Khmer – Rock hồi sinh

Khang Duy theo BBC 16/08/2009 00:00

Khmer – Rock, dòng nhạc pha trộn giữa loại nhạc chủ yếu dựa vào nhạc đệm của ghita điện, rock thời kỳ đầu với các nhạc cụ truyền thống của Campuchia từ thập niên 1960 đang có nhiều người hâm mộ mới.

04-khmer-rock-22709-300.jpg

Nhà soạn nhạc Nik Cohn tình cờ gặp dòng âm thanh này, kể lại: “Một đêm tôi xem bộ phim City of Ghost, có cảnh Matt Dillon nhảy lên một chiếc xe máy, phóng dọc Phnom Penh, và một thứ âm nhạc kỳ diệu xuất hiện, một chất giọng không thể tin nổi. Tôi chưa bao giờ được nghe thứ nhạc nào hay như vậy từ sau thời Ronnie và Ronettes… và thế là tôi bắt đầu nghĩ đến nó từ góc cạnh âm nhạc”.

Hiện nay, âm thanh từ Phnom Penh cổ xưa được tái hiện ở phương Tây qua ban nhạc Dengue Fever, mà ca sỹ chính là một người Campuchia – Chhom Nimol, con gái của các nhạc công từng chơi với các tay rock Khmer nguyên gốc. Tay ghita của ban nhạc Zac Holtzman yêu âm thanh và những câu chuyện trên nền nhạc Phnom Penh. “Đó từng là một thành phố hiện đại, với rất nhiều nhạc sỹ. Ban ngày họ chơi các loại nhạc truyền thống và ban đêm thì chơi rock”…

Hoàng thân Norodom Sihanouk từng có ảnh hưởng lớn tới dòng nhạc này. Là người yêu thích và có tư tưởng tự do về nghệ thuật, ông khuyến khích các nghệ sỹ hoàng gia cổ truyền thử nghiệm. Nhưng ảnh hưởng tới các dòng nhạc này cũng đến trực tiếp từ Mỹ. Các studio bay do Hải quân Mỹ phụ trách đã giúp lan truyền âm nhạc rock’n’roll, blues, cũng như dòng nhạc country vào Campuchia. Giới nhạc sỹ trẻ ở Phnom Penh không cần biết Jimi Hendrix (nghệ sỹ ghita người Mỹ gốc Phi, là một trong những nghệ sỹ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nhạc rock’n’roll) là ai, The Doors hay Beach Boys (những ban nhạc rock huyền thoại của Mỹ) là ai, nhưng họ yêu thích âm thanh đó và bắt đầu bắt chước. “Họ chỉ lấy nét nhạc và chuyển thể qua các loại nhạc cụ tương ứng với ghita, cùng một bộ trống đơn giản, và họ chắc chắn cũng có ghita bass”, Nik Cohn nói.

Những người chơi nhạc Khmer – Rock không có studio đàng hoàng và đa số các bài hát đều thu trực tiếp – thường chỉ một lần – với bất kỳ loại keyboard hay ghita nào họ có được, và phối hợp với các nhạc cụ cổ truyền. Trong hàng chục năm, thể loại nhạc Khmer – Rock thể nghiệm này đã làm thay đổi cuộc sống về đêm của thủ đô Phnom Penh. Nhưng đến năm 1975, lực lượng Khmer Đỏ với tư tưởng chống phương Tây triệt để, dòng nhạc rock’n’roll bị dập tắt. Trong vòng 4 năm, Khmer Đỏ đã giết khoảng 2 triệu người dân Campuchia trên những cánh đồng chết, trong đó đã có nhiều nhạc sỹ Khmer. Tất cả những ngôi sao mà dòng nhạc này đã sản sinh ra, như Sinn Sisamouth, người được biết đến như là “Ông hoàng của nhạc Khmer”,cũng bị Khmer Đỏ giết.

Nhà soạn nhạc và cũng là nhạc công Sophy Him lúc đó là một sinh viên trường nhạc Phnom Penh, nhớ rất rõ: “Sinn Sisamouth có thể chơi nhạc hoàng gia, rồi nhạc rock… ngẫu hững giữa truyền thống và rock”. Sinn Sisamouth từng được mệnh danh là “Elvis của Campuchia”, với lời nhạc giống “Bob Dylan của Campuchia”.
Không ai biết rõ số phận của ca sỹ nổi tiếng thời bấy giờ, Ros Sereyothea, nhưng người ta tin là cô đã chết dưới thời Pol Pot. Cũng như tất cả các nghệ sỹ rock Khmer, Ros Sereyothea xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo. Cô chuyển về Phnom Penh, nơi mà hoàng thân Sihanouk từng nghe cô hát, và sau đó tôn xưng cô là “chất giọng vàng của Thủ đô hoàng gia”. Đó chính là chất giọng mà Nik Cohn lần đầu tiên nghe từ bộ phim City of Ghost. “Đó là âm thanh tuổi thơ, hiển thị tất cả những gì đã mất, và khi bạn biết từng người trong số họ đều bị Khmer Đỏ xóa sổ, thì trải nghiệm của bạn khi nghe nhạc còn sâu lắng hơn…”

Dòng nhạc Khmer - Rock sống sót qua những cuộn băng cassette được cất giấu. Và những bài hát cũ nay có thêm nhiều người hâm mộ qua các bản hát lại và bản ghi âm mới của Dengue Fever.

Ban nhạc Dengue Fever thành lập năm 2001, gồm 6 thành viên, theo đuổi dòng nhạc kết hợp âm nhạc Campuchia với rock. Ca sỹ chính Chhom Nimol từng là ca sỹ nổi tiếng trong các phòng karaoke của Campuchia. Album đầu tay của nhóm phát hành năm 2003, toàn bộ phần lời trong các album của nhóm đều bằng tiếng Khmer. Riêng album thứ 3 có thêm một vài bài hát bằng tiếng Anh. Nhiều bài hát lại những giai điệu rock Campuchia những năm 1960. Năm 2005, nhóm từng lưu diễn tại Campuchia và được hoan nghênh.
    Nổi bật
        Mới nhất
        Khmer – Rock hồi sinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO