Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới

Khi “cửa ngõ” xung yếu còn hạn chế

- Thứ Ba, 19/11/2019, 08:04 - Chia sẻ
Vấn đề dân số chính là “cửa ngõ” xung yếu để quốc gia phát triển bền vững. Việc phát triển dân số trong tình hình mới không chỉ có tầm quan trọng với quốc gia mà đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng với từng gia đình và từng cá nhân. Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) chia sẻ tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18.11.

Thách thức thời đại đòi hỏi chất lượng dân số cao

Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương nêu rõ: Vấn đề vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược chính là “Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.

“Trong bối cạnh mới, nhiệm vụ mới đặt ra, thì không thể thực hiện tốt nếu chất lượng thể chất, tinh thần, trí tuệ của đội ngũ lao động không tốt”- Nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế quốc dân GS. TS. Nguyễn Đình Cử chia sẻ.

Những con người yếu ớt, có trình độ học vấn chuyên môn không cao, năng suất lao động không đạt sẽ không thể vượt qua những thách thức thời đại công nghệ phát triển. Ngày nay, yêu cầu về hàng hóa, dịch vụ phải có chất lượng cao, do vậy, sẽ rất vô lý nếu dân số, con người lại có chất lượng không cao. Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, nếu không chăm lo công tác dân số, chúng ta sẽ chịu đựng “gánh nặng” về cơ cấu dân số, chất lượng dân số trong tương lai. Lao động, công cụ lao động, tư liệu lao động quyết định yếu tố phát triển sản xuất, mà nhân lực chất lượng thấp dẫn đến năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng ảnh hưởng. Đây cũng chính là chìa khóa phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.


Toàn cảnh buổi tọa đàm Ảnh: Duy Thông

Bộ máy “teo tóp”, nguồn lực giảm sâu, nhiệm vụ tăng cao

Thách thức công tác dân số trong bối cảnh mới không hề nhỏ. Trong khi bộ máy trực tiếp làm công tác dân số “teo tóp”, “vay mượn”, nguồn lực trực tiếp cho công tác này giảm sâu thì nhiệm vụ, mục tiêu lại tăng lên nhiều lần; độ khó, phức tạp và tính phối hợp các ngành, các cấp đòi hỏi ngày càng cao. Nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân khẳng định, những năm vừa qua đã có quá nhiều sự thay đổi trong cơ cấu tổ chức làm công tác dân số. “Chúng ta đã xử lý bộ máy tổ chức dân số một cách cơ học. Cấp huyện trở xuống đang bị “teo lại” gây nhiều khó khăn trong triển khai công tác.

“Bên cạnh đó, những vấn đề mới phát sinh như mức sinh không đồng đều giữa các vùng; chêch lệch tỷ lệ sinh giữa bé trai và bé gái; chăm sóc sức khỏe sinh sản; nâng cao chất lượng dân số… đòi hỏi phải tập trung nguồn lực để thực hiện. Ở các nước tiên tiến hiện nay thường dành một khoản tiền đầu tư cho sức khỏe sinh sản để tạo ra chất lượng dân số tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, vấn đề môi trường và dự phòng chưa tốt nên con người phải đối đầu với nhiều bệnh lý, như: ung thư cổ tử cung, ung thú vú…” - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh chia sẻ.

“Phá vỡ một quan niệm khó hơn phá vỡ một nguyên tử”

Cho rằng việc chuyển từ sinh sản về mặt số lượng sang chất lượng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cả tập quán và hành vi. Đây là một cuộc cách mạng khó khăn và gian khổ, ông Nguyễn Đình Cử đề nghị, phải đẩy mạnh truyền thông, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, bộ máy tổ chức, tăng cường kinh phí. Điểm mấu chốt nhất là sự thay đổi nhận thức và điều này không hề dễ dàng. Ông Cử nêu ví dụ, việc kế hoạch hóa gia đình làm từ 1961 đến nay, tức là gần 60 năm rồi, nhưng 3 vùng của chúng ta vẫn chưa đạt mức sinh thay thế. Albert Einstein đã từng nói: “Phá vỡ một quan niệm khó hơn phá vỡ một nguyên tử”, nên đòi hỏi chúng ta phải kiên trì và đẩy mạnh tuyên truyền.

Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng, để nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới, đầu tiên cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng theo đúng tinh thần Nghị quyết 21. Đó là tinh thần căn cốt. Phải biến thành hành động, chuyển biến nhận thức của các tổ chức Đảng trong từng cơ sở và phải ban hành được Luật Dân số. Hai là áp dụng các thành tựu khoa học y học của thế giới để kiểm soát bệnh tật, sàng lọc trước sinh. Ba là có chính sách tiếp tục đầu tư để chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em. Bốn là, bộ máy làm công tác dân số gọn nhẹ nhưng phải hiệu lực, hiệu quả và đạt mục tiêu. Năm là tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền. Việc tuyên truyền phải đi từng ngõ, gõ từng nhà.

Thanh Hà