Khi nhà đầu tư chuyển hướng

Thu Thùy 08/04/2011 07:37

Những biến động trên thị trường tài chính hiện nay đang khiến các nhà đầu tư cá nhân phải tính toán lại phương án đầu tư nhằm bảo toàn vốn, sinh lời cao.

Khi nhà đầu tư chuyển hướng ảnh 1
Nguồn: massogroup.com

Có trong tay hơn 30 lượng vàng, anh Nguyễn Quang Huy ở quận Đống Đa, Hà Nội quyết định bán đi để đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, vì theo anh, giá vàng bấp bênh, tăng giảm thất thường, USD thì không được giao dịch trên thị trường tự do, vì vậy sang Sóc Sơn tìm mua đất sẽ hiệu quả hơn.

Những trường hợp thay đổi quyết định đầu tư như anh Nguyễn Quang Huy không phải là ít. Trước thông tin như: sẽ có 12 trường đại học và hàng loạt bệnh viện được xây dựng ở khu vực Đông Anh - Sóc Sơn, Hà Nội, giá nhà đất ở đây đang tăng chóng mặt. Tại xã Vĩnh Ngọc, khu vực được xác định là chân cầu Nhật Tân trong tương lai, giá đất có sổ đỏ lên đến 110 triệu đồng/m2. Ở Sóc Sơn, đất 50 năm cũng được rao bán với giá khoảng 300.000 đ/m2, với điều kiện khách mua khoảng vài hecta trở lên. Nhưng cũng như diễn biến của cơn sốt đất phía Tây Hà Nội một năm trước, nhà đầu tư đang đứng trước những thông tin khá tù mù, bởi lẽ, chưa có một văn bản nào khẳng định việc quy hoạch khối văn phòng, bệnh viện, trường học ở khu vực này. Vì vậy, theo nhiều nhà đầu tư, lúc này nếu có tiền thật thì hãy đầu tư, không nên vay ngân hàng. Và càng không nên đầu tư theo tin đồn vì từ việc sốt đất ở Ba Vì năm 2010 cho thấy rất có thể giá đất đang bị thổi lên. Những khu vực đang sốt hôm nay có thể không có đủ giấy tờ hợp lệ như quy định của pháp luật.

Tương tự, dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng đang có dấu hiệu chuyển hướng. Theo một chuyên viên phòng Môi giới, Công ty chứng khoán Tân Việt, hiện tại dòng tiền lưu thông trên thị trường chứng khoán khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng bây giờ chuyển hướng cũng rất khó khăn vì tính thanh khoản của thị trường rất thấp. Hy vọng các giải pháp điều hành quyết liệt của Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho tính thanh khoản của thị trường tăng lên.

Cùng với bất động sản, hiện nay một phần vốn cá nhân lại đang đổ vào ngân hàng khi có hiện tượng các ngân hàng thương mại đua nhau tăng lãi suất để thu hút vốn. Tại nhiều ngân hàng, mức lãi suất huy động tiết kiệm thực tế đang quay trở lại mặt bằng phổ biến là 17%/năm, từng được thiết lập vài tuần trước đây. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng có lúc lên trên 20%/năm, lúc cao điểm là 23% nên huy động tiết kiệm cao hơn 14% là bình thường. Mức lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng hiện đang dao động từ 16% đến 18,5%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng. Các ngân hàng cho rằng, với việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tái cấp vốn từ 12% lên 13%/năm kể từ 1.4, huy động tiết kiệm của các tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ còn gặp khó khăn với mức trần 14% hiện nay. Bởi, theo nhiều chuyên gia kinh tế, yếu tố giá đầu vào và mặt bằng giá cả tăng bắt buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động thì mới huy động được vốn. Mọi quyết định đều có độ trễ nên hy vọng khi các giải pháp thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ phát huy hiệu quả thì lạm phát giảm, ép lãi suất giảm.

Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và hoạt động kinh doanh vàng; Dự thảo Nghị định về quản lý vàng. Văn bản sẽ được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, ngân hàng thương mại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trong tháng 4 này và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý II.2011. Đây là một trong những giải pháp siết chặt quản lý thị trường vàng và ngoại tệ tự do. Trong thời điểm này, điều quan trọng nhất đối với nhà đầu tư thời điểm này là cẩn trọng trước những thông tin chưa rõ ràng và tránh đầu tư theo phong trào.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khi nhà đầu tư chuyển hướng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO