Khi nghị sỹ lên tiếng có nghĩa là một dân tộc này nói với một dân tộc khác
Với cái nhìn của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp và bản lĩnh, PHÓ CHỦ NHIỆM UB ĐỐI NGOẠI NGÔ QUANG XUÂN cho rằng: tính từ sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước thì năm 2010 ghi dấu sự trưởng thành ở tầm cao của ngoại giao Việt Nam, trong đó có ngoại giao nghị viện. Ở phía sau sự trưởng thành và tầm cao của ngoại giao Việt Nam, ngoại giao nghị viện, Ông tâm sự: với ngoại giao, nếu biết cách sẵn sàng đối mặt với thử thách thì cũng phải biết cách tự thầm ăn mừng thành công của mình, nhiều khi không biết hát nhưng cứ tự hát lên. Chiến công của ngoại giao là đem cái lợi về cho đất nước. Khi nghị sỹ lên tiếng có nghĩa là một dân tộc này nói với một dân tộc khác. Điểm đến của ngoại giao nghị viện rất đa dạng và cụ thể. Ngoại giao nghị viện đem lại tác động lớn mà nếu không nhìn ra thì có thể chúng ta sẽ không có đầy đủ cơ hội để phát triển.
![]() Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng viếng Lăng Mahatma Gandhi - Một cử chỉ giao hòa văn hóa Việt - Ấn |
Không có thế, có lực - một mình ngoại giao khó làm nên sự nghiệp lớn
- Thưa Phó chủ nhiệm, với người ngoại đạo thì ngoại giao là một nghề sang trọng… Còn những nhà ngoại giao chuyên nghiệp nhìn mình thế nào?
Ngoại giao là sự nối dài của các sự nghiệp khác. Khi đàm phán ký kết Hiệp định Geneva kết thúc sự đô hộ của thực dân Pháp ở nước ta thì chiến thắng lẫy lừng của chiến dịch Điện Biên Phủ là cơ sở để chúng ta ký kết thành công bản Hiệp định này. Như vậy, chiến trường là quyết định và có sự đóng góp rất lớn của mặt trận ngoại giao. Sau này cũng vậy, để chuẩn bị kết thúc kháng chiến chống Mỹ, mặt trận đàm phán ngoại giao đã được mở ra từ năm 1968 với sự khôn khéo, trí tuệ, bản lĩnh và kỹ năng đàm phán để dẫn dắt các bên đi đến kết quả cuối cùng: ký kết thành công Hiệp định Paris, nhưng kết quả chỉ mỹ mãn khi quân và dân ta đánh thắng giòn giã trận Điện Biên Phủ trên không.
Ngoại giao - đúng là cần sang trọng. Đã đi làm với thiên hạ thì phải ăn mặc lịch sự, đến đàm phán thì phải đeo cravat, không thể tuềnh toàng như đi hội hè hoặc tham gia sự kiện đường phố. Đất nước có nghèo đến mấy thì cơ quan ngoại giao cũng phải có xe sang một chút, cắm cờ phấp phới... Ngoại giao có sự hào hoa, phong nhã, lịch thiệp nhưng đấy chỉ là phương tiện để các nhà ngoại giao thực hiện nhiệm vụ. Đằng sau sự sang trọng đó thì vất vả lắm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng khi làm việc ở những vùng có chiến sự, xung đột...
![]() Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng tại Diễn đàn Chủ tịch QH các nước G20 (bên phải là Phó chủ nhiệm UBĐN Ngô Quang Xuân) |
- Vất vả, nguy hiểm là thế thì nghề ngoại giao có gì quyến rũ?
Giống như người chiến sỹ ngoài mặt trận, để đánh được một trận thì cần nhiều mưu lược. Ngoài những kỹ năng của một người lính thì còn đòi hỏi kinh nghiệm, kiến thức, sự thông minh, linh hoạt để phán đoán, bài binh bố trận nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là chiến thắng. Ngoại giao cũng như vậy. Trong quá trình đàm phán vào WTO, có những đoàn nói rằng, họ có những vạch đỏ không thể vượt qua. Họ nói như thế có nghĩa, ta phải tìm cách để họ vượt qua vạch đỏ, phải tạo cơ hội để hai bên cùng thắng. Trong ngoại giao, dù vấn đề có khó, phức tạp đến bao nhiêu thì yêu cầu đặt ra là: phải đạt đến lợi ích rất cao của mình nhưng phải mở lối đi cho đối tác. Không mở lối đi thì không thể thành công.
Trong quan hệ giữa các nước, những vấn đề liên quan đến an ninh chủ quyền, giải quyết hậu quả chiến tranh, biển đảo, biên giới... thường phức tạp nhất. Nguyên tắc bất di bất dịch của ngoại giao nước ta là phải bảo vệ được chủ quyền, bảo vệ lợi ích quốc gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: dĩ bất biến, ứng vạn biến. Để bảo vệ được nguyên tắc này đòi hỏi mỗi nhà ngoại giao phải mềm dẻo, thông minh, linh hoạt. Linh hoạt không có nghĩa là tùy tiện, sáng tạo không có nghĩa là phá nguyên tắc. Trong mọi trường hợp phải bám chắc nguyên tắc dĩ bất biến. Nhưng, nếu dĩ bất biến mà cứng đờ thì còn nguy hại hơn, thậm chí làm hỏng cả những sự nghiệp lớn của dân tộc. Thật không đơn giản chút nào.
![]() ![]() Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng trước Phiên khai mạc diễn đàn Chủ tịch QH các nước G20 |
- Như thế có thể thấy, vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, ngoại giao chân chính cần những kỹ năng rất đặc biệt?
Để làm ngoại giao chuyên nghiệp và trở thành nhà ngoại giao chân chính thì điều quan trọng là phải được đào tạo, phải có tâm, phải đam mê và không ngừng tiếp thu, tích lũy, học hỏi. Đặc biệt, lợi ích của dân tộc, của đất nước phải thấm vào máu thịt. Phải có cơ sở vững chắc thì thành công của ngoại giao mới lớn, mới gây dựng dấu ấn và tạo bước ngoặt cho sự phát triển của đất nước. Không có thế, có lực thì một mình ngoại giao cũng khó làm nên sự nghiệp lớn nhưng đồng thời, thành công của ngoại giao mở ra một giai đoạn mới cho đất nước. Nói cách khác, ngoại giao giúp chọn một lối đi. Mặt trận ngoại giao suy cho cùng phải được kết hợp một cách nhuần nhuyễn, thông minh, sáng tạo, bản lĩnh với các mặt trận chính trị, quân sự và kinh tế. Mỗi quốc gia đều có đường đi nước bước tổng hợp. Ngoại giao có vị trí quan trọng trong từng đường đi nước bước này.
- Trong ngoại giao, có phải là cần nói để đẹp lòng nhau? Và nếu đúng là nói cho đẹp lòng nhau thì trong những lời nói đó, bao nhiêu phần trăm là sự thật?
100%. Nếu tính phần trăm sự thật và phần trăm sự không thật – thành ra nói dối à? Vấn đề là nói thế nào? Đã làm ngoại giao thì phải tìm cách nói cho đẹp lòng nhau, kể cả những chuyện khó, những chuyện không đi đến thỏa thuận. Khi không đạt được thỏa thuận không có nghĩa là mình quay mặt đi và không gặp lại nhau nữa, chỉ tạm biệt thôi, không cắt đứt quan hệ ngoại giao. Cắt đứt ngoại giao - ứng xử như vậy chỉ là cực chẳng đã, không khôn ngoan. Trong ngoại giao, đấy là những đòn chí mạng.
Tùy mức độ của từng hoạt động ngoại giao nhưng đối với nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trước mỗi cuộc đối thoại, đàm phán đều phải dự phòng một số phương án. Có phương án thể hiện cái chuẩn và sự chuyên nghiệp. Mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ được giao là phần cứng phải đạt được nhưng ngoài ra mỗi nhà ngoại giao phải có phần mềm của mình là các phương án. Cố gắng đạt được phương án cao, tránh phương án thấp. Muốn thế phải chuẩn bị thật tốt, phải lượng được tình hình, dự báo được triển vọng...
![]() Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trong chuyến thăm mở màn cho ngoại giao nghị viện đầu năm 2010 |
Ngoại giao nghị viện đem lại tác động lớn, nếu không nhìn rõ thì có thể sẽ không có đầy đủ cơ hội để phát triển
- Từng là Đại sứ Việt Nam tại các tổ chức lớn trên thế giới như WTO, Liên Hiệp Quốc… và bây giờ là Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH, Phó chủ nhiệm có thấy gì khác biệt giữa ngoại giao của cơ quan hành pháp và ngoại giao nghị viện không?
Điểm chung là ngoại giao Nhà nước, còn gọi là ngoại giao Chính phủ, ngoại giao nghị viện hay ngoại giao nhân dân thì cũng đều dựa trên một nền tảng chung là đường lối đối ngoại của Đảng đề ra, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Nhưng sự vận dụng và nội dung, tính chất hoạt động của từng mặt trận có khác nhau. Ngay ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, thì diễn đàn của ASEAN khác với diễn đàn AIPA; diễn đàn của APEC khác với diễn đàn của APPF (Liên minh Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương).
Theo tôi, khả năng tiếp cận các đối tác của ngoại giao nghị viện dễ hơn so với ngoại giao chính thống, hay còn gọi là ngoại giao Chính phủ, và cũng có những mặt thuận hơn so với ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nghị viện do các nghị sỹ tiến hành. Ở bất kỳ quốc gia nào, nghị sỹ đều là đại biểu của dân, do dân bầu. Khi nghị sỹ lên tiếng thì động lực của họ là một cộng đồng dân cư này nói với cộng đồng dân cư khác, một dân tộc này với một dân tộc khác mà nghị sỹ là người đại diện.
Đối với các nhà ngoại giao chuyên nghiệp, khi tiếp cận với họ trên cương vị Đại sứ, tôi nhận thấy, độ thoải mái không như làm ngoại giao nghị viện bây giờ. Ví dụ đối với các nhà ngoại giao của Pháp, nếu không có quan hệ cá nhân thì anh rất khó làm việc. Với các nghị sỹ làm ngoại giao, mình có thể bớt được sự vòng vo, dễ đề cập thẳng vào vấn đề hơn, nhất là những vấn đề nhạy cảm liên quan đến dân chủ, nhân quyền...
-
Trong ngoại giao nghị viện có cần cá tính không?
Ứng vạn biến chính là cá tính của mỗi nhà ngoại giao, mỗi kênh ngoại giao. Sự bình tĩnh, chân thành, hợp tác rất cần. Nhưng, tôi cũng gặp những nhà ngoại giao nóng tính, cũng có người khệnh khạng... rất đa dạng về tính cách. Theo tôi, làm ngoại giao nên mềm mỏng, bình tĩnh, không tự cao tự đại; tôn trọng đối tác và có sự tâm huyết với nghề; chấp nhận vất vả, hy sinh, đủ can đảm để nhận trọng trách; sai thì phải biết đường để sửa.
![]() Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng với Chủ tịch QH các nước G20 tại Canada |
- Niềm vui của một nhà ngoại giao nói chung và một nghị sỹ làm ngoại giao nói riêng là gì?
Phải biết cách sẵn sàng đối mặt và nhiều khi cũng phải tự thầm ăn mừng với thành công của mình vì nếu nói ra thì thành ra không khiêm tốn. Nhiều khi không biết hát nhưng cứ tự hát lên. Rất vui. Cái được trong nghề ngoại giao là được cho đất nước và dân tộc mình. Nhưng ngược lại, trong cuộc đàm phán, khi nhận được chỉ thị rồi, có mục đích tối thiểu, tối đa rồi nhưng nếu không đạt được thì cũng rất buồn. Phải tự kiểm điểm xem lại mình đã sơ suất ở đâu, tại sao lại không thành công... Đấy chính là những trải nghiệm về nghề để mình tự lớn lên.
Trong ngoại giao, nhất là ngoại giao nghị viện, có biện pháp khá quan trọng: nếu khác biệt thì đối thoại. Chỉ đối thoại mới giúp các bên giải quyết bất đồng, làm giá trị của các điểm đồng tăng lên. Đối thoại trên tinh thần cầu thị, lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau. Năm 2010, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA... Việt Nam đã tổ chức hàng trăm cuộc họp, với sự tham gia của nhiều nước lớn trong khu vực và thế giới. Kết quả các cuộc họp này chứng minh rất rõ hiệu quả của đối thoại. Lợi ích của hầu hết các quốc gia thành viên, các nước đối tác đối thoại... đều có trong kết luận của các phiên họp.
Ngoại giao nghị viện, trong đối thoại và trong các hoạt động mang tầm vĩ mô, đã tác động đến sự liên kết, hội nhập của khu vực và thế giới. Qua hoạt động ngoại giao nghị viện ở AIPA, IPU, APPF, APF (Liên minh Nghị viện Pháp ngữ) ... chúng ta đã thể hiện được vị thế của QH Việt Nam, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngoại giao nghị viện. Khó có thể định lượng, tính thành tiền, thành gạo nhưng ngoại giao nghị viện đem lại tác động lớn mà nếu không nhìn ra thì có thể chúng ta sẽ không có đầy đủ cơ hội để phát triển. Chúng ta đã nhìn ra tầm quan trọng của ngoại giao nghị viện nên đã cố gắng đầu tư công sức, tiền của để hình thành chính sách nhất quán, tương đối tổng hợp về ngoại giao nghị viện.
- Có điểm gì thú vị trong hoạt động ngoại giao nghị viện, thưa Phó chủ nhiệm?
Trong ngoại giao nghị viện cũng có ngoại giao đa phương và ngoại giao song phương. Trong ngoại giao song phương, quan hệ giữa các nghị sỹ khá gần gũi, thân thiết nhưng, chỉ dễ về cách tiếp cận thôi. Còn ngoại giao nghị viện cũng như ngoại giao Nhà nước nói chung - rất nhạy cảm và phức tạp. Đương nhiên, đã làm ngoại giao thì đều cần quan hệ cá nhân nhưng giữa các nhà ngoại giao chuyên nghiệp vẫn nên cần có khoảng cách. Điểm đến của ngoại giao nghị viện rất đa dạng và cụ thể, tác động khá rõ lên quan hệ hợp tác giữa hai nước trong từng lĩnh vực cụ thể.
So với ngoại giao nghị viện song phương, tôi thấy ngoại giao đa phương khó hơn. Trong ngoại giao Chính phủ cũng vậy, hoạt động tại các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc khó hơn các hoạt động ngoại giao ở Thủ đô, kể cả Thủ đô ở các nước lớn. Vì ngoại giao đa phương có sức ép rất lớn, nhiều khi đặt ra những yêu cầu vượt trên khả năng, hiểu biết và kinh nghiệm của mỗi nhà ngoại giao. Để thể hiện được màu cờ sắc áo của đất nước, lợi ích của quốc gia, tôi đều cảm thấy sự thách thức khi tham gia các hoạt động ngoại giao đa phương. Để phấn đấu ngang cơ được với tầm cỡ thế giới, thực sự mình phải quyết liệt vươn lên thì mới có thể đi đến thành công.
- Thưa Phó chủ nhiệm, năm 2010 được đánh giá là năm thành công rực rỡ của ngoại giao Việt Nam, trong đó có ngoại giao nghị viện mà đỉnh cao là QH Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA – 31. Dưới góc nhìn của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, Phó chủ nhiệm nói gì về kết quả này?
Có hai yếu tố quan trọng:
Thứ nhất, Việt Nam đã có một chỗ đứng rất vững trong khu vực và quốc tế, thể hiện ở những chuỗi thành công trên nhiều lĩnh vực của nước ta. Tiếp xúc với bạn bè quốc tế, đúng là hầu như không nước nào không khen Việt Nam. Liên Hiệp Quốc thường xuyên nhắc tới nhiều thành công của Việt Nam. Tổ chức Thương mại thế giới cũng vậy.
Thứ hai, là vị thế ngày càng chắc chắn của ASEAN trong khu vực và trên thế giới. Điều này được các nước lớn thừa nhận. Dù đã có cộng đồng Đông Á hay có nhiều hoạt động trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhưng người ta vẫn mong muốn và khẳng định vị thế nòng cốt của ASEAN.
Hai yếu tố cơ bản nêu trên đã góp phần tạo cho Việt Nam những điều kiện vô cùng thuận lợi trong năm làm Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Tôi gọi đó là thiên thời, địa lợi. Tất nhiên, có tận dụng được cơ hội này hay không thì lại phụ thuộc vào khả năng chúng ta làm Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA. Từ kết quả đạt được, có thể nói năm 2010, chúng ta có tương đối đầy đủ cả ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Nếu tính từ sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước thì năm 2010 đánh dấu sự trưởng thành ở tầm cao của ngoại giao Việt Nam. Nó tổng hợp những thành công rất lớn mà đỉnh cao là chúng ta đảm nhiệm thành công chức Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA. Điều này thể hiện khả năng nắm bắt và tận dụng cơ hội của chúng ta; hài hòa, làm cho thành công của ngoại giao Việt Nam mang tầm vóc thời đại.
Các nước thành viên của khu vực cũng như thế giới chờ đợi và mong muốn Việt Nam tiếp tục vai trò, vị trí ngày càng cao của mình, đóng góp nhiều hơn cho các giải pháp hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Tôi nghĩ, chúng ta nên có niềm tin, mạnh dạn và chủ động hơn trong việc tìm kiếm các giải pháp cho khu vực và thế giới, đặc biệt là tạo được môi trường hòa bình, ổn định thực sự cho mình.
Đóng góp vào thành công của Việt Nam trong năm qua, có những điểm rất cụ thể, cả chủ quan và khách quan, với những con người cụ thể có kỹ năng và kinh nghiệm. Việt Nam luôn thể hiện tinh thần xây dựng, nhiệt tình, thật tâm; yêu hòa bình, đoàn kết.
“Bắt tay” và “ăn sáng”
- Hoạt động cụ thể nào được coi là quan trọng trong ngoại giao, thưa Phó chủ nhiệm?
Gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao là quan trọng nhất. Đây là thông lệ quốc tế. Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch QH, các Phó chủ tịch QH trong năm 2010 vừa qua mang ý nghĩa chỉ đạo, ý nghĩa quyết định đối với thành công của ngoại giao nghị viện Việt Nam.
- Bằng con mắt chuyên nghiệp của nhà ngoại giao, Phó chủ nhiệm có ấn tượng nào khi tham dự các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao không?
Năm qua, trong ngoại giao nghị viện về đa phương, có hai hoạt động có ý nghĩa lớn. Thứ nhất là với tư cách Chủ tịch AIPA tham gia Hội nghị G20 đã thể hiện được tư thế và trình độ, cái uy và vị thế của QH ta, Chủ tịch QH ta. Hội nghị tham vấn cấp Chủ tịch Thượng viện/Chủ tịch QH G20 là một cơ chế rất quan trọng của các nước lớn nhất, của các nước phát triển và các nước đang nổi lên, QH ta có mặt thể hiện được tư thế, tầm cao của mình và được quốc tế công nhận. Thứ hai là cuộc đối thoại của Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng tại EU và thay mặt Chủ tịch QH dự Hội nghị Thượng đỉnh nghị viện toàn cầu lần thứ ba của Liên minh Nghị viện thế giới tại Thụy Sỹ.
Tại G20, tôi ấn tượng trước cử chỉ ngoại giao của Chủ tịch QH mình. Chủ tịch mình là khách mời, không phải là thành viên chính thức của G20. Nhưng khi đến G20, Chủ tịch QH đi bắt tay tất cả các trưởng đoàn, chào và thăm hỏi họ. Tại Hội nghị thượng đỉnh, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng cùng ăn sáng với Đoàn Trung Quốc.
- Ấn tượng – không phải là những gì quá to hoặc quá lớn. Ở đây, Phó chủ nhiệm ấn tượng với cử chỉ ngoại giao. Tại sao lại như vậy?
Đây là những cử chỉ thể hiện tình hữu nghị, sự hòa hiếu, phong thái ngoại giao hòa bình của QH ta. Nhất là khi thể hiện qua các nhà lãnh đạo thì ý nghĩa rất lớn và có tầm quan trọng. Những cử chỉ, động tác đó rất cụ thể nhưng không thể nói là nhỏ, vì nó gây được cái thiện cảm và sự quý mến của các vị lãnh đạo QH các nước. Tại Hội nghị tham vấn G20 ở Canada, khi QH mình bày tỏ sự tôn trọng bạn bè, thì bạn bè và nước chủ nhà đánh giá cao vai trò của QH ta, của đất nước ta.
- Dư luận cho rằng, một trong những dấu ấn đáng ghi nhận tại AIPA 31 là nước chủ nhà Việt Nam đã có công lớn trong việc giúp Nghị viện Ấn Độ trở thành quan sát viên của AIPA. Điều đó có đúng không?
Trong nền ngoại giao của mình, chúng ta không chủ trương lấy một lực lượng này để đối trọng tương quan với lực lượng khác. Tuy nhiên, rõ ràng mình cần sự cân bằng trong các mối quan hệ. Đây là điều rất thiết thực, nhất là mình là một nước nhỏ trong quan hệ với các nước lớn thì nếu cân bằng và lợi ích đan xen được thì đấy là điều nên làm, nó sẽ tạo môi trường an toàn, hòa bình cho mình. Việc Nghị viện Ấn Độ trở thành Quan sát viên của AIPA thể hiện rất rõ yếu tố này, không đơn thuần là AIPA thêm một Quan sát viên. Làm cho ASEAN và AIPA mạnh lên. Ấn Độ là nước lớn, cường quốc hạt nhân, sự trỗi dậy của Ấn Độ rất mạnh mẽ. Nếu ASEAN, AIPA kết hợp được với Ấn Độ thì sức mạnh của khu vực sẽ lớn hơn; đồng thời mở ra nhiều triển vọng hợp tác cho hòa bình, ổn định khu vực. Và với tư cách là Quan sát viên của AIPA, chắc chắn Nghị viện Ấn Độ với tư thế, uy tín của mình, sẽ có đóng góp xứng đáng làm cho quan hệ đối tác giữa Ấn Độ với ASEAN, Ấn Độ với AIPA và Ấn Độ với Việt Nam mang tầm chiến lược lâu dài hơn.
Kết nạp Nghị viện Ấn Độ là Quan sát viên của AIPA là một trong những thành công lớn của Việt Nam.
- Với rất nhiều sự kiện và thành công của ngoại giao của Việt Nam như vậy, theo Phó chủ nhiệm cá tính của ngoại giao Việt Nam, ngoại giao nghị viện Việt Nam là gì?
Là sự mềm dẻo, giữ nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo.
- Phó chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về triển vọng của ngoại giao Việt Nam năm 2011?
Những gì xây dựng được là vững vàng, gây dựng được uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng ta tiếp tục đường lối đa phương hóa, đa dạng hóa... Nền tảng đã có, theo xu hướng phải thành công hơn. Tôi tin Việt Nam sẽ làm được và tiến xa.
- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!