Kho bạc duy trì ổn định "dòng chảy" ngân sách

- Thứ Hai, 22/02/2021, 06:21 - Chia sẻ
Dịch Covid-19 bùng phát trở lại đúng vào thời điểm bận rộn của hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN). Không chỉ “chạy nước rút” giải ngân vốn đầu tư công, hệ thống kho bạc phải chi trả lương, chế độ cho các đối tượng chính sách và Tết Nguyên đán nên khối lượng công việc rất lớn. Nhờ phủ sóng dịch vụ công trực tuyến, hệ thống kho bạc đã duy trì ổn định dòng chảy của ngân sách khi có tình huống bất ngờ như dịch bệnh, thiên tai...

Không để dịch ảnh hưởng kiểm soát chi

Đây là lần thứ 2 dịch Covid-19 bùng phát tại Hải Dương. Với kinh nghiệm phòng chống dịch sẵn có, ngay sau khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện ca bệnh đầu tiên, KBNN tỉnh Hải Dương đã họp khẩn cấp, kích hoạt lại các biện pháp phòng, chống dịch.

Cụ thể, KBNN tỉnh Hải Dương quán triệt tất cả đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, sát khuẩn, phun khử trùng, khách hàng đến giao dịch phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch và yêu cầu các đơn vị KBNN thanh toán 100% trên dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, thời điểm dịch bùng phát cũng là “cao điểm” bận rộn của hệ thống kho bạc vì vừa phải phục vụ giải ngân đầu tư công năm 2020 (hạn cuối đến 31.1.2021), vừa chi trả chế độ cho các đối tượng chính sách, lương tháng 1, tháng 2 và chi trả Tết Nguyên đán. Vì thế, lãnh đạo KBNN tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc phải tăng cường lực lượng cán bộ để bảo đảm việc chi trả ngân sách thông suốt, không bị ách tắc.

Dịch vụ công trực tuyến giúp KBNN tỉnh Hải Dương chi trả kịp thời các khoản phòng chống dịch
Ảnh: ITN

Sau kỳ nghỉ Tết, KBNN Hải Dương yêu cầu các đơn vị trực thuộc bố trí công chức, viên chức làm việc trực tuyến tại nhà từ ngày 17.2; tiếp tục tuyên truyền khách hàng thực hiện tốt giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến và trao đổi thông tin, làm việc qua môi trường mạng Internet; ưu tiên thanh toán kịp thời các khoản chi phòng, chống  dịch, các khoản chi bảo đảm hoạt động thường xuyên của các đơn vị sử dụng ngân sách…

Nhờ đó, KBNN Hải Dương vẫn duy trì được “dòng chảy” ngân sách trên địa bàn tỉnh trong suốt cả năm 2020 cũng như giai đoạn dịch bệnh bùng phát vừa qua. Tính đến hết niên độ ngân sách năm 2020, chi ngân sách nhà nước cả 4 cấp qua KBNN Hải Dương đạt 19.577 tỷ đồng. Trong niên độ ngân sách năm 2021, tính đến ngày 9.2, KBNN Hải Dương đã thực hiện chi trả 2.757 tỷ đồng, riêng trong ngày 17.2 (ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết) đã kiểm soát và thanh toán 2.057 tỷ đồng.

Tương tự, trong đợt dịch lần này, KBNN tỉnh Quảng Ninh đã quán triệt đến tất cả các đơn vị trực thuộc thực hiện giao dịch 100% trên dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ và khách hàng; đồng thời, yêu cầu toàn thể cán bộ công chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, không đến những chỗ tụ tập đông người. Kết thúc năm 2020, toàn bộ 1.455 đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đạt 100%. Đây là yếu tố quan trọng giúp KBNN tỉnh Quảng Ninh bảo đảm hiệu quả công việc chuyên môn và phòng chống dịch, đồng thời thực hiện thành công chiến lược hình thành Kho bạc điện tử của hệ thống KBNN.

Tiếp tục nâng cấp

Nhìn lại năm 2020, thành công trong việc phủ sóng dịch vụ công trực tuyến không chỉ ở cấp tỉnh, thành phố mà còn đến tận cấp huyện, xã là dấu ấn nổi bật của hệ thống KBNN. Vượt qua rất nhiều khó khăn, dịch vụ công trực tuyến đã được KBNN triển khai theo đúng lộ trình đặt ra với mục tiêu “tất cả vì khách hàng”. Kết thúc năm 2020, hệ thống KBNN đã hoàn thành kết nối 100% đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước thuộc đối tượng giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; tỷ lệ lượng giao dịch chi ngân sách nhà nước đi qua dịch vụ công trực tuyến đạt 98%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 150.000 giao dịch, ngày cao điểm 200.000 giao dịch qua dịch vụ công trực tuyến.

Theo đánh giá của rất nhiều đơn vị sử dụng ngân sách, việc tham gia dịch vụ công trực tuyến qua Kho bạc đã mang lại rất nhiều tiện ích như: tiết kiệm được thời gian đi lại, giảm chi phí hoạt động (văn phòng phẩm, in ấn…). Bên cạnh đó, việc ký phê duyệt và gửi chứng từ đến KBNN bằng chữ ký số là một biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch trực tuyến, chống được việc giả mạo chữ ký, con dấu cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Đặc biệt, trải qua năm 2020 đầy rủi ro dịch bệnh, thiên tai, dịch vụ công trực tuyến càng chứng tỏ được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt của hệ thống kho bạc khi xảy ra “sự cố bất ngờ”. Thời điểm miền Trung hứng chịu đợt mưa lũ hoành hành vào tháng 7.2020, công tác chi ngân sách, đặc biệt là thanh toán các khoản chi an sinh xã hội, phòng chống bão lụt tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... vẫn thông suốt, kịp thời, nhanh chóng là có sự đóng góp lớn của dịch vụ công trực tuyến.

Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Đức Chi cho biết, để dịch vụ công trực tuyến ngày càng phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, KBNN tiếp tục nâng cấp, mở rộng hệ thống dịch vụ công trực tuyến, bổ sung các thủ tục đối chiếu, xác nhận số dư tài khoản của đơn vị giao dịch tại KBNN và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua KBNN. Qua đó, hoàn thành chỉ tiêu 100% các dịch vụ công trực tuyến của KBNN được nâng lên mức 4.

Hà Lan