Khi nhà cao, cao mãi
Non 60 năm trước, bài hát "Những ánh sao đêm" (Phan Huỳnh Điểu) kể về người thợ xây “đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa”. “Tầng gác thật cao” đó đã trở thành cảm hứng cho văn nghệ suốt mấy thập niên, và cứ mỗi giai đoạn lại được nhắc nhớ, trở thành một tín hiệu thẩm mỹ cho một Hà Nội “mỗi ngày thêm mới” ("Tình yêu Hà Nội" - Hoàng Vân)...
"Trên phương diện rộng của những khu chung cư tạo nên khung cảnh các khu đô thị mới, người ta có thể có suy tư về giá trị cộng đồng khi so sánh với khu vực phố cũ..."
Năm 2020, Hà Nội có 1.203 tòa nhà cao trên 12 tầng và 154 tòa nhà cao trên 40 tầng. Đó là kết quả sau 30 năm thay đổi diện mạo đô thị theo chiều cao. Năm 1992 trở về trước, tòa nhà cao nhất Hà Nội là khách sạn Thăng Long cao 11 tầng. Khách sạn nằm giữa khu tập thể Giảng Võ gồm những tòa nhà 5 tầng lắp ghép, bên cạnh hồ nước. Chính tòa nhà này đã được cải tạo với chiều cao mới là 19 tầng với tên gọi khách sạn Hà Nội, tuy nhiên cũng chỉ xếp vào hàng chiều cao trung bình, nếu như không nói là khiêm tốn trong rừng cao ốc của Hà Nội hôm nay.
Quả là một sự thay đổi ngoạn mục trong không gian sống và làm việc của người Hà Nội. Cho đến thời điểm cuối thập niên 1990, những bài hát về Hà Nội được yêu thích vẫn khắc họa khung cảnh “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó” hay “phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu”, cho dù vào chính lúc ấy đã trở thành kỷ niệm. Mặc dù số lượng nhà ở trong các ngõ ngách vẫn chiếm tỷ lệ lớn, song với số tòa nhà cao tầng dùng làm căn hộ mọc lên dày đặc, có thể nói hình thái cư trú đem lại một cảm thức mới về không gian đô thị.
Năm 1962, bài hát Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu) kể về người thợ xây “đứng trên tầng gác thật cao nhìn ra chân trời xa xa”. Tầng gác cao nhất năm ấy chỉ có thể là tầng 4 - 5 của khu tập thể Nguyễn Công Trứ hoặc Kim Liên. “Tầng gác thật cao” đó đã trở thành cảm hứng cho văn nghệ suốt mấy thập niên, và cứ mỗi giai đoạn lại được nhắc nhớ, trở thành một tín hiệu thẩm mỹ cho một Hà Nội “mỗi ngày thêm mới” (lời bài hát Tình yêu Hà Nội của Hoàng Vân).
Cơn hưng phấn “xây cho nhà cao, cao mãi” lôi cuốn nhiều nhạc sĩ. Nhưng dù vậy, chiều cao cho đến năm 1986 vẫn không vượt quá 5 tầng, do năng lực và thiết bị thi công mới chỉ dừng ở mức đó. Sau khi khách sạn Thăng Long được khánh thành, nó đã đi vào trong thi ca: “Đêm êm như trong mơ. Anh bên em như xa/ Mười một tầng cao ánh đèn chớp nhẹ” (Hồ trong phố - Miên Thảo), vài năm sau, tòa cao ốc tiếp theo mọc lên ở một địa điểm nổi tiếng: nhà tù Hỏa Lò. Tổ hợp khách sạn văn phòng tháp đôi Hanoi Tower khánh thành năm 1997 với chiều cao 27 tầng đánh dấu một sự biến đổi trong đường chân trời thành phố. Các tòa tháp mọc lên ngay trung tâm của khu phố Pháp phía nam hồ Gươm bắt đầu khiến cho không gian phố dường như hẹp lại trong tương quan về chiều cao lẫn khối tích. Nối tiếp là các tòa tháp của khách sạn Meliá hay Tungshing Square tạo ra một hệ thống các tòa cao ốc xung quanh trung tâm lịch sử của Hà Nội cũ.
Không cần vận dụng các phép đo, mắt thường người thành phố mỗi ngày cũng có thể thấy sự tranh chấp về chiều cao bắt đầu xảy ra giữa các di tích cũ như tháp Rùa, các tòa nhà biệt thự nhỏ nhắn, với các cao ốc án ngữ tầm nhìn xung quanh. Những bài hát ca ngợi nhà cao tầng cũng không còn xuất hiện.
Sống trong căn hộ thời bây giờ cũng khác cảnh căn hộ chằn chặn mỗi chiều hai mét tám như Phạm Thị Hoài đã tả một cách rất nghiệt trong vài truyện ngắn hay tiểu thuyết của chị, cũng khác với “nhà chật” của Lưu Quang Vũ: "Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo/ Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình".

Căn hộ ngày nay thường được cấu trúc kiểu hai lớp, phòng khách + bếp và các phòng ngủ, cũng như các căn hộ được bố trí thành các đơn nguyên quanh một lõi thang máy, khác với các căn hộ dọc hành lang bên kiểu nhà lắp ghép tấm lớn hoặc đơn nguyên thấp tầng. Căn hộ chung cư mặc dù được dán nhãn cao cấp song cơ bản vẫn là những tổ hợp mặt bằng khép kín, điều mà những căn hộ tập thể Kim Liên hay Nguyễn Công Trứ thập niên 1960 còn chưa làm được. Các khu tập thể - thành quả của những kế hoạch 5 năm lần thứ nhất sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, theo quan niệm “ăn cơm tập thể, nằm giường cá nhân” (Thanh Tịnh) xếp bếp và khu vệ sinh là thuộc khu vực sinh hoạt chung của cả tầng. Qua thời gian, hình thức này hiển nhiên là không phù hợp với nhu cầu của các mô hình gia đình khác nhau.
Căn hộ hiện đại có thể có tới 2 - 3 nhà vệ sinh, cùng những không gian phụ trợ như lôgia hay kho bếp bảo đảm cho việc sắp đặt tiện nghi và đồ dùng tối đa. Các tác giả văn xuôi đương nhiên có đất để đưa vào trong các tác phẩm, như cuốn tiểu thuyết Mười lẻ một đêm của Hồ Anh Thái, một căn hộ trên tầng mười sáu một tòa chung cư đã trở thành nơi vô tình nhốt một đôi tình nhân suốt mười một ngày đêm, để rồi họ có thời gian nghĩ về những mối quan hệ trong cuộc đời đã trải qua.
Những vấn đề của đô thị mới xuất hiện tạo ra lớp hoạt cảnh mới thay cho những câu chuyện ở những ngôi nhà phố thời “ở trong phố có một vườn cây mát” (Lưu Quang Vũ). Sự phi lý của việc mắc kẹt trong những căn hộ hoặc không cần ra khỏi tòa nhà cũng có thể tồn tại được nhiều ngày tháng là một hiện thực của xã hội đô thị kiểu mới. Các hệ thống cung ứng hàng hóa, giao hàng tận cửa căn hộ hay siêu thị ở tầng hầm tòa nhà, thậm chí các hoạt động thể dục, tâm linh, trường học… có thể hoàn toàn trọn vẹn trong cái vỏ kín của cao ốc. Và như cuốn tiểu thuyết hài hước đã gợi ý, căn hộ chung cư có thể là nơi che giấu những dục vọng hoặc tạo ra vẻ “bình thường” cho những hành vi nhạy cảm.
Trên phương diện rộng của những khu chung cư tạo nên khung cảnh các khu đô thị mới, người ta có thể có suy tư về giá trị cộng đồng khi so sánh với khu vực phố cũ. Các khu đô thị mới tràn ngập các hiệu ăn hay quán phở, nhiều khi mang chính những cái tên từ phố cổ về, như phở Lý Quốc Sư hay bún chả Hàng Mành. Có gì đó cho thấy các trung tâm thương mại đóng tại lõi các khu đô thị mới vẫn cần đến một ánh xạ từ không gian văn hóa đô thị truyền thống. Không xa các khu đô thị mới là các khu dân sinh đã có từ trước, ở đấy vẫn duy trì các khu chợ xanh quen thuộc, nơi hoạt động mua bán thường nhật có những khía cạnh quyến rũ mà các siêu thị vẫn chưa thể tước hết.
Đã có nhiều người chất vấn về giá trị văn hóa của những khu đô thị mới, với mong muốn chúng tạo ra các thặng dư tinh thần (mà nhiều khi cũng gián tiếp tạo ra thặng dư bất động sản, góp phần giữ giá nhà đất, điều mà số đông người Việt vẫn quan tâm). Cách đây vài năm, khi được mời tham dự một festival văn học ở Malaysia, tôi đã trải nghiệm việc giao lưu nghệ thuật trong một khu đô thị mới. Có lẽ những không gian cộng đồng nơi chia sẻ các hoạt động sáng tạo hoặc nghệ thuật là một cách tạo ra hồn vía cho các khu vực này. Vào đầu thế kỷ XX, khi người Pháp thiết lập khu phố mới phía Nam hồ Gươm hay phía Tây thành Hà Nội, họ cũng đã bắt đầu với những công trình văn hóa như Nhà hát Lớn, rạp chiếu phim, nhà triển lãm, công viên… Chúng cũng đồng thời là những công trình kiến trúc hay quy hoạch đẹp, để rồi một thế kỷ sau trở thành những điểm nhấn của đô thị di sản. Các khu chung cư nếu thiếu các không gian như vậy, rút cục sẽ chỉ giống các ngõ ngách theo chiều cao trong một rừng bê tông đông đúc...