Đó là ý kiến của các diễn giả tại Tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ngày 27.11.
Vẫn khó trong xử lý rác
Các chuyên gia cho rằng, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải, Nhà nước cần triển khai các chính sách khuyến khích, như ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tái chế tiên tiến, cũng như huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng và các tổ chức xã hội vào việc phân loại rác tại nguồn.
Nước ta hiện đang đối mặt với áp lực lớn về lượng rác thải sinh hoạt ngày càng gia tăng do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay mỗi ngày các đô thị thải ra khoảng 38.000 tấn rác sinh hoạt, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn. Ước tính lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình 10 đến 16% mỗi năm. Ngành công nghiệp mỗi năm thải ra khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 8,1 triệu tấn từ các khu công nghiệp.
Việc thu gom, xử lý rác thải hiện nay đang là một vấn đề nan giải đối với nhiều địa phương. Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga cho biết, những năm qua, qua tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, có nhiều ý kiến phản hồi về tình trạng rác thải đang rất trầm trọng. Ở khu vực nông thôn hiện nay thiếu các phương tiện thu gom và thiếu cơ sở xử lý rác thải, chủ yếu là gom lại một chỗ. Bên cạnh đó, có thực trạng đáng buồn là ở nhiều nơi, địa bàn giáp ranh giữa đơn vị hành chính này với đơn vị hành chính kia lại là nơi đổ rác thải. Các đô thị cũng phải đối mặt với tình trạng rác thải ngày một tăng nhưng khâu thu gom và xử lý rất hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường…
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Ủy viên thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, TS. Hoàng Dương Tùng nêu thực trạng, trước kia, phân loại rác tại nguồn còn mơ hồ, thì bây giờ việc này đã được thực hiện rộng khắp và thường xuyên, liên tục hơn. Hiện nay, lượng rác thải ra môi trường mỗi ngày rất lớn, trong khi chúng ta chưa có nhiều nhà máy với quy mô lớn, hiện đại nhằm xử lý rác theo hướng tuần hoàn. Việc xử lý rác thải quá phức tạp dẫn đến việc nhiều địa phương đốt rác, thay vì tìm cách xử lý để biến rác thành tài nguyên. Trong việc sử dụng công nghệ xử lý, tái chế nhằm biến rác thành tài nguyên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có hướng dẫn về mặt kỹ thuật nhưng các địa phương vẫn khá lúng túng trong thực hiện.
Nhận định về công nghệ xử lý rác tại Việt Nam, Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, xưa nay phương pháp xử lý rác thải chính hiện nay của nước ta là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Một số nơi chế biến phân vi sinh và đốt…, Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập và chưa mang lại nguồn lợi. Trong khi đó, công tác tập kết, trung chuyển, phân loại rác cũng chưa khả thi, gây khó cho việc lựa chọn công nghệ xử lý.
Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý
Theo các chuyên gia, Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua, mang đến những thay đổi quan trọng trong cách thức quản lý và xử lý rác thải tại Việt Nam. Đây không chỉ là một hành động pháp lý đơn thuần, mà còn phản ánh sự cần thiết phải chuyển đổi sang một mô hình phát triển bền vững hơn. Nội dung của luật không chỉ giới hạn ở việc bảo vệ môi trường, mà còn mở ra hướng đi mới cho kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, nhằm thúc đẩy các công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Việc áp dụng luật này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người dân cũng như có tác động tích cực đến môi trường, đồng thời hạn chế việc khai thác, sử dụng tài nguyên hóa thạch như than đá. Tuy nhiên, để thực sự hiện thực hóa những mục tiêu cao cả này, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía, từ nhà nước đến người dân.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Điều quan trọng là chúng ta phải làm như thế nào để có thể thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững.
Thực tế cho thấy, công nghệ xử lý chất thải là một phần quan trọng trong việc bảo đảm rằng quá trình quản lý, thu gom, xử lý rác thải diễn ra một cách hiệu quả nhất. Để thực hiện hiệu quả các vấn đề này cần có công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi địa phương. Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý tiên tiến không chỉ giúp nâng cao hiệu suất xử lý chất thải mà còn góp phần làm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Bên cạnh đó, thực hiện triệt để việc phân loại rác tại nguồn cùng với công nghệ đốt rác hiện đại hay tái chế sử dụng là những giải pháp cần thiết mà chúng ta cần phải ưu tiên. Điều này không chỉ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn tạo ra năng lượng sạch từ chính những chất thải mà chúng ta sản xuất hàng ngày. Như vậy, việc áp dụng công nghệ hiện đại trong xử lý chất thải không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn tạo ra cơ hội mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ mới, hiện đại vào việc xử lý rác thải, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề xuất, ngoài việc hỗ trợ về đất đai, Nhà nước cần có thêm chính sách phù hợp hơn để các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sẵn sàng tái chế rác thải thành sản phẩm phục vụ cho nhu cầu thiết yếu. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường; nâng cao nhận thức, ý thức phân loại rác thải cho người dân, người thu gom và người xử lý.
Ngoài ra, việc có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào công nghệ xử lý, tái chế rác, các chuyên gia cũng cho rằng cần tiếp tục có những chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân về việc phân loại rác, tránh ảnh hưởng đến quy trình tái chế và xử lý rác.