Khí đá phiến và thế cân bằng địa chính trị mới

Huỳnh Vũ 18/12/2012 08:54

Với trữ lượng dồi dào và chi phí sản xuất rẻ, khí đá phiến có thể thay thế cho nguồn nhiên liệu hóa thạch mà Mỹ đang phải nhập khẩu từ Trung Đông. Giới chuyên gia nhận định cuộc cách mạng khí đá phiến cùng chính sách đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng có thể tạo nên một lợi thế cân bằng địa chính trị mới cho cường quốc số một thế giới này.

Nhờ sử dụng rộng rãi phương pháp nứt vỉa thủy lực, Mỹ từ chỗ thiếu khí đốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước trở thành nước dư thừa nguồn nhiên liệu này và coi đây là một ngành công nghiệp mới. Hiện tại, Mỹ là quốc gia có sản lượng khai thác và sản xuất dầu khí tăng nhanh nhất thế giới. Ngoài ra, Mỹ còn phát triển dự án khai thác dầu ở vùng nước sâu tại vịnh Mexico và tăng cường sản xuất khí đá dầu. Nếu kể thêm việc khai thác dầu cát tại Canada, vùng Bắc Mỹ đã có thể tự cung cấp cho nhu cầu của chính mình. Bộ Năng lượng Mỹ dự báo sản lượng dầu thô và khí đốt hóa lỏng của quốc gia này sẽ đạt trung bình là 11,4 triệu thùng/ngày trong năm tới, chỉ đứng sau sản lượng 11,6 triệu thùng/ngày của Ảrập Xêút. Ngân hàng nổi tiếng Citibank cho rằng, sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ có thể đạt tới 13 triệu -15 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và biến Bắc Mỹ trở thành một “Trung Đông mới”.

Lần gần đây nhất, Mỹ trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới vào năm 2002 sau khi Ảrập Xêút cắt giảm đáng kể sản lượng khai thác vì giá dầu thấp do ảnh hưởng từ vụ khủng bố 11.9.2001. Theo giới chuyên gia, trong những năm tới, Mỹ sẽ vẫn cần nhập khẩu dầu thô để đáp ứng nhu cầu trong nước, hiện đang ở mức 18,7 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, nhờ sản lượng trong nước tăng và tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học, dự kiến lượng dầu nhập khẩu của Mỹ có thể giảm một nửa vào cuối thập kỷ này.

Năm 1980, Jimmy Carter đưa ra học thuyết quân sự: sẵn sàng sử dụng vũ lực trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình tại vùng vịnh. Học thuyết này đã được các chính quyền áp dụng trong hàng chục năm qua để bảo vệ con đường hàng hải huyết mạch nối liền các nước dầu mỏ ở vùng vịnh với phần còn lại của thế giới. Các cuộc chiến mệt mỏi tại Afghanistan và Iraq, khủng hoảng tài chính năm 2008, suy thoái và thâm thủng ngân sách ngày càng lớn và đặc biệt là khí đá phiến đang khiến chính sách can dự Trung Đông dần được điều chỉnh.

Câu hỏi đặt ra lúc này là nước nào sẽ thay Mỹ đảm trách vai trò là “người bảo hộ” các tuyến đường vận chuyển dầu khí? Tất nhiên, câu trả lời sẽ là nước đang khát dầu nhất hiện nay - Trung Quốc. Đối lập với sự độc lập ngày càng rõ nét của Mỹ về mặt nhiên liệu là sự phụ thuộc thái quá của Trung Quốc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Hiện hơn 50% lượng dầu mỏ tiêu thụ tại khu vực châu Á - Thái Bình dương là nhập từ Trung Đông trong bối cảnh bất ổn gia tăng tại đây đe dọa ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung. 

 Song, với thực lực của Bắc Kinh hiện nay, đây vẫn là một nhiệm vụ không dễ dàng. Nếu so sánh về mặt tương quan lực lượng, năng lực của hải quân Trung Quốc còn xa mới sánh được với Mỹ. Mỹ sở hữu đến 11 tàu sân bay, trong khi đó Trung Quốc chỉ mới có một tàu sân bay, vừa được công bố hồi tháng 9.2012. Vì thế, đảm bảo an ninh hàng hải vô hình trung đã tạo ra một lợi thế cho Mỹ, trở thành một quân bài mà Washington có thể đem ra để mặc cả với Bắc Kinh khi cần thiết. Trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng ở vùng vịnh, Mỹ có thể sẽ chấp nhận bảo đảm an ninh cho việc giao hàng, với điều kiện Trung Quốc phải có một số nhượng bộ trong quan hệ song phương cũng như đa phương liên quan tới lợi ích của Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ. Trong một thế giới luôn phải đối mặt với nạn khủng bố và cuộc chiến Internet, biên giới của Mỹ vẫn là toàn cầu.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khí đá phiến và thế cân bằng địa chính trị mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO