Khi được lý tưởng hóa...(Phần 1)

Đăng Bẩy 31/01/2011 07:30

Vầng trán thanh cao, đôi mắt to sáng, phong thái khi uyển chuyển khi quyết liệt, nghệ sĩ Vladimir Konkin có may mắn được giao những vai chính diện và nổi tiếng ngay từ lần đầu xuất hiện. Cuộc đời dành khá nhiều sự ưu ái cho nghệ sĩ này khi gặp một mối tình dài đến trọn đời…

>> khi được lý tưởng hoá...(Phần cuối)

Nghệ sĩ Công huân nước Cộng hòa Ukraina và Liên bang Nga Vladimir Konkin chào đời ngày 19.8.1951 tại Saratov trong một gia đình khá giả không thiếu thứ gì nhưng vẫn giữ thói quen chăm chỉ làm lụng. Tim Vladimir bị khuyết tật bẩm sinh, nên khi đi học được miễn trừ các tiết thể dục và lao động, cậu thường dành thời gian rỗi vào nhà hát và viện bảo tàng. Học xong bậc phổ thông, thi đỗ vào trường Nghệ thuật Sân khấu Saratov, Vladimir gặp và yêu ngay người bạn đời duy nhất của mình.

Lần ấy, cùng cha về dự cuộc gặp gỡ thầy trò cũ ở trường phổ thông, Vladimir để ý ngay đến một cô gái, và cô này vẫn đến dự cuộc gặp gỡ truyền thống lần sau. Hỏi ra, mới biết tên cô là Alla, mẹ của cô lại chính là chủ nhiệm lớp của Vladimir ngày nào. Anh chàng bỏ ra ba năm theo đuổi Alla, đến khi hai bên cha mẹ biết, các vị tin ngay. Thế là, đang học năm thứ tư, đôi uyên ương làm lễ cưới.

Năm 1972 anh tốt nghiệp và đầu quân vào Nhà hát Tuổi trẻ Kharkov, năm sau chuyển về Nhà hát Hàn lâm Mossoviet, và năm sau nữa chính thức nhập tịch làng điện ảnh – làm diễn viên của xưởng phim Dovzhenko.

 

Thép đã tôi thế đấy!

Vladimir Konkin vai Pavel Korchaghin (phim Thép đã tôi thế đấy)

Vladimir Konkin vai Pavel Korchaghin (phim Thép đã tôi thế đấy)

Vai diễn đầu tiên của Vladimir Konkin là Pavel Korchaghin, nhân vật chính trong bộ phim Thép đã tôi thế đấy (1975, đạo diễn Nikolai Mashenko) dựng theo cuốn tiểu thuyết – tự truyện nổi tiếng của Nikolai Ostrovsky (1904 - 1936).

Tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy tái hiện những trang lịch sử hào hùng của nhân dân Liên Xô chống lại sự can thiệp của nước ngoài ở Ukraina trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ nhất, thông qua hình tượng một thanh niên thông minh và tâm huyết với lý tưởng, sau đó mắc trọng bệnh nhưng vẫn kiên trì rèn luyện để hiện diện trong cuộc sống bằng tác phẩm văn chương của mình. Cuốn tiểu thuyết này đã được dịch ra hơn 70 thứ tiếng và xuất bản ở hơn 80 nước, trong đó có Việt Nam. Tác giả N. Ostrovsky đã trở thành tấm gương của lòng dũng cảm kiên trinh cho hàng triệu con người. Trong số những độc giả ngưỡng mộ Ostrovsky có không ít nhân vật mang tầm ảnh hưởng rộng hơn một quốc gia, mà chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông là một ví dụ. Các nhà làm phim đã không ít lần chuyển thể tác phẩm này. Ở Liên Xô, năm 1942, đạo diễn Mark Donskoy cùng Yuly Rayzman đã cho ra đời bộ phim Thép đã tôi thế đấy với diễn viên chính Vladimir Perest-Petrenko. 14 năm sau, 1956, cặp đạo diễn V. Naumov và A. Alov lấy tên nhân vật chính làm nhan đề phim, Pavel Korchaghin, và chọn nam diễn viên lừng danh Vasili Lanovoy thể hiện. Ở nước ngoài, Thép đã tôi thế đấy cũng được đưa lên màn ảnh Nam Tư (1988) và Trung Quốc (1999, phim truyền hình 20 tập, do Hàn Cương đạo diễn, quay bối cảnh tại Ukraina, quê hương tác giả N. Ostrovsky, diễn viên chính Andrei Siminin). 

Khác với những bộ phim trước đó đã làm từ cùng một cuốn sách, Pavel Korchaghin của Vladimir Konkin (sản xuất năm 1975, đạo diễn Nikolai Mashenko) có chất lãng mạn, trữ tình và trí thức rất cao, nên mang lại cho diễn viên trẻ giải thưởng của Đoàn thanh niên Lenin. Nhằm xây dựng một thần tượng cộng sản đấu tranh vì hạnh phúc của những con người bị áp bức và nghèo khổ, đạo diễn đã nhiều lần cho quay cận cảnh chân dung Vladimir Konkin, và hoàn toàn tin: với chàng diễn viên có vầng trán cao và đôi mắt mở to hao hao N. Ostrovsky hồi trẻ, việc xây dựng thần tượng chắc chắn sẽ thành công. Trường đoạn mở đường để vận chuyển củi đốt và lương thực đến thành phố đang gặp nạn đói cũng được các nhà làm phim tái hiện rất xuất sắc.

Thép đã tôi thế đấy được công chiếu nhiều lần trên ti vi, cho đến bây giờ vẫn được đánh giá là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật điện ảnh phục vụ tuyên truyền và thuộc hàng phim hay nhất trước buổi hoàng hôn của Liên bang Xô Viết.

Điều khá bất ngờ là ban đầu, đạo diễn chọn V. Konkin vào một vai quần chúng, nhưng trong quá trình làm phim, đạo diễn xem đi xem lại nhiều lần những thước phim đã quay và đột ngột chuyển anh sang vai Pavel. Còn diễn viên chính ban đầu -  Nikolai Burliaev, từng rất nổi tiếng với phim Andrei Rubliov của Tarkovsky – vì không mặn mà với nhân vật cho lắm, nên đã tự nguyện rút lui.

Khi nhận vai, V. Konkin làm việc hết mình, nhưng không phải diễn viên nào cũng nghiêm túc như thế, nên có lúc cũng xảy ra chuyện bất hòa – một diễn viên đấm V. Konkin khiến mặt anh sưng vù, mắt ngầu đỏ. Không muốn tiến độ phim bị gián đoạn, đạo diễn tương kế tựu kế, dựng một trường đoạn mô tả Pavel nằm mơ thấy mình sau trận tra tấn dã man bị đem đi xử bắn…

Phim Thép đã tôi thế đấy mang lại vinh quang mà diễn viên trẻ 22 tuổi đời chưa từng thấy: V. Konkin nhận được hàng vạn bức thư của người hâm mộ, đến đâu anh cũng bị các thiếu nữ quây chặt và tỏ tình. Nhưng, như anh tâm sự, nhờ thường xuyên giữ mối liên lạc với Alla và gia đình, nên anh đã tránh được mọi cám dỗ.

Thường được giao đóng vai quân nhân (phía trên, bên phải, phim Một, hai… hành quân!)

Thường được giao đóng vai quân nhân (phía trên, bên phải, phim Một, hai… hành quân!)

 

Vinh quang quả là gánh nặng

Một cám dỗ khác như vẫn thường thấy: khi đã thành công ở dạng nhân vật chính diện như thế, Vladimir Konkin được rất nhiều đạo diễn mời mọc vào những vai tiếp theo kiểu đó, nhưng anh sớm nhận ra: nếu mình chấp thuận những đề nghị ấy thì sẽ chui vào một khuôn mẫu, chẳng chóng thì chầy. Dẫu có đội lốt này lốt khác được đôi ba bận, thì trong nghệ thuật, đó vẫn chỉ là sự lặp lại mà thôi. Vì vậy, anh khéo léo khước từ, và trong giai đoạn 1974 - 1978 anh nhận những vai khác trong hàng loạt bộ phim lý thú: Tình ca về những người yêu nhau của đạo diễn Andrei Konchalovsky – vai Nikitin em, Marina (1974, đạo diễn Boris Ivchenko) – vai Boris Izvolsky, Thiên truyện Kavkaz (1978, đạo diễn Georgi Kalatozishvili) – vai Dmitri Olenin, Những con sóng Hắc Hải (1976, đạo diễn Arthur Voitetsky) – vai Kostia… Điều lý thú nữa: tuy chưa từng phục vụ trong quân đội vì mắc bệnh tim bẩm sinh, nhưng Vladimir Konkin lại rất hay được giao những vai quân nhân, và anh khá thành công trong mảng nhân vật này, tiêu biểu nhất là thiếu úy Suslin trong Một, hai, hành quân… (1976, bộ phim cuối cùng của Leonid Bykov, 1928 - 1979) thu hút 35,8 triệu lượt người xem. Dạng nhân vật anh thể hiện đạt nhất là con người trí thức, trữ tình và giàu nội tâm.

Một đỉnh cao nữa, Vladimir Konkin đạt được vào năm 1979 với vai Volodia Sharapov trong bộ phim truyền hình nhiều tập Điểm hẹn không được thay đổi của đạo diễn Stanislav Govorukhin, theo tiểu thuyết Kỷ nguyên của thiện tâm của anh em nhà văn Vainer. Hai nhân vật chính của phim – đại úy Gleb Zheglov và thượng úy Volodia Sharapov là những tạng người tương phản. Vai Zheglov được dành sẵn cho V. Vysotsky – người có mối quan hệ với anh em nhà văn Vainer và đã nêu ý tưởng đưa cuốn sách này lên phim, đồng thời là bạn thân của đạo diễn. Mời Vladimir Konkin vào vai, đạo diễn xuất phát từ sự kết hợp hài hòa của diễn viên trong những vai vừa hào sảng lại vừa trang nhã. Bất ngờ, có sự phản ứng từ cả phía tác giả văn học, cả phía lãnh đạo đài truyền hình: họ muốn chỉ một diễn viên tham gia bộ phim, có Vysotsky thì thôi V. Konkin, hoặc ngược lại. Nhưng St. Govorukhin là đạo diễn “cứng đầu” – ông kiên quyết không thay đổi nhân sự và cứ ra lệnh bấm máy.

Sau này, Konkin thú thực, trong chặng đầu nghiệp diễn, anh rất căng thẳng về tâm lý, vì thấy không nhiều cộng sự làm việc hết sức như mình. Thậm chí có bạn diễn còn gây sự, choảng anh đến đỏ mắt, sưng mặt. Để khỏi gián đoạn tiến độ trường quay, đạo diễn phải “bịa” ra một màn Pavel Korchaghin nằm mơ thấy mình bị tra tấn, mình đầy thương tích và đem đi xử bắn… Chính trong thời điểm gay cấn này, V. Konkin muốn bỏ cuộc. Đang thu xếp vali chuẩn bị rời Odessa về Kiev, thì hai đồng nghiệp đã “ứng cứu” kịp thời – đó là nghệ sĩ Evgheni Shutov (nay đã mất) khi đó đang có mặt tại Odessa và Vitia Pavlov. Tình cờ vào phòng, hỏi: “Sao mặt em ỉu vậy?” Đáp: “Nội bộ lục đục, thế thì làm phim sao được”. “Lo gì, thôi, ra ngoài trời cho dễ thở” - bậc đàn anh cầm kịch bản và lôi V. Konkin đi dạo. Hóa ra, buồn cười thật, hài kịch mà! Vitia Pavlov hôm đó đã giúp V. Konkin hiểu ra: nếu mình yếu lòng, sẽ mất điểm về nghề nghiệp, mất điểm về tất cả các phương diện khác, cho nên phải chứng tỏ vai diễn được giao là của mình, và thể nào cũng đâu vào đấy…

(Còn một kỳ nữa)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khi được lý tưởng hóa...(Phần 1)
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO