Khi ngành nhân văn “bắt tay” công nghệ

Nhân văn số phát triển có thể đóng góp tích cực cho bảo tồn di sản, quảng bá văn hóa; đồng thời có khả năng lưu trữ, kết nối nhiều nguồn tài nguyên cũng như các nhà khoa học. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực khá mới tại Việt Nam.

Quảng bá, phát huy giá trị di sản

Tại Diễn đàn quốc tế Franconomics-2023 với chủ đề “Nhân văn số: Cơ hội và thách thức trong quá trình chuyển đổi số”, diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, việc ứng dụng kỹ thuật số, khoa học máy tính vào quá trình nghiên cứu, quản lý, lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ… ngày càng quan trọng trong một xã hội văn minh và tiến bộ. Nhân văn số ra đời giúp kết nối các nhà nghiên cứu thông qua ứng dụng công nghệ mới vào các ngành khoa học nhân văn, gìn giữ tư liệu, bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử, di sản, ngôn ngữ, phát huy giá trị các nền văn minh và xa hơn nữa là khả năng bồi dưỡng tiềm năng con người, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nhân loại trong tương lai.

Việc ứng dụng các thành tựu kỹ thuật số và khoa học máy tính vào nghiên cứu các ngành nhân văn đang trở nên cần thiết và quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhân văn số là một lĩnh vực nghiên cứu còn khá mới mẻ.

Nhân văn số có thể đóng góp cho bảo tồn di sản, quảng bá văn hóa - Nguồn: Báo ảnh Việt Nam
Nhân văn số có thể đóng góp cho bảo tồn di sản, quảng bá văn hóa. Nguồn: Báo ảnh Việt Nam

Ông Emmanuel Cerise, Trưởng đại diện Vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ Hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam (PRX-Vietnam) cho rằng, nhờ có công nghệ, số hóa di sản được đẩy mạnh, là công cụ mới tăng cường hiểu biết của con người về di sản, vinh danh, giới thiệu di sản rộng rãi hơn. Điều này đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia. Chẳng hạn, Nhà thờ Đức Bà Paris từ năm 2010 - 2016 đã được số hóa và chính nhờ bản số này đã giúp phục dựng di sản sau vụ hỏa hoạn năm 2019.

Ở Việt Nam, nhờ ứng dụng công nghệ, những hiện vật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long đã được phục dựng. Thực tế ảo và thực tế tăng cường cũng đã được áp dụng đưa tới cho công chúng hình ảnh phỏng dựng công trình kiến trúc nổi tiếng trong quá khứ như chùa Một Cột - Diên Hựu, đài đèn và Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý... Ông Emmanuel Cerise cho rằng, đây là những kỹ thuật có thể rất hữu ích ở Việt Nam, và có thể ứng dụng tại nhiều địa phương như Quảng Trị, Điện Biên Phủ… - nơi từng diễn ra những sự kiện lớn để mọi người thấy lịch sử như thế nào. Công nghệ số cũng giúp tăng cường, khôi phục giá trị di sản, giúp thu hút khách du lịch, thêm thông tin trong lĩnh vực bảo tàng và danh thắng, đặc biệt là với quốc gia nhiều di sản như Việt Nam.

Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, lưu trữ Việt Nam và Pháp đã bắt tay đưa khối tài liệu lưu trữ được hình thành ở Việt Nam trước đây (từng bị chia cắt lưu giữ tại hai nước), thành khối tài liệu chung trên nền tảng số. Cũng trong quá trình chuyển đổi số về thông tin ở Việt Nam, dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) có chương về lưu trữ tài liệu điện tử. Với khối tài liệu lưu trữ, thông tin chính thống của Nhà nước ít nhất từ thế kỷ XIV trở lại đây, khi được chuyển sang dạng số, cung cấp công cụ, hành lang pháp lý quan trọng để chuyển thành thông tin có giá trị, ý nghĩa với đời sống hiện tại, giúp phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ tốt hơn cho cuộc sống hiện tại...

Không chỉ là số hóa

Nhân văn số có nhiều ưu điểm và lợi ích khi áp dụng, như hỗ trợ quảng bá văn hóa; khả năng lưu trữ, kết nối nhiều nguồn tài nguyên cũng như các nhà khoa học. Từ đó, sức lan tỏa của các ngành nhân văn trở nên mạnh mẽ và rộng lớn hơn.

Tuy nhiên, một số hạn chế trong lĩnh vực này cũng được kể tới như sự mất mát dữ liệu trong quá trình chuyển đổi, vấn đề đạo đức trong sử dụng dữ liệu, việc duy trì, bảo tồn các nguồn lực và dự án, thay đổi tư duy, nhận thức… Sự phát triển của trí thông minh nhân tạo đặt ra những câu hỏi cần sự giải đáp của các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nhằm bảo đảm tiến bộ khoa học đi cùng tính nhân bản. Để tận dụng tốt nhất tiến bộ công nghệ do cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 mang lại, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa khoa học xã hội và nhân văn với các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ.

Theo TS. Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, ở Việt Nam hiện nay, nhân văn số đã bước đầu được phát triển, nhưng được hiểu nhiều hơn ở khía cạnh vực số hóa thay vì khoa học nhân văn số mà thế giới đang quan niệm. Công tác số hóa được xử lý nhiều, tuy nhiên, việc kết hợp công nghệ máy tính với nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn và đem lại trải nghiệm nhân văn số cho công chúng còn hạn chế. Trên thế giới, khoa học nhân văn số đã có lịch sử từ những năm 1940 - 1950 và có nhiều trung tâm nghiên cứu ở Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc… Ở đó họ huy động các bộ dữ liệu lớn về nhân văn, kết hợp với các nhà khoa học - công nghệ để giải quyết những vấn đề nghiên cứu về ngôn ngữ học, văn học, lịch sử...

“Nhân văn số cần nguồn nhân lực mang tính liên ngành, vừa có nhóm công nghệ vừa có nhóm nhân văn, và cần có các nhóm liên kết được với nhau, có cùng ngôn ngữ, cách thức làm việc. Hạ tầng nhân văn số cũng cần bảo đảm và tiếp cận được kho tài nguyên, kho tư liệu lớn như kho lưu trữ, bảo tàng, thư viện. Trong quá trình hướng dẫn sinh viên làm các dự án ở Việt Nam, chúng tôi thấy rằng việc tiếp cận dữ liệu lớn rất khó khăn. Làm sao để các cơ quan nghiên cứu có đủ dữ liệu, kể cả đã số hóa, chia sẻ cho chúng tôi sử dụng, nghiên cứu và tạo ra các bộ dữ liệu mới, với các tính năng mới như text coding, mapping, visualizing data, networking… Cuối cùng, quan tâm tới vấn đề bản quyền để có thể công bố tới công chúng” - TS. Lư Thị Thanh Lê nói.

Bên cạnh đó, hiện nay khó thu hút người giỏi công nghệ theo ngành nhân văn số, vì họ được thu hút vào các ngành khác có thu nhập cao hơn. Trong khi đó, nhân văn số thường phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, cho các dự án hỗ trợ cộng đồng. Đồng thời, do các nguồn đào tạo về chuyên môn, về nhân văn số rất hạn chế, do đó, hình dung và thiết kế về các dự án nhân văn số rất khó khăn... Đây là những thách thức cần giải quyết để phát triển nhân văn số tại Việt Nam thời gian tới.

Văn hóa

Giải đua tỉnh Sóc Trăng 2024 có 60 đội ghe ngo
Văn hóa - Thể thao

Sôi nổi và đầy bản sắc giải đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng 2024

Ngày 14.11, tại tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra khai mạc giải đua ghe Ngo nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VI và Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch Sóc Trăng lần thứ I – năm 2024 với chủ đề “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc, Hội nhập và phát triển”.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chứt gắn với phát triển du lịch
Văn hóa

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chứt gắn với phát triển du lịch

Sáng 13.11, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đã tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình gắn với phát triển du lịch”.

Đồng đầu tư Concert Anh trai vượt ngàn chông gai D2, Techcombank công bố thể lệ săn vé hấp dẫn
Văn hóa

Đồng đầu tư Concert Anh trai vượt ngàn chông gai D2, Techcombank công bố thể lệ săn vé hấp dẫn

Concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024 D2 sẽ chính thức diễn ra vào ngày 14.12.2024 tại Vinhomes Ocean Park 3 (huyện Văn Giang & Văn Lâm, Hưng Yên). Đây là một trong những concert có quy mô lớn và được theo dõi nhất dịp cuối năm này. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) chính thức trở thành Nhà Đồng Đầu Tư tiếp tục song hành cùng chương trình.

Không "đóng khung" khi tìm về văn hóa truyền thống
Văn hóa - Thể thao

Không "đóng khung" khi tìm về văn hóa truyền thống

Giới trẻ Việt Nam ngày càng tích cực tìm về chất liệu dân gian, tạo nên một làn sóng sáng tạo đầy màu sắc; trong quá trình ấy, việc hiểu những yếu tố cốt lõi của văn hóa dân tộc là cần thiết, từ đó sáng tạo để thể hiện được tinh thần truyền thống theo góc nhìn đương đại.