Khi những xung đột pháp lý- Chưa được giải quyết triệt để...

28/02/2008 00:00

Dự án Pháp lệnh Trưng mua, trưng dụng tài sản được QH đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ nhiệm kỳ Khóa IX. Rục rịch khởi động từ năm 1998 nhưng dự án pháp lệnh này đã không được thông qua do vấn đề phức tạp và vượt quá thẩm quyền ban hành của UBTVQH. QH Khóa XII quyết định nâng lên thành Luật và dự thảo Luật đã được Chính phủ trình xin ý kiến QH tại Kỳ họp thứ Hai. Tuy nhiên, tại Hội thảo hoàn thiện chính sách pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản vừa được Ủy ban Pháp luật tổ chức, có đại biểu đã thẳng thắn: Nếu cứ đồng ý như dự thảo này thì QH chỉ ban hành cho đủ đầu luật mà thôi.

      Việc trưng mua, trưng dụng tài sản của các cá nhân và tổ chức không phải là khái niệm mới mẻ. Những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, ngay từ những ngày đầu thành lập nước cho đến nay đều có quy định về việc trưng mua, trưng dụng tài sản của các cá nhân, tổ chức. Hiến pháp năm 1992 quy định tại Điều 23: Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định. Nếu chỉ tính văn bản quy phạm pháp luật từ pháp lệnh trở lên, hệ thống pháp luật hiện hành cũng đã có tới 26 bộ luật, đạo luật và pháp lệnh có các quy định liên quan đến vấn đề trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân và tổ chức. Tuy nhiên, dự thảo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đã vấp phải sự phản đối của nhiều ĐBQH và chuyên gia lập pháp ở chính vấn đề quan trọng nhất - Điều kiện để trưng mua, trưng dụng tài sản.
      Ban Soạn thảo, mặc dù xác định rất rõ việc phải xử lý ngay trong Luật những trường hợp nào được coi là thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia nhưng khi thể hiện vào dự thảo luật thì lại bị lúng túng khi mở rộng các điều kiện trưng mua, trưng dụng ra ngoài phạm vi quy định của Hiến pháp. Ngoài tình trạng cấp thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, dự thảo còn bổ sung thêm các trường hợp khẩn cấp như lũ lụt, cứu hộ, cứu nạn, dịch bệnh, phòng cháy chữa cháy, truy đuổi tội phạm… Sự lúng túng này trước hết, theo Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý là: Ban Soạn thảo đã không giải mã đúng Điều 23 của Hiến pháp năm 1992 và rơi vào trạng thái nhùng nhằng khi xác định vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia,một điều kiện luôn tồn tại song hành và bổ sung cho nhau hay là hai điều kiện độc lập với nhau? Phó chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi cho rằng: Ban Soạn thảo đã đi quá xa trong việc vận dụng Hiến pháp dẫn đến khái niệm lợi ích quốc gia được hiểu quá rộng và cũng vì thế đã bình thường hóa lợi ích quốc gia để đưa vào dự thảo Luật cả những trường hợp không nghiêm trọng đến mức đe dọa đến lợi ích quốc gia. Việc xác định đúng điều kiện, hay nói cách khác là các tình huống tiến hành trưng mua, trưng dụng tài sản ngay tại dự thảo luật này tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có tài sản bị trưng mua trưng dụng cũng như thẩm quyền của người được ra quyết định trưng mua, trưng dụng nên không thể mở quá rộng sẽ dẫn đến sự lạm dụng của người có thẩm quyền và gây tâm lý bất ổn trong xã hội. Theo đa số ý kiến, nếu hiểu đúng quy định tại Điều 23 của Hiến pháp thì Nhà nước chỉ nên trưng mua, trưng dụng tài sản trong 3 trường hợp là: Đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng an ninh; Khi có tình huống đe dọa sự ổn định về chế độ chính trị và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; Khi các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia (đối tượng, địa điểm, công trình, cơ sở về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-xã hội thuộc danh mục cần được bảo vệ) bị xâm hại hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố nghiêm trọng gây phương hại tới an ninh quốc gia. 
      Việc giải mã không chính xác quy định tại Điều 23 của Hiến pháp không chỉ dẫn đến việc mở rộng điều kiện và thẩm quyền trưng mua, trưng dụng tài sản mà còn chạm đến một câu chuyện-Một căn bệnh trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của nước ta: Câu chuyện về sự chồng chéo, mâu thuẫn và vi hiến. Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý tiếp tục khẳng định quan điểm của mình tại các diễn đàn về lập pháp: Chúng ta đã đi quá xa trong việc giải thích và cụ thể hóa hiến pháp. Chỉ nói riêng về Điều 23 của Hiến pháp thôi- những điều kiện để tiến hành trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân, tổ chức – thì sự vi hiến trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã thể hiện khá rõ. Khái niệm trưng mua, trưng dụng, huy động, điều động, độc quyền thu mua, ưu tiên thu mua, được sử dụng… được sử dụng tràn lan trong 26 Bộ luật, luật và pháp lệnh có liên quan đến việc trưng mua, trưng dụng tài sản nhưng lại không thống nhất với nhau về cách hiểu. Rà soát hệ thống pháp luật hiện hành để chuẩn bị cho việc xây dựng một đạo luật gốc, chuẩn mực về trưng mua, trưng dụng tài sản, Ban Soạn thảo đã phát hiện ra tình trạng manh mún, thiếu đồng bộ và khẳng định chắc chắn rằng có nhiều trường hợp được quy định không đúng với quy định của Điều 23, tức là vi hiến. Nhưng không hiểu lý do vì sao, các trường hợp vi hiến này không những không được kiến nghị hủy bỏ hoặc sửa chữa mà Ban Soạn thảo lại đi gom tất cả vào quy định tại dự thảo luật. Rõ ràng không thể bỏ qua nguyên tắc quan trọng nhất của một văn bản quy phạm pháp luật là bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
      Mặc dù rất khiêm nhường nhưng chính đại diện Ban Soạn thảo cũng thừa nhận: Với tư cách là người được giao việc, chúng tôi chỉ cố gắng hoàn thành một bản dự thảo trong thời gian giới hạn và bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành thôi chứ về từ ngữ, học thuật thì cũng thấy còn lằng nhằng lắm. Và có lẽ cũng chính bởi sự lằng nhằng khiêm nhường đó nên khá nhiều quy định của dự án Luật chỉ mang tính chất nguyên tắc rồi được dẫn chiếu đến các điều, khoản của các bộ luật, luật và pháp lệnh có liên quan nhưng các điều khoản này cũng lại chỉ mới quy định chung chung là thực hiện theo quy định của pháp luật. 
      Chưa vội bàn đến tính đúng-sai và có lẽ cũng không cần phải nhắc đến những hệ lụy của một hệ thống pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn thì nguyên tắc cao nhất của lập pháp cần phải được tôn trọng, nhất là đối với những người được giao việc - vì chính họ là người thiết kế luật đầu tiên và hiểu rõ những xung đột pháp lý nào cần phải được loại trừ ra khỏi hệ thống pháp luật. Và trong khi những xung đột pháp lý đó chưa được giải quyết triệt để, nhiều đại biểu thẳng thắn kiến nghị: QH cũng cần xem xét có nên chấp nhận thông qua những đạo luật như vậy hay không?

Phạm Thúy

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khi những xung đột pháp lý- Chưa được giải quyết triệt để...
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO