- Ông có thể cho biết những tác động nổi bật của tín dụng chính sách đến đời sống người dân Mộc Châu?
- Thực tế triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã cho thấy, giá trị kinh tế và ý nghĩa xã hội đậm tính nhân văn mà các chương trình này mang lại. Hơn thế, tôi nghĩ, sự tác động của các chương trình tín dụng chính sách đã làm thay đổi cả một hệ tư tưởng của hệ thống chính trị cho đến từng người dân.
Tại Mộc Châu, việc chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng đã giúp cho trên 8.499 lao động có việc làm; 20 học sinh, sinh viên được tiếp tục theo đuổi ở các bậc học cao hơn; 8.218 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được đưa vào sử dụng; 137 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở; đàn trâu, bò tăng lên gần nghìn con; cây ăn quả cũng được trồng mới 1.418ha...
Với phương châm "giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã", chúng tôi đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là vào thời điểm mùa vụ, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho bà con. Bên cạnh đó, việc tập trung cho vay theo đúng chủ trương và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của HĐND và UBND huyện chỉ đạo, đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện chương trình quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định kinh tế, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
- Để duy trì và tiếp tục phát huy những thành quả đạt được, NHCSXH Mộc Châu đã có sự chuẩn bị thế nào?
- Như anh chị đã biết, bên cạnh lợi thế về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao... Mộc Châu cũng đứng trước nhiều thách thức mà lớn nhất là biến đổi khí hậu. Do đó, cùng với địa phương, chúng tôi không dám lơ là với những gì đã đạt được.
Trước hết, chúng tôi thực hiện nghiêm lịch giao dịch cố định hàng tháng tại xã nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và tài sản. Cùng với đó, tiếp tục củng cố hoạt động ủy thác của các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng ưu đãi đến mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng cao hiệu quả giám sát của Nhân dân đối với công tác tín dụng chính sách.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng được Trung ương giao hàng năm và nguồn vốn thu hồi, không để tồn đọng vốn. Đặc biệt, tập trung đôn đốc thu hồi nợ quá hạn, nợ đến hạn, lãi tồn đọng để cho vay quay vòng vốn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động hộ vay vốn gửi tiền tiết kiệm qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn cùng Nhân dân trên địa bàn tham gia gửi tiền tiết kiệm dân cư tại điểm giao dịch xã, phấn đấu hoàn thành kế hoạch do NHCSXH tỉnh giao.
- Và giải pháp triển khai cụ thể là gì, thưa ông?
- Đối với chúng tôi, tuyên truyền luôn được đi trước một bước. Do đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với đài truyền thanh, truyền hình cơ sở phổ biến các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến với Nhân dân, đặc biệt là về Chỉ thị số 39/CT-TW và triển khai rộng rãi việc huy động tiền gửi tiết kiệm qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn theo CV 244/NHCS-TDNN ngày 18.2.2009 của Tổng Giám đốc.
Tuy nhiên, để các chương trình tín dụng chính sách phát huy hết giá trị, chúng tôi luôn mong muốn nhận được sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân. Hàng năm, rất mong UBND huyện ưu tiên dành một phần từ tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách từ 2.000 - 2.500 triệu đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần tăng cường nguồn vốn tín dụng giảm nghèo và giải quyết việc làm cho bà con.
Đối với UBND các xã, tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tại cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước về cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
- Xin cảm ơn ông!