Khi chủ nghĩa hoài nghi thắng thế

Vĩnh Hà 15/12/2015 08:18

Sau vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng trước, Pháp đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tích cực triển khai Điều 42.7 trong Hiệp ước Lisbon nhằm tăng cường hỗ trợ lẫn nhau về quân sự. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng các nước EU ủng hộ lời kêu gọi của Pháp bằng sự nhất trí với kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng chung thêm 3 triệu euro, Anh lại phản đối. Động thái của Anh một lần nữa cho thấy chủ nghĩa hoài nghi vẫn thắng thế ở Xứ sở sương mù, đe dọa đoàn kết toàn khối.


Thiếu một cam kết chính trị về quốc phòng

Chủ nghĩa hoài nghi của Anh từ lâu đã trở thành nhân tố cản trở nhiều kế hoạch quốc phòng của EU, mặc dù cựu Thủ tướng Tony Blair là người đã cùng cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac thúc đẩy Chính sách Chung về An ninh và Quốc phòng châu Âu (CSDP) vào năm 1998 nhằm hoàn thiện NATO và giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Trong những năm đầu, sáng kiến Anh - Pháp đã có một số tiến bộ, đáng kể nhất là việc thành lập Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), một cơ quan có trách nhiệm phối hợp các hoạt động huấn luyện quân sự và phát triển trang thiết bị. Các lực lượng phản ứng nhanh như “Nhóm tham chiến EU” đã được xây dựng cùng với cơ cấu bộ trưởng và quân sự mới để đưa ra quyết định về những vấn đề như trừng phạt kinh tế hay triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình EU trên quy mô quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, “Nhóm tham chiến EU” được thành lập từ năm 2007 song vẫn chưa tham gia bất kỳ nhiệm vụ nào. Châu Âu cũng không có bất kỳ kế hoạch quân sự quy mô nào ngoại trừ các hoạt động phối hợp máy bay không người lái.

Giới chức EU thừa nhận trên thực tế các nước EU đều hoạt động đơn lẻ. Ví dụ, EU có 7 chương trình phát triển tàu khu trục và 23 hệ thống xe bọc thép hạng nhẹ khác nhau hiện đang được triển khai độc lập trên toàn châu Âu. Chi tiêu quốc phòng đã giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 - 2009 và nhiều nước thành viên NATO hiện đang tiếp tục mạnh tay cắt giảm.

EDA vẫn tiến hành các hoạt động hợp tác như tiếp nhiên liệu trên không, an ninh mạng, vũ khí chống tăng, các chương trình y tế, liên lạc thông qua vệ tinh và các hệ thống điều khiển máy bay từ xa và máy bay không người lái. Italy, Pháp và Đức hy vọng rằng tới năm 2025 sẽ tự phát triển và sản xuất được các máy bay không người lái tại châu Âu để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và Israel. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng EU không thể phát triển bền vững nếu không có những cam kết chính trị về quốc phòng.

Anh và nguy cơ “Brexit”

Gần hai thập kỷ sau khi Pháp và Anh, hai cường quốc quân sự hàng đầu của EU, triển khai CSDP, lục địa này đang đối mặt với hàng loạt mối đe dọa nghiêm trọng, từ khủng bố tới vấn đề di cư. Trong chuyến thăm Đức hồi tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker nhận xét từ các nội dung trong chính sách quốc phòng chung của châu Âu hiện hành, EU đang thiếu sự thống nhất về mặt quân sự.

Có rất nhiều lý do khiến người ta hoài nghi về các mục tiêu quốc phòng mà EU đang theo đuổi, trong đó đáng chú ý là chủ nghĩa hoài nghi về sự hội nhập châu Âu đã ăn sâu bám rễ trong xã hội Anh, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, vấn đề ngân sách và nợ công phức tạp tại nhiều quốc gia sử dụng đồng tiền chung euro, sự bất bình về các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, và sự nổi lên của các đảng phái có tư tưởng phản đối EU trên khắp châu Âu. Bên cạnh đó là nguy cơ Anh rời bỏ EU, còn được gọi là “Brexit”. Chính quyền Bảo thủ ở Anh ngày càng hoài nghi về mục tiêu hội nhập châu Âu và đã cam kết sẽ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rời khỏi EU trước cuối năm 2017 sau khi tái đàm phán các điều khoản về tư cách thành viên của nước này.

Ông Daniel Koehane, thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh tại Zurich (Thụy Sĩ) cho biết: “Thủ tướng Anh David Cameron không muốn có những hành động khiến người ta cho là ông ủng hộ việc tham gia một ‘đội quân euro’ trước thềm cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh”. Điều này có thể giải thích phần nào lý do Anh phản đối việc tăng ngân sách 2016 cho EDA. Những thay đổi đối với khoản ngân sách này chỉ có thể trở thành hiện thực nếu có sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên, và sự phản đối của Anh đồng nghĩa với việc ngân sách 2016 của EDA sẽ được giữ ở mức 30,5 triệu euro, giảm 15% so với ngân sách được đề ra năm 2010. Tuy nhiên, một vài quốc gia thành viên EU có thể sẽ đơn phương gia tăng đóng góp của nước mình cho cơ quan này.

Trong khi đó tại Anh, Thủ tướng David Cameron mới đây đã tuyên bố trước Nghị viện về kế hoạch tăng thêm 12 tỷ bảng Anh (18 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng. Đây được coi là bước đi nhằm tăng cường ngăn chặn mọi nguy cơ từ Nga. Chi tiêu quốc phòng trong 5 năm tới của ông Cameron sẽ là mối hời lớn cho các nhà thầu quốc phòng. Chín máy bay tuần tra trên biển Boeing P-8 mới đã được ghi lại trong chi tiêu ngân sách của nước này. Các máy bay chủ yếu nhằm đối phó với các tàu ngầm của Nga.

Có thể thấy, việc Anh không ủng hộ EU tăng ngân sách quốc phòng không phải là do London không hiểu những mối đe dọa đối với an ninh châu Âu, mà là họ hiểu mình cần làm gì. Anh cần bảo đảm lợi ích và an ninh cho chính mình trước tiên, và họ có quyền đòi hỏi sự nhượng bộ, cũng như cải tổ từ EU nếu liên minh này vẫn còn có Anh. Thực tế, chủ nghĩa hoài nghi ở Anh trong trường hợp này là một tính toán chiến lược.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khi chủ nghĩa hoài nghi thắng thế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO