục hồi thông tin ghi trên giấy vẫn đang được nghiên cứu. Với các tài liệu làm bằng gỗ, việc tái tạo và tìm ra môi trường bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ loại hình tài liệu này cũng là vấn đề. Ngoài ra, nhiều trung tâm lưu trữ địa phương đang gặp khó khăn trong việc khắc phục hậu quả đối với tài liệu bị ngập lụt, do không có đầy đủ trang thiết bị để xử lý...
Để hạn chế sử dụng tài liệu gốc, tránh làm hư hỏng tài liệu về mặt vật lý và để quản lý tốt các nhóm tài liệu quý, hiếm, có giá trị văn hóa, lịch sử, nhiều đơn vị lưu trữ đã tiến hành số hóa tài liệu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, dù đã có tài liệu số, nhưng các tài liệu lưu trữ truyền thống vẫn là sản phẩm văn hóa mà thế hệ ngày nay cần bảo vệ, cả hình thức cũng như giá trị thông tin nội tại của cuốn sách. Việc bảo quản tài liệu lưu trữ cần sự đầu tư thích đáng để có thể gìn giữ, chia sẻ chúng với những thế hệ tương lai.