Khi Chính phủ “nhờ” Quốc hội giám sát

- Thứ Năm, 15/04/2021, 08:04 - Chia sẻ
Ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ Mười một, trong 3 ngày 12 - 14.4, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế đã “lên đường” làm việc với 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Bình Thuận về việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam và trực tiếp khảo sát nhiều mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án.

Chuyến công tác này bắt nguồn từ đề nghị của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo lời Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đồng thời là Trưởng đoàn công tác, dự án cao tốc Bắc - Nam được Quốc hội đặc biệt quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai. Ngân sách bố trí cho dự án không thiếu dù chỉ một đồng. Tuy vậy hiện có một số vướng mắc, khó khăn có thể làm dự án chậm tiến độ.

Tại Kỳ họp thứ Mười một, nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới vấn đề này và lo ngại dự án quan trọng quốc gia này có thể không về đích đúng hẹn. “Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Ủy ban Kinh tế sau Kỳ họp giám sát xem vướng mắc, khó khăn nằm ở đâu, thuộc thẩm quyền của đơn vị nào để cùng vào cuộc tháo gỡ nhằm bảo đảm tiến độ của dự án”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh kể.

Sau nhiều lần chuyển đổi phương thức đầu tư, “chốt lại” dự án cao tốc Bắc - Nam có 8 dự án thành phần được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công và 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Công tác giải phóng mặt bằng cho dự án này được đánh giá là tốt nhất từ trước tới nay. Hiện các địa phương đã thực hiện đền bù, đủ điều kiện để bàn giao mặt bằng đạt 97,1%. Tiến độ xây dựng các khu tái định cư đạt 85,6% (95/111 khu) và sẽ hoàn thành trong quý II tới.

Tuy vậy, trong phạm vi đã giải phóng mặt bằng còn vướng mắc cục bộ, “xôi đỗ” khoảng 7,71km chính tuyến. Việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật để triển khai dự án diễn ra khá chậm, hiện còn hơn 50% khối lượng, ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng tổ chức thi công của các gói thầu.

“Nóng” hơn cả, cấp bách hơn cả là tình trạng thiếu nguồn vật liệu. Nhu cầu vật liệu phục vụ thi công toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam vô cùng lớn với khoảng 60,7 triệu mét khối đất đắp; 21,5 triệu mét khối đá các loại; và 10,8 triệu mét khối cát các loại. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, quá trình lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, tư vấn thiết kế đã khảo sát, đề xuất sử dụng các mỏ vật liệu theo đúng quy định về đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, một số mỏ tư vấn chỉ ra không đáp ứng được nhu cầu của dự án vì rất nhiều lý do.

Ví dụ, các mỏ đồng thời phải chia sẻ, cung cấp cho các dự án khác của địa phương dẫn đến các nhà thầu tranh mua mỏ có cự ly vận chuyển gần để giảm giá thành và công suất sản xuất của mỏ không đáp ứng kịp tiến độ yêu cầu. Một số mỏ đã hết hạn khai thác, đang chờ gia hạn cấp phép; một số mỏ trong quy hoạch của địa phương đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác - nhưng vấn đề là quy trình, thủ tục để cấp phép mất rất nhiều thời gian, nhanh cũng phải 1 - 2 năm. Bên cạnh đó có tình trạng một số mỏ tư nhân đang khai thác chưa chịu ký hợp đồng để chờ giá lên cao...

Thiếu bãi đổ thải cũng là vấn đề “đau đầu” của chủ đầu tư, nhà thầu. Thực tế, các vị trí đổ thải đã được quy hoạch, thỏa thuận với địa phương trong thời gian lập dự án và lập thiết kế kỹ thuật. Tuy nhiên, khi triển khai thi công, do địa phương thay đổi mục đích sử dụng đất (một phần vì thời gian chuẩn bị dự án kéo dài) nên nhà thầu không thể đổ thải được.

Những vướng mắc trên nếu không được giải quyết sớm thì chắc chắn dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ không thể thông xe trong năm 2022 như yêu cầu của Quốc hội. Trong bối cảnh đó, người đứng đầu Chính phủ chủ động đề nghị cơ quan của Quốc hội tiến hành giám sát (việc này vốn ít khi xảy ra) cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ mới với dự án có tầm quan trọng quốc gia này.

Mặt khác, quan trọng hơn, đây có thể là cách làm hiệu quả giúp dự án duy trì đúng tiến độ. Thực tế, sau 3 ngày làm việc với địa phương và trực tiếp khảo sát các mỏ vật liệu, các vướng mắc và nguyên nhân cũng như thẩm quyền xử lý đã hiển thị khá rõ ràng. Cơ chế đặc thù (có thể phải xử lý bằng một nghị quyết của Quốc hội) nhằm giải quyết tình trạng thiếu vật liệu phục vụ thi công - vấn đề “xương xẩu” nhất hiện nay - cũng đã được đề xuất và người đứng đầu Ủy ban Kinh tế cho biết sẽ tiếp nhận, nghiên cứu…

Sau chuyến công tác, một báo cáo sẽ được Ủy ban Kinh tế gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Khi mọi vướng mắc đều rõ giải pháp, rõ thẩm quyền giải quyết, rõ địa chỉ chịu trách nhiệm thì chắc chắn chúng sẽ được tháo gỡ trúng, nhanh và sớm, giúp dự án cao tốc Bắc - Nam thoát khỏi “dớp” chậm tiến độ của rất nhiều dự án quan trọng quốc gia!

Hà Lan