Khi không còn HĐND cấp huyện

Lê Thị Dung
Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nam Định
18/12/2009 00:00

Nam Định được chọn thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường theo Nghị quyết của Quốc hội. Thời gian qua, HĐND tỉnh đã chủ động, linh hoạt giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, thực tế đã nảy sinh rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có giải pháp tháo gỡ.

Thực hiện Nghị quyết của QH, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn để HĐND các huyện, phường tổ chức tổng kết nhiệm kỳ; phối hợp với UBND tỉnh tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo việc sắp xếp, bố trí, giải quyết chế độ chính sách đối với Thường trực HĐND các huyện, phường bảo đảm đúng quy định của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn và phát huy được khả năng chuyên môn của cán bộ. Đảng đoàn HĐND tỉnh có văn bản đề nghị Ban thường vụ các huyện tập trung lãnh đạo UBND huyện, Đảng ủy các xã, thị trấn tạo điều kiện cho HĐND các xã, thị trấn hoạt động và giữ mối liên hệ thường xuyên với HĐND tỉnh và UBND huyện. Thường trực HĐND tỉnh cũng tổ chức hội nghị hướng dẫn hoạt động cho Thường trực HĐND hơn 200 xã, thị trấn nhằm quán triệt những nhiệm vụ, quyền hạn mới của HĐND tỉnh khi không tổ chức HĐND huyện; thống nhất chế độ thông tin, báo cáo giữa Thường trực HĐND xã, thị trấn với Thường trực HĐND tỉnh nhằm giúp HĐND các xã, thị trấn nâng cao kỹ năng hoạt động.

Chuẩn bị kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh- kỳ họp đầu tiên thí điểm không tổ chức HĐND huyện, phường. Để hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục phát huy hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ cùng cấp và tổ đại biểu HĐND tỉnh tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri trước kỳ họp. Các Ban của HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát trực tiếp tại UBND, TAND, VKSND một số huyện; những huyện không trực tiếp giám sát thì yêu cầu gửi báo cáo để xem xét. Tại kỳ họp, HĐND tỉnh đã bầu 168 vị Hội thẩm nhân dân; phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước của 9 huyện. Thường trực, lãnh đạo các ban HĐND tập trung dự kỳ họp HĐND các xã, thị trấn để nắm bắt tình hình hoạt động... Đặc biệt, để giúp HĐND cấp xã khắc phục hạn chế trong hoạt động giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tập huấn cho Phó chủ tịch HĐND các xã, thị trấn về kỹ năng cơ bản trong giám sát việc thực thi pháp luật, giám sát lĩnh vực kinh tế-ngân sách, việc thực hiện các nhiệm vụ văn hóa-xã hội… Các chuyên đề này đều do Thường trực, lãnh đạo các ban HĐND chắt lọc từ kinh nghiệm thực tế hoạt động, biên soạn tài liệu và trực tiếp trình bày, trao đổi và giải đáp thắc mắc cho học viên, đem lại hiệu quả rất thiết thực.

Tuy nhiên, khi không có HĐND huyện thì hoạt động của HĐND tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây, Tổ đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Thường trực HĐND và Ủy ban MTTQ huyện tổ chức cho đại biểu tiếp xúc cử tri, nhiều Tổ đã bố trí cho đại biểu tiếp xúc cùng với đại biểu HĐND huyện, vì vậy địa bàn tiếp xúc rộng hơn; ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của tỉnh, huyện được đại biểu HĐND hai cấp làm rõ, hoặc tiếp thu để tổng hợp gửi về Thường trực HĐND, yêu cầu UBND và các ngành chức năng giải trình tại kỳ họp. Kỳ họp thứ 12 vừa qua, do không còn phối hợp với tổ đại biểu HĐND huyện nên số điểm tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh giảm 50% so với kỳ họp trước; ý kiến kiến nghị của cử tri không đa dạng và toàn diện. Mặt khác, những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của huyện không được làm rõ, vì đa số đại biểu HĐND tỉnh không phải là lãnh đạo địa phương, ít am hiểu tình hình địa phương. 

Không còn HĐND cấp huyện, nhiệm vụ giám sát hoạt động của UBND, TAND, VKSND huyện thuộc về HĐND tỉnh, cụ thể là trách nhiệm của Thường trực, các ban, tổ đại biểu và của từng đại biểu HĐND tỉnh. Giám sát đòi hỏi phải sâu, rộng và thường xuyên để có những nhận định, đánh giá cụ thể đối với công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện niệm vụ của UBND, TAND, VKSND các huyện. Báo cáo hoạt động của HĐND, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND trình tại kỳ họp cũng phải có những nội dung đánh giá riêng về công tác này; những kiến nghị sau giám sát cũng phải hướng tới hoạt động của UBND, TAND, VKSND các huyện và theo dõi, đôn đốc các đối tượng này xử lý. Tại kỳ họp, các đại biểu phải thực hiện thêm nhiệm vụ giám sát hoạt động của UBND, TAND, VKSND các huyện và thực hiện quyền chất vấn chủ tịch UBND, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của UBND, Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND các huyện. Trong điều kiện hiện nay, khi hầu hết đại biểu HĐND tỉnh, kể cả thành viên các ban đều hoạt động kiêm nhiệm, thì trước mỗi kỳ họp việc tổ chức giám sát trực tiếp tại UBND, VKSND, TAND của tỉnh và cả 9 huyện 1 thành phố là rất khó khăn, mặt khác cũng dễ gây chồng chéo- mỗi huyện trong cùng thời điểm có thể sẽ phải tiếp nhiều đoàn giám sát của HĐND tỉnh. Vì vậy trước kỳ họp, HĐND tỉnh chỉ có thể chọn điểm một vài địa phương để giám sát trực tiếp, đồng thời yêu cầu UBND, TAND, VKSND các địa phương khác gửi báo cáo để xem xét.  Do đó, khó có thể đánh giá sâu về hoạt động của từng huyện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Và, báo cáo hoạt động của HĐND, báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh cũng khó có thể chỉ rõ những kết quả, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất những kiến nghị xác đáng đối với UBND, TAND, VKSND của từng huyện.

Để có thông tin, tạo điều kiện cho các đại biểu giám sát và thực hiện quyền chất vấn tại kỳ họp, theo quy định, trước mỗi kỳ họp Thường trực HĐND tỉnh sẽ yêu cầu UBND, TAND, VKSND các huyện gửi báo cáo về HĐND tỉnh để gửi cho các đại biểu nghiên cứu. Nhưng, trong thời gian 5 ngày trước kỳ họp (nếu các đơn vị gửi đúng thời gian theo quy định), với một khối lượng tài liệu gần gấp 10 lần trước đây (gồm báo cáo của tỉnh và 9 huyện) thì đại biểu dù có làm hết trách nhiệm cũng khó có điều kiện và quỹ thời gian để nghiên cứu thấu đáo báo cáo của từng huyện.

Các cuộc giám sát theo chuyên đề, từ nhiều năm nay luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa HĐND các cấp để xem xét vấn đề sâu và đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm, các Ban HĐND tỉnh xây dựng kế hoạch giám sát chuyên đề và đề nghị HĐND huyện, xã cùng phối hợp; Thường trực HĐND tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch giám sát chuyên đề tới Thường trực và 2 ban HĐND các huyện, TP. Căn cứ kế hoạch giám sát của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND chủ trì triển khai kế hoạch giám sát tới HĐND các xã, phường, thị trấn. Trên cơ sở đó các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát và gửi báo cáo về huyện; ban của HĐND huyện tổ chức giám sát trên địa bàn và tổng hợp kết quả giám sát của HĐND các xã, xây dựng báo cáo gửi về các ban HĐND tỉnh. Ban HĐND tỉnh sẽ tổ chức giám sát đối với các cơ quan chức năng và phúc tra kết quả giám sát ở một số địa phương, sau đó tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát chuyên đề chung của HĐND. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của HĐND các cấp nên báo cáo kết quả giám sát của các ban HĐND tỉnh có nhiều thông tin sát với thực tế ở cơ sở, kiến nghị xác đáng và khả thi hơn. Mặt khác, báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND cấp dưới không chỉ được gửi lên các ban của HĐND tỉnh để tổng hợp mà còn được gửi tới UBND cùng cấp để giúp UBND đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ, khắc phục những mặt hạn chế… Do đó hiệu quả giám sát chuyên đề cao hơn và thiết thực hơn rất nhiều so với giám sát độc lập. Nhưng hiện nay, các ban HĐND tỉnh khó có thể trực tiếp phối hợp với HĐND cấp xã để giám sát chuyên đề, bởi không thể nghiên cứu hơn 200 báo cáo kết quả giám sát do HĐND các xã, thị trấn gửi lên, chưa kể còn phải tổ chức giám sát ở cấp tỉnh và cấp huyện,  vì vậy chỉ có thể chọn điểm để giám sát độc lập, nên hiệu quả giám sát đương nhiên sẽ hạn chế hơn so với việc phối hợp giám sát đồng bộ trước đây.

Để có thể thực hiện được nhiệm vụ bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết trái pháp luật của HĐND xã, thị trấn; giải tán HĐND xã, thị trấn trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhân dân, HĐND huyện thường xuyên giữ mối liên hệ với HĐND các xã, thị trấn; ngoài việc yêu cầu HĐND xã, thị trấn gửi báo cáo, nghị quyết về để xem xét, khi HĐND xã, thị trấn tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND huyện và đại biểu HĐND huyện ứng cử trên địa bàn về dự để nắm tình hình, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, giúp HĐND xã giải quyết vướng mắc. Nay, nhiệm vụ trên được giao cho HĐND tỉnh, tuy nhiên với 1 Phó chủ tịch và Ủy viên Thường trực hoạt động chuyên trách; mỗi ban cũng chỉ có 1 lãnh đạo chuyên trách thì việc dự hết kỳ họp của 204 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh trong khoảng thời gian 10 ngày không thể thực hiện được. Kỳ họp giữa năm 2009 vừa qua, có những ngày, thường trực HĐND tỉnh nhận được giấy mời dự kỳ họp của 23 xã, thị trấn nhưng chỉ có thể dự được kỳ họp của 3 đến 5 địa phương.

Để khắc phục những khó khăn trên, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh trong điều kiện không còn HĐND huyện, cần tăng đại biểu chuyên trách, các ban HĐND tỉnh cần có cả Trưởng và Phó trưởng ban hoạt động chuyên trách; tăng biên chế cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để có đủ chuyên viên tham mưu giúp việc cho Thường trực và các ban của HĐND. Về tổ chức bộ máy của Văn phòng, cần bố trí thêm Phòng Công tác cơ sở để tham mưu, giúp thường trực HĐND tỉnh trong việc nắm tình hình, hướng dẫn hoạt động, đôn đốc HĐND các xã, thị trấn gửi báo cáo, nghị quyết và nghiên cứu, xem xét, rà soát tham mưu cho HĐND tỉnh bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ nghị quyết trái pháp luật của HĐND xã, thị trấn theo quy định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khi không còn HĐND cấp huyện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO