Khi các nhà lãnh đạo viết sách
Năm 2010, sự kiện ba chính khách có ảnh hưởng: cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush và Tổng thống Mỹ Barack Obama xuất bản sách đã thu hút sự quan tâm của cả giới văn học và chính trị gia. Những cuốn sách này nhanh chóng dẫn đầu danh sách những tác phẩm bán chạy nhất.
Hồi ký của Tony Blair: Cuốn sách về chính trị cởi mở nhất
Hồi ký của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair mang tên A Journey được phát hành đồng thời tại Anh, Mỹ và Canada vào ngày 1.9.2010. Ngay trong ngày đầu tiên, cuốn sách đã trở thành best-seller với lượng sách tiêu thụ vượt mọi kỷ lục trước đó trên mạng Waterstone’s ở Anh và đứng đầu trong danh sách best-seller của trang bán sách trên mạng Amazon.
Phần thú vị nhất của cuốn A Journey là những nét phác họa của Tony Blair về các chính khách Anh và thế giới, trong đó có ông. Tony Blair tự họa với những cụm từ mà bài báo của tờ Guardian từng dùng để miêu tả ông trước khi trở thành Thủ tướng năm 1997, như: “một người đàn ông sống cùng gia đình ở Bắc London”; một nhà chính trị bảnh bao, ăn ảnh, thân thiện nhưng có chút gì đó khó nắm bắt; “một người đàn ông không có bóng”...
Trong cuốn hồi ký, cựu Bộ trưởng Tài chính và là người kế nhiệm ông - Thủ tướng Gordon Brown được phác họa là “một người kỳ lạ”, “không thực sự hiểu hết chủ trương và nguyên tắc của Công đảng mới”; một người “có tính toán chính trị” nhưng lại thiếu “linh cảm chính trị”; có óc phân tích nhưng lại chan sạn cảm xúc. Tuy đôi lúc gây khó chịu, song ông phải thừa nhận Gordon Brown là người mạnh mẽ, có năng lực và xuất chúng “suốt 3 năm qua, có vẻ mọi người chưa đánh giá đúng về sức mạnh của Gordon Brown”.
![]() |
Sách của Tony Blair trưng bày ở London |
Ảnh: AP |
Hồi ký của cựu Thủ tướng Anh được đánh giá là một trong những cuốn sách về chính trị cởi mở nhất bởi tác giả không ngại hé mở cho người đọc những góc khuất của một chính trị gia hàng đầu. Vị Thủ tướng được tụng ca là một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất, thú nhận về những nỗi sợ hãi: trách nhiệm mà một Thủ tướng phải gánh vác; sự cô lập; sự thiếu tự tin về phương thức lãnh đạo; sự mất bình tĩnh trong những phiên chất vấn tại Nghị viện... Song, ngay cả khi ông viết như thể đang giãi bày tâm sự với người đọc, người ta vẫn thấy một cựu Thủ tướng Blair rất thận trọng với những gì mình nói ra và giữ lại những gì mà ông cho là không nên hé lộ.
Theo Telegraph
Hồi ký của George W.Bush: Lời thú tội của một cựu Tổng thống?
Mùa thu năm 2010, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush chính thức gia nhập “hội những Tổng thống và cựu Tổng thống - tác giả của những cuốn sách bán đắt như tôm tươi”. Hồi ký của ông Bush mang tên Decision points (Những điểm quyết định), do nhà xuất bản Crown Publishers phát hành, lập tức tiêu thụ được 700.000 bản ngay trong tuần đầu tiên ra mắt.
Cuốn sách xoay quanh những quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời Tổng thống cũng như trong đời tư của ông: từ quyết định cai rượu năm 1986; đến quyết định tấn công Iraq năm 2003. Dư luận từng thắc mắc ông nghĩ gì khi đưa ra những quyết định ấy? Sự hiếu kỳ càng tăng khi trong suốt hai nhiệm kỳ của mình, ông Bush rất hạn chế nói đến cảm xúc cá nhân.
![]() |
G.Bush ký tặng sách |
Ảnh: Getty Image |
Ông Bush thú nhận từng mất ngủ nhiều đêm liền khi “không tìm thấy vũ khí hủy diệt tại Iraq”. Ông cũng nhiều lần đề cập tới cụm từ “bị che mắt” khi nói về những lần các nhà cố vấn và Nội các của cựu Tổng thống tìm các che giấu lãnh đạo về nhiều vụ bê bối. Đó là việc cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld che mắt về vụ binh sỹ Mỹ hành hạ tù nhân ở nhà tù Abu Ghraib; vụ thông đồng giữa Nhà Trắng và Bộ Tư pháp trong chương trình giám sát bí mật hay những tai biến tài chính, trong khi nguy cơ tiềm ẩn ấy đã hình thành trong suốt một chục năm trời.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống cho biết, ông rời Nhà Trắng với một tâm thế hoàn toàn thoải mái để quay trở lại với cuộc sống bình dị vì “tôi đã luôn làm những gì tôi tin là đúng”. Điều ấy được thể hiện qua đoạn văn thuật lại một sáng yên bình, không lâu sau khi chuyển về Dallas, ông Bush đưa chú chó Barney đi dạo, ông viết: “Barney nhìn thấy sân cỏ của người hàng xóm, anh chàng nhanh chóng lao tới để giải quyết công việc cần phải giải quyết. Tôi, nguyên Tổng thống của Hợp chủng quốc Hoa kỳ, với bao nilông trên tay, lượm lên thứ tôi đã né tránh trong suốt 8 năm qua”.
Theo NY Times
Sách dành cho thiếu nhi của Barack Obama: Truyền cảm ứng và khát vọng cho trẻ thơ
Tổng thống Mỹ Barack Obama không phải là chính khách kiêm tác giả ăn khách xa lạ, đặc biệt đối với độc giả trẻ. Cả hai cuốn sách đầu tay của ông là Dreams From My Father (xuất bản đầu tiên vào năm 1995) và The Audacity of Hope (xuất bản năm 2006) không chỉ đứng trong danh sách những tác phẩm bán chạy nhất của tạp chí New York Times và trang mạng Amazon, mà còn dẫn đầu danh sách đề cử giải thưởng văn học Anh British Book Awards năm 2009 ở hai hạng mục tác giả và tiểu sử của năm. Năm 2010, cuốn sách thứ 3 của ông Obama mang tên Of Thee I Sing: A Letter to My Daughters chính thức ra mắt bạn đọc ngày 16.11. Đây không phải là một cuốn hồi ký hay tiểu sử mà là một cuốn sách tranh dành cho thiếu nhi. Ông Obama hoàn thành cuốn sách này vào năm 2008, trước khi vào Nhà Trắng, với sự cộng tác của họa sỹ Loren Long. Bìa cuốn sách là tranh minh họa hai cô con gái nhỏ của ông Obama – bé Sasha và bé Malia - đi dạo cùng chú chó Bo trên đồng cỏ xanh.
![]() |
Cuốn sách tôn vinh 13 nhân vật vĩ đại đã có công đặt nền móng cho nước Mỹ. Đó là nữ họa sỹ Georgia O’Keeffe – người “cho chúng ta thấy vẻ đẹp to lớn từ những điều nhỏ bé”; nhà khoa học Albert Einstein “biến những hình ảnh trong trí tưởng tượng thành những phát minh khoa học vĩ đại”; cầu thủ bóng chày người da đen Jackie Robinson “đã cho chúng ta thấy cách biết vượt qua những nỗi sợ hãi và biến nó thành sự ngưỡng mộ”; ca sỹ Billie Holiday “hát những khúc ca buồn đẹp đẽ dành tặng thế giới” hay về giảng viên Hellen Keller “dạy chúng ta cách quan sát và lắng nghe lẫn nhau”... Bằng những câu hỏi ngỏ đầy trìu mến: “Cha đã nói với con rằng con rất sáng tạo chưa nhỉ?”; “ Cha đã cho con biết, rằng con là một người có lòng tốt?”; “...rằng con rất mạnh mẽ?”; “...rằng con là người hàn gắn?”, tác giả dẫn dắt các em vào câu chuyện về nhà cải cách xã hội và hoạt động từ thiện Jane Addams, người “đã mở những cánh cửa hy vọng cho mọi người”; về tù trưởng bộ tộc da đỏ Sitting Bull “đã hàn gắn những trái tim tan vỡ”; về nhà hoạt động dân quyền gốc Phi Martin Luther King “đã dạy chúng ta về niềm đam mê không gì lay chuyển”; về vị Tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington - người đã tin vào tự do và công lý cho tất cả mọi người”; về phi hành gia Neil Armstrong “đã cho chúng ta đủ can đảm để bước những bước dài táo bạo”; hay về nhà hoạt động César Chávez - người nổi tiếng với câu nói “Sí, se puede!” (“Đúng vậy, bạn có thể!”) mà ông Obama sử dụng làm khẩu hiệu trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008.
Giám đốc Nhà xuất bản sách thiếu nhi Random House, Chip Gibson ca ngợi cuốn sách là sự kết hợp tuyệt vời giữa ngôn từ đầy chất thơ và tranh minh họa, giữa lịch sử và những câu chuyện kể, khơi dậy trong thế hệ măng non khát vọng theo đuổi giấc mơ và quyết tâm tìm ra con đường đến với những giấc mơ ấy:
Cha đã nói với con chưa nhỉ?
Rằng những vĩ nhân, họ đều tiềm ẩn trong bản thân con?
Rằng con cũng sẽ là một trong số họ?
Và rằng con chính là tương lai?
Như tiêu đề của cuốn sách, Of thee I sing là bức thư mở của người cha gửi các cô con gái nhỏ, cũng là một món quà đẹp và ý nghĩa ông Obama dành tặng trẻ thơ.
Theo Guardian; Politics Daily