Xem - Nghe - Đọc

Khi kiến trúc phụng sự điện ảnh

- Chủ Nhật, 24/10/2021, 06:51 - Chia sẻ
Tổ hợp nhà ở xã hội Lai Tak Tsuen được sử dụng cho bối cảnh viễn tưởng của "Ghost in the Shell" âu cũng là hợp lý bởi vì bình thường, ai người ta vẽ ra một thứ đánh đố như vậy! Cái hay của nó chính là ở đó.

Đồ án Tổ hợp nhà ở Xã hội Lai Tak Tsuen tại Hong Kong xuất hiện trong phim "Ghost in the Shell" (2017) với sự tham gia của ngôi sao Scarlett Johansson.

Bộ phim mô tả một xã hội khoa học giả tưởng theo lối ''khủng hoảng siêu cấu trúc'' (post-megastructure). Ở đó, thành phố phát triển theo chiều đứng với tầng tầng lớp lớp hạ tầng đô thị, đường mega-subway cho các thiết bị bay chạy len lỏi giữa các tòa nhà cao tầng và công trình di sản... Càng đi sâu xuống dưới, mặt đất càng tăm tối, hỗn loạn và ẩm ướt. Đặc trưng của bối cảnh này là luôn luôn có mưa nhỏ ở tầng đáy của đô thị. Lượng mưa này có thể là hơi ẩm thoát ra từ các khối thông gió cưỡng bức của nhà cao tầng, hoặc nó chỉ đơn giản là luôn luôn mưa để tạo nên cảm giác ô nhiễm mà thôi (vì ở khối cao tầng lại hiếm khi thấy có cảnh mưa). 

Về chất lượng cuộc sống và thành phần dân cư, ở motif xã hội trên bờ vực sụp đổ của một quần thể kiến trúc thì tầng lớp đáy xã hội sống ở bên dưới và càng giàu có thì càng lên trên. Nhân vật Major của chúng ta dường như có xuất thân từ khoảng giữa của siêu cấu trúc này, đó chính là khi mà khu tổ hợp nhà ở xã hội Lai Tak Tsuen xuất hiện. 

Như chúng ta đã biết, nó là một trong những biểu tượng của Ban quản lý nhà ở Hong Kong. Được thiết kế và xây dựng trong thập niên 1970, Lai Tak Tsuen nổi bật với tổ hợp 4 cái ''giếng'' theo đúng nghĩa, chứa hơn 2.600 đơn vị ở (Dwelling Unit). Nó được sử dụng cho bối cảnh viễn tưởng của "Ghost in the Shell" âu cũng là hợp lý bởi vì bình thường, ai người ta vẽ ra một thứ đánh đố như vậy. Cái hay của nó chính là ở đó. 

Mỗi tổ hợp tháp của Lai Tak Tsuen có 2 tháp dính vào nhau với một đoạn đường link ở giữa (chứa thang máy và thang bộ), sau đó hành lang được nối thẳng vào 2 hành lang biên hình tròn chạy vòng quanh và các căn hộ cho thuê được xếp dẻ quạt ra phía ngoài. Việc dồn hành lang ra phía sau này giúp cho các căn hộ ở phía trước có thêm chiếu sáng và thông gió tự nhiên (điều mà hiển nhiên là tổ hợp chữ T hay H đều có thể làm được nhưng biết làm sao khi kiến trúc sư thích vẽ hình tròn). 

Một điểm thú vị trong căn hộ điển hình tại đây đó chính là khu vực sát mặt tiền được dùng làm bếp và nhà vệ sinh. Đây là điều đã đưa thực hành của HDB Hong Kong và HDB Singapore lên một tầm cao những năm trước đây. Nó giải quyết thông gió cho căn hộ loại nhỏ. Điều này nghe có vẻ phi lý ở thời điểm hiện tại, nhưng khi ấy là một cuộc cách mạng. 

Trong đoạn mà Major đến thăm Lai Tak Tsuen, chúng ta có thể để ý thấy cảnh bà mẹ của Mokoto đang đun nước ở một cái chỗ nhìn như là ban công, thì đấy chính là chỗ mà tôi nhắc tới ở phía trên. Vì thế, khu vực phòng ngủ và sinh hoạt (rất nhỏ) bị đẩy về phía sau. Ở đó nó có một vách ngăn với bếp và một tấm liếp (perforated panel) ngăn ra một căn phòng nữa là phòng của Mokoto khi còn sống. Đây là một thước phim gây xúc động, không chỉ ở câu chuyện của nó mà còn ở âm hưởng kiến trúc bên trong phòng. Ánh sáng lọt vào căn hộ qua các lớp lang tạo nên bầu không khí vừa Á đông mà lại vừa có cái dáng vẻ của một xã hội trên bờ vực suy vong. 

Đoạn Major đi trên hành lang tròn cũng là một đoạn hay, nó là biểu hiện của luân hồi phương Đông, nơi mà bản thân kiếp sống của Major và Makoto là một minh chứng. Đó là đỉnh cao trong ẩn dụ của Lai Tak Tsuen mà tiếc thay, những ai không biết về tòa nhà này sẽ không bao giờ hiểu nổi. 

Về mặt chính sách, Lai Tak Tsuen là minh chứng cho mục tiêu ''rental housing - nhà cho thuê'' của HDB Hongkong: Nhiều hơn, cao hơn, nhỏ hơn và rẻ hơn. Nó phần nào định nghĩa nên bộ mặt đô thị của thành phố này trong một nửa thế kỷ tiếp theo. Công trình đã giành được các giải thưởng kiến trúc danh giá khi khánh thành, là một biểu tượng về cả vẻ đẹp lẫn sự quái đản trong kiến trúc nhà ở xã hội tại châu Á. Những giếng sáng của Lai Tak Tsuen khi ra đời được gọi là nơi cung cấp thông gió tự nhiên nhưng trên thực tế, khái niệm ấy ai cũng biết là chỉ để cho vui mà thôi. Vẻ đẹp của nó cũng giống như vẻ đẹp của Mokoto và Major, là sự vật vã để vươn lên trong những bối cảnh không tưởng - mà ở đó thì sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Đó chính là tính biểu tượng của 4 cái giếng ấy, tăm tối nhưng câu chuyện của nó tỏa sáng trong bóng đêm. 

Tóm lại, Lai Tak Tsuen, cùng giống như Capsule Tower của Kurokawa là những loại công trình mà ngay khi xây lên đã được coi là tượng đài, trở thành di sản trong một đêm. Nó phản chiếu bối cảnh xã hội tại các đất nước ấy và nó đã giải quyết được những nhu cầu bức thiết của xã hội trong những năm tháng ấy. Một đồ án đẹp theo mọi cách nhìn. Kể cả những sai lầm của nó, cũng được xem là những sai lầm đẹp.

KTS Lê Quang (từ Berlin)