Khiếu nại đông người là thực tế, luật có giải quyết được không?
Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại theo hướng công dân được quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mọi cơ quan, tổ chức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định khái niệm khiếu nại đông người; việc thụ lý các trường hợp khiếu nại đông người...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Luật không quy định khiếu nại đông người thì cũng không hay
Thứ nhất là khiếu nại đông người, thực ra lúc đầu Ban soạn thảo và Ủy ban Pháp luật cũng rất băn khoăn là có chấp nhận khái niệm khiếu nại đông người hay không và thế nào là khái niệm đông người. Chúng tôi thấy nếu như bây giờ trong luật không quy định khiếu nại đông người thì cũng không hay vì thực tế vẫn khiếu nại đông người, nếu như không có cơ chế giải quyết thì việc này càng bế tắc hơn. Do vậy, chúng tôi cố gắng tìm ra khái niệm thế nào là khiếu nại đông người. Trong này, khái niệm khiếu nại đông người là việc nhiều người cùng khiếu nại về một hoặc một số nội dung trong quyết định hành chính, tức là về cùng một nội dung.
Về vai trò của Tòa án hành chính, chúng tôi cũng muốn tăng cường vai trò của Tòa án hành chính đối với các loại việc mà công dân khiếu nại, thực ra trong cơ chế hiện hành nhất là Hiệp định thương mại Việt - Mỹ, các cam kết WTO chúng ta đều cam kết là công dân có quyền tiếp cận đưa ra Tòa án trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình khiếu nại là sự việc ấy chứ không phải chỉ có một cấp, hai cấp như trước đây quy định rồi mới đưa ra Tòa án. Tất nhiên không phải tất cả các vụ việc khiếu nại đều được đưa lên Tòa án. Có vụ việc đưa lên Tòa án thì Tòa án thụ lý theo Luật tố tụng hành chính, nhưng cũng có những vụ việc không thuộc phạm vi điều chỉnh, không thuộc loại việc mà Tòa án hành chính thụ lý theo Luật tố tụng hành chính thì cũng không được đưa ra Tòa án.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa: Không phải luật này mới bảo đảm được quyền công dân
Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật này, tôi nghiêng về phương án của Chính phủ trình bởi phương án này hợp lý hơn. Trên thực tế chúng ta đang giải quyết những vấn đề chủ yếu là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan nhà nước. Một số vấn đề về quyền của công dân, theo tôi nghĩ không phải chỉ riêng luật này mới quy định quyền của công dân về vấn đề giải quyết khiếu nại mà công dân có quyền được giải quyết khiếu nại trong rất nhiều điều luật khác nhau, kể cả các cán bộ trong tổ chức chính trị xã hội. Hiện nay chúng ta có rất nhiều luật như Luật Mặt trận, Luật công đoàn, Luật dân sự. Tôi nghĩ không phải luật này mới bảo đảm được quyền của công dân theo Điều 74 của Hiến pháp mà có nhiều điều luật khác có thể điều chỉnh được.
Khiếu nại đông người đúng là thực tế hiện nay và thực sự là vấn đề nan giải. Nhưng điều chỉnh ở dự án luật này như thế nào để giải quyết được vấn đề là việc khác. Nếu như dự án luật không nói gì thì cũng không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nhưng nếu nêu ra thì cũng có nhiều vấn đề chưa khả thi: nếu quy định trong luật thì có giải quyết được vấn đề này không và thực tế nó có đáp ứng được không? Trong dự án luật đưa ra khái niệm khiếu nại đông người sau đó lại đưa ra nội dung như trình tự giải quyết vô hình chung không giải quyết được, thậm chí có thể còn có lúc khuyến khích tập trung, tập hợp đông người, trong khi nguyên tắc là chỉ giải quyết từng người.
Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương: Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh, bởi nếu phạm vi điều chỉnh chỉ đối với các cơ quan hành chính nhà nước thì không bảo đảm. Hiện nay, dự án luật đã tiếp thu mở rộng phạm vi điều chỉnh, theo đó quy định lại về quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó. Tôi thấy như thế đầy đủ hơn và đúng với thực tế hơn. Thực tiễn hiện nay nếu giải quyết khiếu nại của công dân mà chỉ giải quyết ở phạm vi của các cơ quan hành chính nhà nước không thì không đủ được.
Thứ hai, về khiếu nại đông người tôi thấy như vậy là rõ, vì cần có một khái niệm, định nghĩa thế nào là khiếu nại đông người. Nếu không sẽ không thể xử lý được.
Thứ ba, về việc tổ chức tiếp công dân có đưa vào Luật khiếu nại hay không? Tôi thấy việc này cũng rất khó, trên thực tế việc chúng ta muốn giải quyết đến cùng về các khiếu nại hành chính cũng như giải quyết các tố cáo thì cần có sự gặp gỡ để trao đổi với người đến khiếu nại và người đến tố cáo. Nếu không tổ chức tiếp công dân thì sẽ rất khó đạt được mục đích cần phải giải quyết đến cùng. Nhưng người đến khiếu nại thường thường kèm theo cả tố cáo và phản ảnh kiến nghị. Vậy tổ chức việc tiếp công dân như thế nào để người đến khiếu nại chỉ nói phần việc khiếu nại không thì cũng rất khó. Tôi nghĩ cần phải có một quy định về tiếp công dân trong dự án luật này. Nếu không sẽ thiếu một việc rất quan trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Cân nhắc kỹ...
Về khiếu nại đông người, tất nhiên trong quá trình trao đổi ý kiến có thể có một số ý kiến nêu vấn đề này. Tuy nhiên, tôi nghĩ khi tiếp thu đưa vào luật để xác định một phạm trù là khiếu nại đông người để có một trình tự, thủ tục giải quyết riêng phải cân nhắc rất kỹ. Trong Khoản 3, Điều 3 đã nói tương đối rõ, người khiếu nại có thể là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức. Bản thân những từ đó đã thể hiện sự đông người. Chúng tôi nghĩ rằng ta không phản đối việc nhiều người cùng khởi kiện một quyết định hành chính, nhưng một việc ghi vào trong điều luật thành một điều luật riêng, trình tự thủ tục giải quyết riêng đối với khiếu kiện đông người thì không nên.
Thứ hai, về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại, chúng tôi cơ bản thống nhất với ý kiến thứ nhất tức là tán thành theo hướng trong tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay. Khiếu nại công dân nên được giải quyết ở 2 cấp hành chính là phù hợp trong điều kiện hiện nay.